Mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng sẽ thực hiện như thế nào?

03/03/2021 09:43 GMT+7

Với mô hình chính quyền đô thị mới, khi không có HĐND quận, phường thì ai giám sát thì vai trò của HĐND TP và các cơ quan liên quan? Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc giám sát UBND cấp quận, phường mà giới chuyên môn quan tâm.

Cần có “cánh tay nối dài”

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 1.3 bàn các dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vấn đề giám sát (Thanh Niên đã thông tin). Thủ tướng cho rằng, nguyên tắc ở đâu có quyền lực thì phải có sự giám sát.

Vậy khi không có HĐND quận, phường thì ai giám sát thì vai trò của HĐND TP và các cơ quan liên quan rất quan trọng trong việc giám sát UBND cấp quận, phường? Đây đúng là vấn đề quan trọng khi xây dựng dự thảo nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức CQĐT tại Đà Nẵng, được giới chuyên môn rất quan tâm.

Phải có cơ chế giám sát phù hợp và thật sự hiệu quả để trả lời cho được câu hỏi không tổ chức HĐND quận, phường thì ai trực tiếp giám sát hoạt động của UBND

Ông Phan Thanh Long, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 2.3, ông Phan Thanh Long, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng, cho rằng về tổ chức, vai trò, thẩm quyền quyết định và giám sát, HĐND TP sẽ được triển khai phù hợp, nhất là tổ đại biểu tại các quận. Tất cả để HĐND TP có “cánh tay nối dài” thực hiện hiệu quả việc giám sát và là cơ quan đại diện cho cử tri TP tại các quận, các phường. Theo ông Long, khi thí điểm mô hình CQĐT, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức cũng phải hình thành phương pháp làm việc khoa học, hiện đại, chủ động, sáng tạo hơn. “Việc giám sát, thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức sẽ phải có phương thức mới, thông qua phương tiện, hệ thống cơ sở dữ liệu của thành phố thông minh. Phải có cơ chế giám sát phù hợp và thật sự hiệu quả để trả lời cho được câu hỏi không tổ chức HĐND quận, phường thì ai trực tiếp giám sát hoạt động của UBND”, ông Long nói.

TP.Đà Nẵng từng thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Nhưng theo ông Long, lần này là thực hiện thí điểm tổ chức mô hình CQĐT, về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phường cũng khác trước. Kể cả tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP cũng được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, việc phát huy chức năng, vai trò, cơ chế giám sát của Ủy ban MTTQ quận, phường khi thí điểm tổ chức mô hình CQĐT cũng là một vấn đề cần được quan tâm, xem xét kỹ lưỡng, khoa học. Ngoài ra, việc sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với số cán bộ dôi dư, nhất là ở cơ sở cũng là vấn đề cần được chú trọng.

Giám sát để không lạm quyền

Đồng quan điểm, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, cũng cho rằng Đà Nẵng cần phải đổi mới phương thức hoạt động của HĐND TP. Các chủ trương lớn, các chính sách vượt trội, các nhiệm vụ do T.Ư phân cấp đều lấy ý kiến của nhân dân. Các giải pháp cho vấn đề này là tăng thẩm quyền, tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách để đại diện từng khu vực dân cư; có cơ chế tiếp thu phản hồi và giải quyết các phản ảnh của nhân dân theo thẩm quyền…

Theo ông Ngữ, đối với bộ máy tổ chức khi không còn HĐND quận, phường thì các cơ quan hành chính thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực xuyên suốt, có cơ chế liên ngành, phối hợp để nâng cao tính hiệu quả. Như vậy, số lượng, cơ cấu đại biểu hoạt động chuyên trách HĐND TP cũng được tăng lên và theo ông Phan Thanh Long (Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng), “đây là vấn đề đặt ra cho HĐND TP khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026”.

Cơ chế đặc thù phát triển Đà Nẵng

Theo Nghị quyết 43/NQ-TW tạo cơ chế, chính sách đặc thù tập trung vào 3 lĩnh vực chính. Cụ thể, Đà Nẵng được thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương... Đà Nẵng được thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cho phép Đà Nẵng được xây dựng và thực hiện đề án thí điểm mô hình CQĐT phù hợp với yêu cầu…

Đà Nẵng là 1 trong 10 địa phương được chọn làm thí điểm thực hiện không tổ chức HĐND tại 7 quận, huyện và 45 phường từ tháng 4.2009 đến tháng 5.2016. Theo đánh giá của HĐND TP.Đà Nẵng, trong giai đoạn thí điểm, TP.Đà Nẵng luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu và có các chỉ số tốt như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sẵn sàng ứng dụng CNTT, quản trị hành chính công cấp tỉnh, cải cách hành chính… Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND cấp trên đối với cấp dưới xuyên suốt, cụ thể hơn, đảm bảo sự điều hành trực tiếp, nâng cao tính chủ động của cơ quan hành chính và trách nhiệm người đứng đầu.

Khi thí điểm CQĐT, UBND quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch UBND quận, phường là người đứng đầu UBND quận, phường chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP (UBND quận) và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Tại cuộc làm việc vào chiều 1.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND với vai trò là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn quận, phường. Thực hiện chế độ thủ trưởng nhưng không được lạm quyền cho nên phải có giám sát, bàn bạc, thảo luận những vấn đề quan trọng.

Về vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực, theo Thủ tướng, khi không có HĐND quận, phường thì vai trò của HĐND TP, của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Ủy ban MTTQ và đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng, của quận ủy rất quan trọng trong việc giám sát cấp quận, phường. Thủ tướng giao bộ ngành liên quan hoàn thiện các dự thảo nghị định, trình Chính phủ xem xét, ban hành để kịp thời triển khai tổ chức bộ máy theo mô hình mới, phục vụ công tác bầu cử HĐND các cấp trong tháng 5 tới.

Chiều qua 2.3, TP.Đà Nẵng cũng đã tổ chức phiên thứ 2 của Ủy ban bầu cử TP, trong đó có một số nội dung liên quan đến việc bầu cử HĐND TP theo mô hình mới.

Mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng

Theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, từ ngày 1.7.2021, Đà Nẵng sẽ thực hiện thí điểm tổ chức mô hình CQĐT và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đây là mô hình 1 cấp chính quyền địa phương (ở cấp TP) và 2 cấp hành chính (quận, phường). Chính quyền TP được tổ chức gồm HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc TP là UBND quận (không tổ chức HĐND quận), là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận là UBND phường (không tổ chức HĐND phường), là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.