Mô hình trò chơi xu thế mới được shark Minh Beta 'chốt deal' 10 tỉ đồng

10/09/2024 07:58 GMT+7

Với mô hình trò chơi xu thế mới cho giới trẻ, có thời gian hoàn vốn trong 9 tháng, Box Dance khiến các shark vô cùng hứng thú. Shark Minh Beta vào thế 'độc quyền' đàm phán và ra deal khiến shark Thái xuýt xoa khen 'đỉnh của đỉnh'.

Nói về ý tưởng khởi nghiệp với shark Minh Beta và các "cá mập", đội ngũ sáng lập Box Dance cho biết từ thực tế nhìn thấy đa số các bạn trẻ Việt Nam vào trung tâm thương mại chỉ xem phim, ăn uống hoặc tham gia các trò chơi điện tử, Box Dance mong muốn tạo ra một sân chơi lành mạnh - vừa giải trí kết hợp rèn luyện thể thao.

Theo chị Đào Phương Lê – Giám đốc điều hành, sau 6 tháng vận hành, một ngày mỗi địa điểm Box Dance đón được khoảng 130 người chơi, doanh thu cao điểm là 25 triệu đồng và thấp điểm là 8 triệu đồng/ngày. Doanh thu tháng cao nhất ghi nhận là 400 triệu đồng, lợi nhuận mỗi tháng là 200 triệu đồng. Với mức đầu tư 1,8 tỉ đồng ban đầu, đơn vị dự tính 9 tháng có thể hoàn vốn.

Mô hình trò chơi xu thế mới được shark Minh Beta 'chốt deal' 10 tỉ đồng- Ảnh 1.

Chị Đào Phương Lê, Giám đốc điều hành Box Dance (phải) kêu gọi các shark đầu tư

Mô hình trò chơi xu thế mới được shark Minh Beta 'chốt deal' 10 tỉ đồng- Ảnh 2.

Shark Hưng gợi ý về việc đặt điểm chơi vào các trung tâm tập gym thay vì chỉ các trung tâm thương mại

Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Đến Shark Tank, Box Dance gọi vốn 10 tỉ đồng cho 20% cổ phần để mở rộng mô hình kinh doanh, gồm: 5 tỉ đồng để mở thêm hai điểm ở TP.HCM và 5 tỉ đồng còn lại dùng cho các trò chơi mới. Đại diện đơn vị này cho biết, có thể mở rộng sang Thái Lan vì theo tìm hiểu của nhóm sáng lập, Thái Lan có nhiều trung tâm thương mại vẫn chưa có các địa điểm trò chơi hấp dẫn cho khách du lịch và cư dân.

Shark Minh Beta cảm thấy "giật mình" với định giá của startup vì "một tháng mới lãi được 200 triệu đồng, tương đương khoảng hơn 2 tỉ đồng/năm, sao lại định giá cao thế?". Chị Đào Phương Lê giải thích: "Ngoài lợi nhuận 200 triệu đồng/tháng, bọn em đang có một cơ sở nhượng quyền doanh thu 600 triệu đồng/tháng, lợi nhuận mang về 60 triệu đồng/tháng".

Shark Hưng gợi ý về việc đặt điểm chơi vào các trung tâm tập gym, thể thao thay vì chỉ các trung tâm thương mại. Startup cho biết đã làm việc với các huấn luyện viên cá nhân để đưa ra những hiệu ứng như hình thức như cardio hoặc chạy, có thể dùng voice (âm thanh) để hướng dẫn người chơi.

Mô hình trò chơi xu thế mới được shark Minh Beta 'chốt deal' 10 tỉ đồng- Ảnh 3.

Các "cá mập" đang thương lượng

Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Shark Nga tư vấn startup nên tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về khoa học thể thao, về sức khỏe để an toàn cho người chơi. Đây mới chính là thứ có thể giúp startup nâng giá trị của trò chơi chứ không phải các thiết bị vật lý.

Với sự từ chối liên tiếp của 4 "cá mập", shark Minh Beta rơi vào thế "độc quyền" đàm phán. Shark Minh Beta cũng là "cá mập" được startup đặt kỳ vọng nhiều nhất. "Với lợi thế Beta đã có 20 cụm rạp trên toàn quốc, đến năm 2030 bọn anh cũng phải có thêm khoảng 70 - 80 cụm rạp, sẵn việc bọn anh đi đàm phán thì đàm phán luôn cho các em như vậy sẽ được thuê rẻ hơn rất nhiều", shark Minh Beta nói xong ra deal 10 tỉ đồng cho 40% cổ phần, trong đó 1 tỉ đồng tiền mặt và 9 tỉ đồng bằng hình thức in-kind (dùng hàng hóa hay dịch vụ thanh toán thay tiền mặt) thông qua sử dụng mặt bằng và gói tư vấn từ đội ngũ của Beta Group).

Mô hình trò chơi xu thế mới được shark Minh Beta 'chốt deal' 10 tỉ đồng- Ảnh 4.

Nhận thấy không thể xoay chuyển shark Minh Beta, startup vui vẻ nhận deal và chốt lại thành công thương vụ gọi vốn

Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Sau khi hội ý, startup mong muốn chia sẻ 25% cổ phần của công ty lấy 2 tỉ đồng tiền mặt để mở sẵn một điểm không phải ở TP.HCM và Hà Nội, có thể là Đà Nẵng, 80% còn lại có thể dùng phần giá trị của Beta Group.

Lúc này, shark Minh Beta "sửa nhẹ" deal, vẫn là 10 tỉ đồng cho 40% cổ phần nhưng sẽ là 1,5 tỉ đồng tiền mặt, 8,5 tỉ đồng còn lại là in-kind. Nhận thấy không thể xoay chuyển shark Minh Beta, startup vui vẻ nhận deal và chốt lại thành công thương vụ gọi vốn.

Tập 7 Shark Tank Việt Nam mùa 7 còn chào đón 2 màn gọi vốn ấn tượng đến từ các startup: FIVESS – nền tảng gọi thợ sửa chữa nhà trực tuyến và LAGOM – startup tái chế nguyên vật liệu khó tái chế.

Từ 20 năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng, từng trải qua nhiều vị trí từ nhà thầu, đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng cho đến vai trò là khách hàng có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà, Đỗ Quý Sự - với nền tảng gọi thợ sửa chữa nhà cửa trực tuyến Fivess - cho biết anh hiểu rất rõ "nỗi đau" của ngành, đặc biệt là thực trạng người lao động trong lĩnh vực xây dựng phải đi làm xa, chồng chéo nhau về mặt địa lý... Cuối cùng, Đỗ Quý Sự chấp nhận lời đề nghị đầu tư 85.000 USD đổi lấy 12,5% cổ phần của shark Hưng, khép lại thương vụ gọi vốn thành công.

Đến Shark Tank mùa 7 kêu gọi số vốn 43 tỉ đồng cho 30% cổ phần, startup tái chế nguyên vật liệu khó tái chế Lê Trung Thông cho biết cần 39 tỉ đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho một nhà máy lớn. Tuy nhiên, thương vụ này không được các nhà đầu tư "chốt kèo".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.