Mô hình các CLB miền Bắc: Vẫn đi tìm bài toán phát triển bền vững

10/05/2020 10:38 GMT+7

Cùng có tham vọng tiến lên chuyên nghiệp, nhưng do có sự khác nhau thậm chí khác biệt về nền tảng tài chính và cách “tiêu tiền” nên lộ trình phát triển của một số đội bóng miền Bắc có sự chênh lệch đáng kể.

Than Quảng Ninh: Phát triển bóng đá để quảng bá du lịch

Được mệnh danh “đại gia chịu chơi nhất vịnh Bắc bộ”, Than Quảng Ninh (TQN) có hậu phương vững chắc là Chủ tịch Công ty cổ phần khai thác khoáng sản vàng Hà Giang Phạm Thanh Hùng, cổ đông chính của Công ty cổ phần công nghiệp mỏ xây dựng Đông Bắc. Tuy nhiên, ông Hùng khiêm tốn phát biểu: “Một mình tôi không thể xây dựng và duy trì được đội bóng mà cần sự chung tay góp sức của tỉnh Quảng Ninh và Hiệp hội Doanh nghiệp của tỉnh. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) quy định mỗi đội bóng cần ít nhất 35 tỉ đồng để hoạt động mỗi mùa. Con số ấy chắc chắn không đủ mà phải là cấp số nhân. Bởi thế, quỹ tài chính để nuôi đội không thể chỉ trông cậy vào mỗi ông Hùng. Bóng đá Quảng Ninh cũng đâu chỉ có đội 1 đang tham dự V-League mà còn có các tuyến trẻ từ U.9 đến U.21. Nếu không có tiền thì không thể tạo được một nền tảng vững chắc và ổn định lâu dài”.
Ông Hùng cũng thừa nhận, TQN đã và đang học hỏi mô hình phát triển bóng đá chuyên nghiệp từ các đội bóng của bầu Đức, bầu Hiển vì “họ mạnh dạn đầu tư cho đào tạo trẻ và dù mức độ thành công là không giống nhau nhưng đều xứng đáng trở thành tấm gương cho các đội khác”.

Quảng Ninh đang xây dựng mô hình với hệ thống sân bãi mói và đội hình chất lượng

VPF

Giành ngôi á quân giải hạng nhất năm 2013 để giành quyền thăng hạng V-League 2014, hai năm sau TQN đã đánh bại đối thủ cực mạnh là Hà Nội T&T ở chung kết Cúp quốc gia. Mùa giải 2016, TQN một lần nữa vượt qua đội bóng của bầu Hiển, đoạt Siêu cúp quốc gia. Năm 2017, TQN lần đầu dự vòng bảng AFC Cup, mùa 2019 đoạt HCĐ V-League 2019 và hiện đang có thành tích khá tốt tại AFC Cup 2020.
Ông Hùng nói: “Khát vọng lớn lao của chúng tôi là gặt hái được thành công trên cả đấu trường châu lục. Bởi thành công của bóng đá Quảng Ninh cũng chính là cách tốt nhất để quảng bá thương hiệu du lịch tại mảnh đất có nhiều di sản văn hóa thế giới. Chúng tôi muốn thế giới biết đến Việt Nam, biết đến Quảng Ninh thông qua hình ảnh tốt đẹp mà đội bóng TQN có thể đem lại. Mà muốn thế, TQN ngày càng phải chuyên nghiệp hơn, bắt nhịp xu thế phát triển của bóng đá hiện đại”.
Tuy nhiên, cũng như rất nhiều CLB tại V-League, TQN chưa thể có nguồn thu chính từ bán vé dù Hội CĐV TQN “chất” nhất nước. “Mỗi năm, tiền bán vé cũng chỉ được vài tỉ đồng, vừa đủ bảo dưỡng mặt sân, trả lương nhân công. Tôi còn mơ một tương lai không xa, TQN và các đội khác bán được bản quyền truyền hình, bán được đồ lưu niệm liên quan đến đội bóng. Nếu làm tốt được những điều này mới có thể tạm gọi là mô hình bóng đá chuyên nghiệp đạt chuẩn”, ông Hùng nói.
Mô hình các CLB miền Bắc: Vẫn đi tìm bài toán phát triển bền vững1

Đội Nam Định (trái) vẫn đang phải ăn đong từng mùa

Hải Phòng, Nam Định: Một thời vang bóng

TQN là ngôi sao mới nổi thì người hàng xóm Hải Phòng (HP) từng xưng hùng, xưng bá tại bóng đá Việt Nam nhờ những nhà tài trợ bạo tay như Xi măng HP. Nhiều năm liền họ vung thưởng từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng cho mỗi trận thắng, từng tính bỏ cả triệu USD mua ngôi sao Obafemi Martins từ Inter Milan. Tuy nhiên, đến mùa giải 2013, với lý do cơ chế Tổng công ty xi măng Việt Nam đã trả đội bóng về cho thành phố. Lúc này lỗ hổng của những năm vung tay quá trán đã hiện ra khi hệ thống đào tạo trẻ của đội gần như bị bỏ trắng. Dự án thành lập học viện bóng đá ở Thủy Nguyên cũng chỉ trên giấy và đội hình HP vắng dần những người con đất Cảng. Ngân sách từ 70 - 100 tỉ đồng mỗi năm bị cắt giảm sâu còn 40 tỉ đồng khiến HP ứng phó bằng cách mua rẻ, bán đắt hoặc vay mượn cầu thủ vì không có nguồn kế cận “cây nhà lá vườn”.
Vài năm qua người ta còn thấy hiện tượng “Nghệ An hóa đất Cảng”. Sau khi HLV Ngô Quang Trường cùng học trò Nguyễn Phú Nguyên về lại SLNA thì BHL HP đã bổ sung Lê Quốc Vượng và mượn tuyển thủ U.22 Việt Nam Nguyễn Bá Đức cùng 5 cầu thủ từ lò SLNA là Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Hạnh, Đậu Thanh Phong, Lê Thế Cường, Nguyễn Viết Nguyên. Mùa 2018, HP từng mơ đổi đời với một nhà tài trợ đồ điện gia dụng nhưng mối lương duyên cũng không kéo dài và đến giờ họ lại phải trở về kiếp sống cũ. Giấc mơ một lò đào tạo bóng đá trẻ hoàn thiện, khang trang của CLB vẫn chỉ là giấc mơ, trong khi số tiền mà đội bóng này nợ phạt VFF vì không tham dự các giải bóng đá trẻ (mỗi năm vào khoảng 200 triệu đồng) tích lũy đến giờ đã lên cao ngất.

Hải Phòng và Thanh Hóa vẫn còn loay hoay

Minh Hoàng

Tài chính thiếu ổn định và nguồn nhân lực mỏng cũng từng là ác mộng khiến bóng đá Nam Định (NĐ) rơi tự do xuống các hạng dưới. Nhưng nhờ sự kiên trì của lãnh đạo tỉnh, trung tâm bóng đá và “kiến trúc sư trưởng” Nguyễn Văn Sỹ đã giúp bóng đá thành Nam hồi sinh. Không chỉ trở lại và trụ lại thành công ở V-League 2019, mùa bóng này họ còn tìm được gói tài trợ 20 tỉ đồng từ Dược Nam Hà và đang biến sân Thiên Trường thành giấc mơ của nhiều đội bóng trung bình khi có 15.000 người dự khán mỗi trận. 5.000 vé bán cả mùa 2020 đã được đăng ký sạch veo nhờ hồi sinh được phần hồn của cái nôi bóng đá truyền thống hàng đầu Việt Nam: từng VĐQG 1985 trong cái tên Hà Nam Ninh, 2 lần á quân (2000, 2004) và HCĐ (2003), đoạt Cúp quốc gia (2007), HCĐ (2010)...
Những cầu thủ của NĐ có thể chưa hay, chưa xuất sắc nhưng luôn cháy rực lòng tự hào và khao khát cống hiến cho địa phương. Họ là đội bóng của địa phương, giúp phụ huynh các cầu thủ trẻ yên tâm để con em cống hiến cho quê hương thay vì “đứng núi này, trông núi nọ” như những năm trước. Hơi buồn khi tiền tài trợ năm nay của đội giảm chỉ còn 15 tỉ đồng. Nhưng có còn hơn không khi tỉnh dốc sức huy động thêm các nguồn được khoảng 20 tỉ đồng để bảo đảm duy trì đội 1. Số tiền bán vé hơn 6 tỉ đồng mùa trước đang trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Mùa này chỉ tiêu 7 tỉ đồng đang đối mặt với khó khăn khi 2 trận đầu đá không có khán giả và vẫn chưa biết sẽ phải đá tiếp bao nhiêu trận trên sân trống vì dịch Covid-19.

Nam Định vẫn đang từng bước tìm cho mình mô hình phù hợp

Minh Hoàng

HLV Nguyễn Văn Sỹ chia sẻ: “Giấc mơ lớn nhất của chúng tôi lúc này là mong sao nguồn kinh phí thực sự ổn định để đội bóng không phải ăn đong từng mùa nữa. Phải ổn định tài chính thì mới ổn định được những việc khác như nâng cao chất lượng đào tạo trẻ. Chúng tôi rất mong có thể nâng chế độ đãi ngộ đủ hấp dẫn để mời gọi các HLV trẻ có trình độ về giúp cải thiện chất lượng đào tạo của hệ thống trẻ. Và nhất là đẩy chế độ dinh dưỡng lên để cải thiện sức vóc cho các cháu. Nhưng đến đội 1 cũng chỉ biết ăn đong từng năm một thì rất khó mà tính toán xa hơn. Tinh thần và sự ủng hộ của người hâm mộ, người con NĐ trên cả nước quá tuyệt vời rồi. Chúng tôi không cần nhiều, không dám so sánh với đội khác, chỉ cầu sự ổn định mà thôi. Nhưng đó cũng là giấc mơ không hề dễ dàng”.
Thanh Hóa cũng là một câu chuyện buồn. Khi Tập đoàn FLC chán bỏ bóng đá thì họ từ gã đại gia tranh vô địch phải quay trở lại vai trò “kẻ trụ hạng”. Kinh phí đội 1 của họ xấp xỉ SLNA nhưng bao gồm cả hệ thống đào tạo trẻ. Trung tâm đào tạo tài năng trẻ Thanh Hóa đã xuống cấp, lụp xụp, dù CLB xin sửa từ năm 2019 nhưng đến giờ vẫn chưa được phê duyệt. Q.V
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.