Mô hình 'da kề da'

25/11/2014 08:00 GMT+7

Khi chất lượng sữa, giá sữa đang là vấn đề nan giải của các bậc phụ huynh, thì tại Đà Nẵng, dự án chăm sóc trẻ bằng sữa mẹ , bắt đầu từ mô hình “da kề da” triển khai nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất trong việc nuôi trẻ, được dư luận đồng thuận rất cao...

Dự án da kề da tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng góp phần đẩy mạnh nuôi con bằng sữa mẹ
Dự án da kề da tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng góp phần đẩy mạnh nuôi con bằng sữa mẹ - Ảnh: D.H

Da kề da ngay khi trẻ vừa lọt lòng

Tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng những ngày gần cuối tháng 11, PV tận mắt theo dõi tại phòng sinh mổ tuần tự việc chăm sóc những đứa trẻ sơ sinh vừa chào đời. Ngay khi bác sĩ vừa mổ đưa con ra khỏi bụng mẹ, đã được chuyển cho nữ hộ sinh đứng cạnh để lau sạch và áp ngay lên ngực người mẹ. Đứa trẻ vừa chào đời, với sự hỗ trợ của nữ hộ sinh, nhanh chóng tìm ngực của người mẹ để kiếm sữa. Suốt cả vài tiếng đồng hồ, người nữ hộ sinh luôn bên cạnh 2 mẹ con để giúp sức, người mẹ vừa vượt qua nỗi đau đớn sau sinh, nhưng lại vô cùng hài lòng khi đứa trẻ sau cơn khát sữa, được thỏa mãn, nằm ngủ vùi trên ngực mẹ đầy yêu thương...

 

Dự án A&T nhằm tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cải thiện thực hành ăn bổ sung cho trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ thành lập 4 phòng vắt sữa tại 4 công ty công nghiệp có lượng lao động trên 7.000 người, đáp ứng nhu cầu nuôi con bằng sữa mẹ của chị em công nhân.

Chị N.T.Phong (trú Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), một nữ sản phụ đang áp dụng phương pháp da kề da ứa nước mắt chia sẻ: “Mệt nhưng thấy con thì quên hết. Thấy con bú được sữa mẹ càng hạnh phúc!”. Đó chính là mô hình da kề da mà Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng là bệnh viện đầu tiên tại VN thực hiện được ở 100% sản phụ sinh mổ, sinh thường.

Việc giúp cho trẻ có thể da kề da ngay khi vừa lọt lòng mẹ không phải là dễ dàng thực hiện. Để mô hình này thành công, bác sĩ Nguyễn Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết, dự án có được sự đồng thuận từ ban giám đốc đến tất cả các khoa phòng; các bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh thường xuyên được tham gia tập huấn và thực hành chương trình; việc phối hợp đồng bộ của các khoa: Sản, Nhi sơ sinh, phòng mổ, Hồi sức...

Chị Trần Thị Thanh Hằng, nữ hộ sinh chia sẻ: “Nhiều bà mẹ sau khi sinh khá mệt, những ngay khi đưa đứa trẻ được đưa lên bụng mẹ thì cảm thấy vô cùng hạnh phúc và nhẹ nhõm. Các bà mẹ đều rất lo khi trẻ sinh ra mẹ chưa thể có sữa ngay, nhất là với những bà mẹ sinh mổ. Nhưng thực tế là sữa mẹ cần có sự kích thích ngay trong lúc đó. Dạ dày trẻ lúc mới sinh rất nhỏ, không cần phải cho một lượng sữa quá nhiều và sữa non của các bà mẹ là đủ”. Chị Hoàng Thị Thanh Tâm, Điều dưỡng trưởng Khoa Nhi sơ sinh cho biết việc triển khai mô hình này khó nhất vẫn là nhân lực, vì không như trước đây, hiện nay mỗi nữ hộ sinh đều phải dành thời gian rất nhiều cho mỗi mẹ và em bé, phải giúp mẹ con sản phụ vượt qua được những trở ngại ban đầu trong việc cho trẻ bú mớm. Và kết quả 100% sản phụ được tham gia mô hình da kề da tại phòng sinh mổ, sinh thường là kết quả không dễ dàng có được...

Bú sữa mẹ có lợi cho trẻ

Mới đây, trước thành công của mô hình da kề da nói riêng và dự án Nuôi dưỡng và phát triển (A&T) với mục tiêu góp phần giảm tử vong ở trẻ em có liên quan đến suy dinh dưỡng do chế độ dinh dưỡng không tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, Sở Y tế TP.Đà Nẵng đã có buổi tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm.

Theo báo cáo từ Sở Y tế, Đà Nẵng hiện có trên 77.600 trẻ dưới 5 tuổi, trong đó một nửa là trẻ dưới 2 tuổi. Giai đoạn 1.000 ngày đầu đời của trẻ rất quan trọng đến sự phát triển toàn diện sau này của các em. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của quy trình chăm sóc trẻ lỗi thời, tác động của quảng cáo từ các nhãn sữa đã làm sai lệch nhận thức dinh dưỡng cho trẻ của các bà mẹ.

Bác sĩ Trần Thị Hoàng, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết, can thiệp của sữa mẹ sớm làm giảm 13% nguy cơ tử vong ở trẻ do viêm phổi và tiêu chảy. Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ bú sớm sau sinh thấp nhất. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai, tỷ lệ trẻ được bú trong 1 giờ đầu sau sinh tăng từ 28% lên 36%; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đã tăng từ 4% lên 25%. Đặc biệt, biện pháp da kề da cho trẻ và mẹ tiếp xúc sớm nhất sau khi sinh đã được Đà Nẵng triển khai hiệu quả.

Biện pháp này sẽ giúp trẻ bú mẹ sớm nhất, tận dụng dòng sữa non, kích thích hệ miễn dịch, tiếp xúc với vi trùng có lợi, phòng ngừa hạ thân nhiệt và là cơ hội gắn kết mối thâm giao mẹ con.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết dự án sẽ kết thúc vào năm nay, nhưng Đà Nẵng vẫn tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình dự án A&T.

Diệu Hiền

>> Bớt đãng trí nhờ nuôi con bằng sữa mẹ
>> Nghiên cứu mới về nuôi con bằng sữa mẹ
>> Nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm căng thẳng
>> Nuôi con bằng sữa mẹ giúp ngừa tiểu đường
>> Thêm lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.