‘Mở lon Việt Nam’ bị cho là phản cảm: Dân mạng không hiểu vì sao phản cảm?

29/06/2019 13:42 GMT+7

Slogan quảng cáo ‘Mở lon Việt Nam’ của Coca Cola bị cấm được chia sẻ khắp mạng xã hội. Khác với thái độ của cơ quan quản lý văn hóa, dân mạng rần rần phản ứng vì không thấy slogan này phản cảm.

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) vừa có công văn gửi các địa phương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca Cola. Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng: “Cụm từ lon Việt Nam trong cụm từ “Mở lon Việt Nam” là không có nghĩa. Trong tiếng Việt không có từ lon Việt Nam. Chưa kể bản thân chữ lon đặt cạnh cái khác là rất phản cảm và thiếu văn hóa, thiếu thẩm mỹ. Ví dụ như có thể thêm mũ thêm rất nhiều thứ. Nó mà ở các phương tiện quảng cáo ngoài trời, có nhiều tình huống có thể thêm mũ thêm dấu vào từ đó. Vì vậy nó rất là rất khủng khiếp nếu chữ đó nó chềnh ềnh ra trên biển quảng cáo ngoài trời”.

Nhiều người dùng mạng xã hội đã đã chia sẻ thông tin mà không hiểu tại sao cụm từ bị cấm.

Do người suy nghĩ?

Anh N.Đ.C, ngụ TP.HCM viết trên trang cá nhân: “Cụm từ "Mở lon Việt Nam” mà phản cảm thì địa danh “Chợ Lớn” thì sao? Vì viết không dấu “Cho Lon” và với cách suy luận của Cơ quan quản lý văn hóa như trên thì thế nào”.
Anh T.T.Đ thì hài hước cho rằng cấm “mở lon” là đúng. “Mọi người phản ứng sôi sục là không suy nghĩ sâu xa rồi. Bực mình quá mà, cái cần mở không chịu mở đi mở lon! Trước đây mình cũng bực mình với cụm từ ghi không dấu là "Cho Lon" (một địa danh ở Sài Gòn). Bực quá, cái cần cho không cho lại cho “cho lon”! Ráng thêm tí nữa là cho cái cần rồi”, anh T. viết.
Bạn Trang Nguyễn thì cho rằng câu trên không có vấn đề gì, đến khi cơ quan chức năng nói có vấn đề thì mọi người mới thấy. Anh An Xuân Trần cũng không ngoại lệ: “Mọi người thấy nó bình thường, chỉ hiểu đơn giản là mở cái nắp lon coca". Nickname Trg Nguyễn Huỳnh cũng bày tỏ: “Mở lon Việt Nam thì có gì thô tục. Nó chỉ thô tục khi con người có suy nghĩ thô tục!”.

Chỉ trách trí tưởng tượng phong phú

Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, câu “Mở lon Việt Nam” có thô thiển, tục tĩu hay không phù hợp văn hóa Việt Nam là do người suy nghĩ, còn bản thân câu này không có hàm ý gì phản cảm.

Đa số các ý kiến đều không đồng tình với quyết định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch

Ảnh chụp màn hình

Tài khoản Vu Hung nêu ý kiến: “Người ta bán lon không mở lon thì mở gì. Trách tiếng Việt nhiều nghĩa với trí tưởng tượng cán bộ phong phú thôi”. Anh Dương Hiếu thì thắc mắc tại sao Bộ không kiểm duyệt nội dung trước khi quảng cáo. Để bây giờ Coca cola quảng cáo xong rồi bảo dẹp".

Nick name Nguyễn Quang cũng cho rằng việc cấm slogan này là không hợp lý vì từ nào ra từ đó. Diễn giải và suy luận kiểu như thế này không phải là cách cơ quan quản lý nhà nước nên làm. Qua vụ việc này, tài khoản Thiên Vũ cũng thắc mắc: “Nếu vậy thì từ đây lon nước ngọt sẽ phải gọi là gì cho phù hợp?”.

‘Nhạy cảm thật!’

Bên cạnh phần đông ý kiến lên tiếng phản đối, một số ít các ý kiến khác cũng cho rằng việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấm là hợp lý vì chữ này cũng khá nhạy cảm, ai đọc vào cũng dễ liên tưởng.
Anh Nguyễn Dưỡng nói: “Từ “lon” hơi nhạy cảm trong trường hợp này”. Anh Lê Trung thì đánh giá vui qua trường hợp này mới thấy phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam.
Nickname Hoàng Minh thì gợi ý: “Sao không để là mở lon cùng đội tuyển Việt Nam có phải hay hơn không, từ mở lon Việt Nam nghe dễ liên tưởng thật”. Đồng quan điểm, chị nguyễn Giang cũng ý kiến: “Sao không phải là mở nắp hay bật nắp mà lại là mở lon. Các hãng khác cũng dùng từ bật nắp bình thường mà”.
Tài khoản Minh chico cũng góp ý: “Thế trận hiểm nguy trùng trùng, tự nhiên nói mở lon Việt Nam làm chi cho bị bắt lỗi không biết, Coca thì cứ “Mở lon Coca'” để đừng ai bắt bẻ!”.
Anh Chiến Văn lại nghi ngờ rằng: “Nhưng tôi nghi là bộ phận PR cũng cố tình dùng từ lon để chơi chữ. Có thể dùng nhiều từ khác mà. Câu mở lon Việt Nam nghe vô nghĩa và dễ xuyên tạc”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.