Mò mẫm tích hợp

Không ít người cho rằng chuyện dạy tích hợp là hết sức khôi hài. Nhìn vào những gì đang diễn ra ở các trường học, sự loay hoay của giáo viên mới thấy nhận định này không sai.

Không ít người cho rằng chuyện dạy tích hợp là hết sức khôi hài. Nhìn vào những gì đang diễn ra ở các trường học, sự loay hoay của giáo viên mới thấy nhận định này không sai.  

 Một buổi dạy học theo dự án tích hợp môn địa lý ở Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: Minh LuânMột buổi dạy học theo dự án tích hợp môn địa lý ở Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM)  - Ảnh: Minh Luân
Theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, dạy học tích hợp được coi là phương pháp tất yếu khi thay đổi chương trình giáo dục phổ thông. Đó là cách giáo viên (GV) tổ chức, hướng dẫn để học sinh (HS) biết huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ học tập. Qua đó hình thành những kiến thức, kỹ năng mới, phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề trong học tập và thực tiễn cuộc sống.
Nếu việc tích hợp, liên môn chỉ triển khai ồ ạt theo kiểu phong trào sẽ không hiệu quả. Bởi không phải môn nào, phần nội dung nào cũng có thể tích hợp, vận dụng liên môn
Ông Nguyễn Văn Nam
Hiệu trưởng Trường THPT
Lạng Giang 2, Bắc Giang
Dạy học tích hợp sẽ giúp giảm số môn học và lồng ghép được các vấn đề thời sự của cuộc sống vào các môn học và hoạt động giáo dục.

Chỉ một số nơi làm được

Theo ghi nhận của  phóng viên Thanh Niên, hiện nay do dạy học trên nền chương trình cũ nên việc dạy tích hợp chỉ có một số ít trường thực hiện bài bản.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường PT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, cho biết nhiều môn học đã được tổ chức tích hợp ở dạng chuyên đề dưới sự bàn bạc của GV các tổ bộ môn. Ví dụ các GV môn sinh học, giáo dục công dân, địa lý cùng xây dựng một chủ đề học tập để HS tìm hiểu về đa dạng sinh học tại Bảo tàng Thiên nhiên VN. Nội dung chung giữa các môn này là sự đa dạng về sinh vật VN, tình yêu thiên nhiên và trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ tự nhiên.

Còn ông Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang 2, Bắc Giang, chia sẻ cách làm: “Chúng tôi cho GV rà soát lại tất cả các môn, có nội dung kiến thức nào trùng lặp thì chỉ dạy ở một môn thôi. Có những nội dung tích hợp thực hiện theo chuyên đề nên có thể tổ chức những tiết học lớn với sự chuẩn bị công phu và dạy cho cả khối. Ví dụ chuyên đề về ô nhiễm môi trường hiện nay. Muốn dạy tích hợp thành công và HS hào hứng thì GV phải chú ý tìm những điểm chung của các môn học hoặc liên hệ với thực tế, sử dụng thêm tài liệu, hình ảnh thực tế kết hợp tư vấn, giáo dục kỹ năng sống” - ông Nam chi sẻ.

Nêu ví dụ việc tích hợp môn toán với môn lý, bà Phùng Thị Hoài Phương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng, nói: Khi dạy đạo hàm trong môn toán, bên vật lý dạy vận tốc thì ứng dụng đạo hàm để giải quyết các bài toán trong dạy vật lý hoặc ngược lại. “HS hào hứng rõ rệt vì giờ đưa ứng dụng bài toán đạo hàm này vào thực tế của vật lý để tính được quãng đường, tính được thời gian, tính được năng suất lao động, hoặc tính được các diện tích hình thang - cong”, bà Phương nhìn nhận.

Không phải cứ “tích” càng nhiều là tốt

Thực tế là có nhiều GV, thậm chí là cán bộ quản lý giáo dục, chưa hiểu đúng về tích hợp nên cứ nghĩ phải “tích” càng nhiều càng tốt các môn khác vào một môn học.

Ông Nguyễn Văn Nam cho biết không phải môn nào cũng có thiết bị dạy học đầy đủ theo yêu cầu. “Nếu việc tích hợp, liên môn chỉ triển khai ồ ạt theo kiểu phong trào sẽ không hiệu quả. Bởi không phải môn nào, phần nội dung nào cũng có thể tích hợp, vận dụng liên môn”, ông Nam nhận định.

Nhiều GV thừa nhận mọi thứ còn quá mới mẻ nên tìm tòi thế nào, thực hiện thế đó. Chính điều này cũng dẫn tới việc dạy tích hợp vất vả mà không hiệu quả.

Bà Đinh Thị Thanh, GV ở Phủ Lý, Hà Nam chỉ ra rằng, đội ngũ GV hiện nay chủ yếu được đào tạo theo chương trình sư phạm đơn môn, chưa được trang bị về cơ sở lý luận dạy học tích hợp liên môn một cách chính thống, khoa học nên khi thực hiện phần lớn tự mày mò, tự tìm hiểu. Vì thế  không tránh khỏi việc hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về mục đích, ý nghĩa cũng như cách thức tổ chức dạy học tích hợp liên môn.

Tình trạng này tạo nên nhiều trường hợp hết sức khiên cưỡng, khôi hài khi dạy tích hợp. Bà Nguyễn Thị Hiên, Trường ĐH Hải Phòng, dẫn chứng có GV đã tích hợp không đúng lúc, đúng chỗ nên việc dạy tích hợp trở thành khiên cưỡng, gò ép, biến giờ dạy văn thành giờ dạy giáo dục công dân, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường hoặc giáo dục dân số. Có GV vì đã tích hợp không có sự cân nhắc, lựa chọn trong một bài dạy nên dạy không đủ giờ, cái chính chưa nói được nhiều mà cái tích vào thì đã căng phồng, làm biến dạng tiết học. Lại có một số GV lầm tưởng rằng tích hợp là dựa vào cái này để tranh thủ nói về cái kia, nói càng nhiều càng tốt.

Tại hội thảo “Dạy học tích hợp, dạy học phân hóa ở trường trung học” do Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) tổ chức đầu tháng 12.2014, một đại biểu kể có GV thực hiện bài giảng về chủ đề ảnh hưởng của thuốc lá đối với hệ hô hấp cho rằng đã vận dụng gần cả chục môn. Chẳng hạn khi đưa ra số liệu, GV này cho biết đã tích hợp được môn toán, trình chiếu bài giảng trên máy tính là tích hợp tin học, dùng các từ khóa tiếng Anh là tích hợp ngoại ngữ, thông tin cảnh báo - tích hợp giáo dục công dân…

Nói về vấn đề này, PGS-TS Đỗ Hương Trà, Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng không phải lúc nào tích hợp cũng tốt. Theo PGS Hương Trà, các câu hỏi cần trả lời cho việc đào tạo GV dạy tích hợp: Nội dung dạy là gì? Quy trình như thế nào? Phương pháp đào tạo, đánh giá như thế nào? Kiến thức phải đi trên một trục, không phải tất cả nội dung kiến thức đều có thể tích hợp. Trong dạy học, GV phải chú trọng đến 2 việc tích hợp và phân hóa, vốn luôn đi liền, không thể tách rời nhau.
Dạy theo dự án có phải là  tích hợp ?
Dạy học ngữ văn theo hướng dự án sẽ tạo sự thoải mái, hứng thú cho HS, tách rời cách giảng văn khuôn mẫu, giúp HS có cái nhìn rộng về đối tượng văn học. Nhưng sự mở rộng theo hướng này không thể hiện được tính tích hợp, ngược lại càng phân hóa cao. “Tích” là tụ lại, chứa bên trong, sự dồn chứa từng ít vào một chỗ thành số lượng đáng kể... nghĩa là bản thân chủ thể đã sẵn chứ không là sự ghép tạo chủ quan từ người sử dụng. “Hợp” là chung lại, ghép lại... nghĩa là khách thể sử dụng sẽ chủ quan tạo dựng nhằm mang lại hữu ích. Vì thế nếu cho rằng dạy học ngữ văn theo dự án thể hiện tính tích hợp như kỹ năng giao tiếp khi làm phóng sự, kiến thức về tin học khi thực hiện các phần việc... sẽ là khiên cưỡng.
Thạc sĩ Lê Hoàng Giang
(Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.