Không để học sinh nào bị “lãng quên”
Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho biết năm 2018 có học sinh (HS) của trường bị trượt tốt nghiệp do điểm liệt môn lịch sử. Chính vì vậy, nhà trường đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, phân tích kỹ trường hợp điểm liệt này.
tin liên quan
Cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển thông minhNăm nay, ngoài việc ôn tập trung cho cả khối 12, trường còn tổ chức các lớp phụ đạo đặc biệt (2 lớp toán, 2 lớp Anh và 1 lớp văn) với mục tiêu chăm lo đến từng HS, không để HS nào bị “lãng quên”, bỏ lại. Năm nay, trường cũng đổi mới kiểm tra bằng cách áp dụng hình thức vấn đáp với các môn tiếng Anh và hóa học nhằm giúp HS thi trắc nghiệm đạt hiệu quả cao.
Bà Hoàng Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Thế, cho biết ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS lớp 12. Trong các lớp, phân loại năng lực HS thành các nhóm HS yếu, khá, giỏi để có những điều chỉnh ôn luyện phù hợp và hiệu quả. Với những lớp HS học yếu thì quan tâm nhiều hơn đến kiến thức mức độ thông hiểu và vận dụng. Giáo viên (GV) chủ nhiệm và GV bộ môn sẽ phân loại những HS nào học yếu và sau các giờ học buổi chiều như các bạn khác thì các em ở lại thêm 1 giờ để được bồi dưỡng phụ đạo.
Chuyển đổi giáo viên giỏi ôn luyện cho học sinh
Bà Trịnh Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang số 2 (Bắc Giang), cho hay đến nay trường đã tổ chức lần thi khảo sát thứ 3 đối với HS khối 12. Nhà trường cũng phân nhóm HS ngay từ đầu vào để có kế hoạch phân công GV, cách thức giảng dạy và bồi dưỡng HS cho phù hợp.
Theo cô Từ Thị Tĩnh (GV Trường THPT Lạng Giang số 2), với những lớp đầu vào yếu, nhà trường treo giải cho các GV chủ nhiệm ở những lớp tốp cuối khi không có HS trượt tốt nghiệp. “Việc treo giải này để động viên, khuyến khích cả GV và HS các lớp. Rất vui là những năm qua cũng tiến hành hình thức này thì rất nhiều GV được giải. Có những GV có nhiều kinh nghiệm trong việc chủ nhiệm các lớp yếu khi động viên, phân loại ôn luyện phù hợp”.
Đáng chú ý, ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang, cho biết Sở chỉ đạo liên kết các trường của các vùng miền khác nhau để GV trường tốt có thể hỗ trợ HS trường yếu. “Việc bố trí GV giỏi ở các trường hay ở các bộ môn là không đồng đều nên chúng tôi trao quyền chủ động để các nhà trường tự kết nối với nhau. Như vậy, trong từng huyện, GV cốt cán đã đến các trường để hỗ trợ ôn luyện cho HS. Việc này không chỉ dừng lại trong các huyện mà còn lan sang các huyện khác. GV ở TP cũng về các huyện hỗ trợ”, ông Khoa nói.
Tư vấn trực tuyến truyền hình: Cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển thông minh
Lúc 18 giờ hôm nay (11.4), Báo Thanh Niên tổ chức buổi tư vấn trực tuyến truyền hình về chủ đề “Đăng ký nguyện vọng xét tuyển thông minh” tại: thanhnien.vn, Facebook/thanhnien.com và YouTube Thanh Niên.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia đồng thời đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ 1 - 20.4. Đến thời điểm này, thí sinh vẫn còn hơn 1 tuần để cân nhắc, quyết định lựa chọn của mình.
Chuyên gia tham dự buổi tư vấn gồm: tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân; thạc sĩ Nguyễn Tấn Ý, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó phòng Tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM; thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn.
Thanh Niên
|
Bình luận (0)