4 năm chạy chữa vô vọng vì căn bệnh quá “hiểm”
Bệnh nhân là anh N.T.S (48 tuổi, ngụ tại Quảng Nam). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng gương mặt bị sưng phù và méo lệch sang trái, khối u to tướng với kích thước 4x5cm, vùng da chi chít sẹo rỗ, xơ nhám như đang sờ một khối đá cuội.
|
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết từng thực hiện phẫu thuật cách đây 4 năm nhưng vì u xơ chai lan tỏa và nếu làm rộng có thể liệt dây thần kinh mặt, nên không thể điều trị dứt điểm khối u trên má trái. suốt 4 năm qua, anh đã đi chạy chữa khắp nơi nhưng đều bị từ chối vì khối u ở vị trí quá “hiểm”, không thể xử lý triệt để và nếu có thể, khả năng tái phát bệnh là rất cao.
Ngay khi tiếp nhận điều trị, TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung - Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc, đã bị ấn tượng bởi nụ cười hiền lành mà chân chất của người đàn ông tội nghiệp. Qua kết quả chụp cộng hưởng từ MRI và thăm khám lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán mắc căn bệnh u hạch bạch huyết vùng mặt, tổn thương lan tỏa trong mô dưới da vùng mặt trái, giới hạn không rõ, lan tỏa vào tuyến mang tai trái. Sau khi hội chẩn với một số bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ Tú Dung càng thêm đắn đo khi chính ông và tất cả mọi người đều cảm thấy không nên phẫu thuật vì nhiều rủi ro và xác suất thành công là rất thấp.
|
Tia sáng phía cuối đường hầm, lời hứa danh giá của thẩm mỹ điều trị
Để tìm ra lời giải cho căn bệnh u bạch huyết của anh S, bác sĩ Tú Dung đã hội chẩn cùng nhiều chuyên gia về phẫu thuật hàm mặt, ung bướu đầu - mặt - cổ, tuy nhiên câu trả lời vẫn không thay đổi: có quá nhiều xác suất và rủi ro nếu thực hiện phẫu thuật vì u lan tỏa, xơ cứng, xuyên qua cơ cắn dính vào tuyến mang tai. Nếu mổ lấy u thì được nhưng sẽ xảy ra nhiều nguy cơ. Trong đó, nguy cơ liệt mặt là cao nhất, nguy cơ tiếp theo là tái phát, nguy cơ thứ 3 là sẹo lớn trên mặt.
Ba lần thăm khám, bác sĩ Tú Dung đều tư vấn và khuyên can bệnh nhân, nhưng rồi lại bị thuyết phục bởi sự quyết tâm đáng khâm phục của anh: “Tôi vẫn muốn mổ, để loại bỏ phần nào khối u hoặc làm một phương pháp nào đó để khối u không lớn nhanh. Bác sĩ Dung làm gì tôi cũng tin.”
Sự kỳ vọng từ bệnh nhân, trách nhiệm của một người làm nghề y, khiến bác sĩ Tú Dung cứ mãi đắn đo, tuyệt không cho phép bản thân bỏ cuộc. Trải qua nhiều ngày nghiên cứu, vị bác sĩ cùng đã tìm thấy tia hy vọng: “Tại sao không tiến hành đường mổ từ trong khoang miệng thay vì phải phẫu thuật từ phía ngoài vào ? Bởi lẽ, từ trong khoang miệng sẽ dễ tránh tổn thương dây thần kinh mặt”.
|
9h sáng ngày 1.4.2021, ca phẫu thuật chính thức diễn ra. Chia sẻ về quá trình phẫu thuật căng não, bác sĩ Tú Dung cho biết: “Đường mổ đầu tiên bóc tách niêm mạc vùng má. Chúng tôi thận trọng đi dọc tiếp xuống vùng môi, bóc tách từng ít để tránh ảnh hưởng tuyến nước bọt, dây thần kinh cũng như cơ cắn của bệnh nhân, cho đến khi thấy rõ toàn bộ khối u, ekip mới phần nào trút bớt gánh nặng. Nhưng khó khăn vẫn chưa dừng lại, tôi chỉ có thể tỉ mỉ thực hiện từng đường dao rất nhỏ để tách rời khối u xơ cứng. Ca phẫu thuật kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ, nhưng không một giây nào tôi cho phép bản thân mất tập trung vì chỉ cần sai một ly có thể gây tổn thương, khiến bệnh nhân biến chứng liệt nửa mặt cả đời”.
Kết thúc ca phẫu thuật, bác sĩ Tú Dung hạnh phúc khi chứng kiến sự đáp ứng nhanh của bệnh nhân, và đặc biệt vẫn là nụ cười thật hiền như thuở đầu gặp mặt. Bệnh nhân hiện đã ổn định, được điều trị khiếm khuyết gương mặt khối u biến dạng và đảm bảo được yếu tố thẩm mỹ.
|
Bác sĩ Tú Dung không khỏi bồi hồi: “Ngay từ khi bắt đầu, ai cũng khuyên can tôi, và chính bản thân mình cũng thấy ca phẫu thuật này có quá nhiều thách thức. Nhưng trái tim của một người bác sĩ không cho bản thân được phép bỏ mặc bệnh nhân của mình. Sẽ có người nói tôi mạo hiểm khi tự đi con đường riêng, nhưng tôi biết rõ con đường ấy cần phải đi như thế nào. Giữ lại nụ cười nguyên vẹn của anh cũng chính là lời hứa thẩm mỹ điều trị mà tôi đã canh cánh bấy lâu”.
Bình luận (0)