Mở mắt ra là thấy... nợ

30/11/2018 19:13 GMT+7

Đó là tình cảnh mà nhiều người trẻ sống trọ ở Sài Gòn để mưu sinh kiếm sống phải gặp hằng ngày.

Kiếm đâu mỗi ngày 200.000 đồng?
Chị Trần Thị Thế (27 tuổi, ở An Giang), đang công nhân Công ty sơn Polychem (TP.HCM), cho biết hai vợ chồng cùng hai con đang thuê nhà trọ ở Q.6 với giá 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Tiền ăn mỗi ngày là 100.000 đồng. Chưa kể tiền đổ xăng, chi phí lặt vặt mua bột giặt, thay gas, tiền điện, tiền nước... Đấy là chưa kể tiền học phí, mua sữa cho con, tiền cho con nhỏ đi nhà trẻ... 
"Tính trung bình phải tốn hơn 6 triệu đồng chi phí hằng tháng. Nghĩa là mỗi ngày phải cố gắng kiếm được 200.000 đồng. Chưa gì nhưng mở mắt ra là đã có... khoản nợ 200.000 đồng. Nên vợ chồng cố gắng làm", chị Thế kể. 

Có lẽ đây là câu chuyện không phải của riêng ai. Bất kỳ người trẻ nào khi sống trọ ở Sài Gòn, đều đã từng hoặc đang phải trải qua. Tiền lương mỗi tháng có thể thâm hụt, nhưng tiền nhà, chi phí vật giá thường tăng lên theo thời gian. Lại thêm nhiều khoản phát sinh có thể xảy ra như: xe hư, bị ốm đau, tiền học thêm cho con... khiến không ít người trẻ cảm thấy bị áp lực.
Anh Nguyễn Trung Hòa (29 tuổi, quê ở Vĩnh Long), đang làm công nhân của một công ty may ở P.An Lạc (Q.Bình Tân) cho biết lương mỗi tháng được 6,5 triệu đồng. Vợ ở nhà may gia công kiếm thêm mỗi tháng được khoảng 2 - 3 triệu đồng. Tổng nguồn thu của hai vợ chồng chưa đến 10 triệu đồng mỗi tháng.
"Thế nhưng khoản chi rất nhiều. 2 triệu tiền thuê nhà trọ, tiền ăn cho 3 người (hai vợ chồng và một con đang học lớp 5) cũng hơn 3 triệu đồng. Đóng tiền học ở trường, học thêm cho con cũng tốn gần 1,5 triệu đồng. Chưa kể tiền đi đám cưới, tiệc tùng.... Rồi phải chi phí mua các dụng cụ đồ dùng trong nhà. Nhiều lúc xe hư, con bệnh... Nên làm chẳng dư giả được bao nhiêu. Có thời điểm vợ bệnh, chẳng thể kiếm thêm thu nhập, nên cuộc sống thật sự bấp bênh và áp lực. Nhiều lúc sáng dậy, thấy căng thẳng đầu óc vô cùng, vì nghĩ rằng đã nợ 150 - 200.000 đồng mỗi ngày rồi", anh Hòa kể.
Để bám trụ ở Sài Gòn, người trẻ phải chấp nhận làm đủ thứ nghề, tăng ca, làm thêm để có thêm nhiều khoản thu nhập ẢNH: THANH NAM
Tranh thủ làm thêm
Chính vì "mở mắt ra đã thấy nợ", thế nên đã khiến nhiều người phải tìm đến những công việc làm thêm. Như anh Hà Văn Hoàng (30 tuổi, quê ở Nam Định), công nhân Công ty TNHH Colgate Palmolive, cho biết thường phải xin làm tăng ca để có thêm thu nhập.
Chưa kể khi rời ca 3 (ca làm thêm) thì anh Hoàng còn chạy thêm xe ôm với hy vọng "kiếm mỗi ngày thêm vài chục, trăm ngàn, phụ giúp vợ có tiền đi chợ". "Có như vậy thì không phải đụng vào tiền lương, nhờ vậy mới dư mà đề phòng khi con bệnh, vợ bệnh hoặc có vấn đề bất trắc xảy ra. Chứ không tranh thủ làm thêm, chỉ dựa vào đồng lương công nhân thì khó sống ở Sài Gòn lắm", anh Hoàng tâm sự.
Nhiều công nhân cũng kể tiền lương không nhiều, dao động từ 6 - 10 triệu đồng mỗi tháng, trong khi chi phí ở Sài Gòn đắt đỏ, thế nên bắt buộc họ phải suy nghĩ làm thêm. Chạy xe ôm, bán thêm hàng online, bốc vác ở chợ... họ đều nhận làm khi có thời gian.
"Cuộc sống mưu sinh nên chỉ cần có cơ hội là mình nắm bắt. Hằng ngày mình làm ở công ty xong, khi về sẽ tranh thủ chạy ra chợ để phụ dọn dẹp, khuân vác cho một vựa trái cây. Nhờ vậy cũng kiếm thêm khoản 80.000 đồng mỗi ngày. Tuy hơi vất vả và nhiều hôm mệt lắm, nhưng phải cố gắng để có thể "trụ" được ở thành phố này", anh Đỗ Văn Phong (34 tuổi, quê ở Bạc Liêu), đang là công nhân của Công ty may mặc Tường Duy (Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM), kể.
"Sống ở Sài Gòn, mọi thứ mắc hơn ở quê rất nhiều. Cũng con cá, cũng ký gạo, nhưng chi phí gấp đôi, thậm chí gấp ba so với ở quê. Nếu không cố gắng làm, tranh thủ kiếm thêm bằng những công việc ngoài giờ, thì... có thể chết đói mất. Vì vậy, không còn cách nào khác, là phải cố gắng thật nhiều", chị Thế nói.
Sở dĩ cuộc sống ở Sài Gòn khá áp lực, nhất là chuyện cơm áo gạo tiền, thế nhưng nhiều người trẻ vẫn cố gắng bám trụ, vì cho rằng đây là mảnh đất dễ sống. Với họ, sống ở Sài Gòn hơi cực, hay "mở mắt ra là đã thấy một khoản nợ trước mắt", phải "cày" rất nhiều để "trám" vào khoản nợ ấy, cũng như để đủ chi phí sinh nhai, nhưng chính điều đó giúp họ không nản chí, luôn phấn đấu hơn trong cuộc sống. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.