'Mộ phần tuổi trẻ' - một cuốn sách nhiều sai sót

06/10/2017 12:25 GMT+7

Trong thời gian qua, Mộ phần tuổi trẻ của Huỳnh Trọng Khang được xem như một hiện tượng của văn chương trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, sách có quá nhiều sai sót về lịch sử.

Tôi quá ngạc nhiên vì một vài tờ báo và nhiều bạn đọc, thông qua Mộ phần tuổi trẻ đã ca tụng tác giả Huỳnh Trọng Khang lên tận mây xanh là người rất am hiểu văn chương nghệ thuật và không khí sinh hoạt văn nghệ ở miền Nam trước 1975. Tôi không nghĩ như vậy! Thậm chí ngược lại, tôi coi Mộ phần tuổi trẻ thất bại ở chính điểm này.
Thời điểm của câu chuyện là năm 1967. Tôi đặc biệt lưu tâm về cái thời điểm này, bởi nó là điểm mấu chốt để câu chuyện của Huỳnh Trọng Khang hoàn toàn đi chệch đường ray. Mộ phần tuổi trẻ thuật lại rằng: Mùa hè năm 1967, nhân vật tôi lên Đà Lạt gặp cô người yêu, và cô ngồi ôm đàn hát nghêu ngao bài Khúc Thụy Du... Rồi tác giả Huỳnh Trọng Khang dành hai trang sách chỉ để thao thao bất tuyệt về Khúc Thụy Du, về Du Tử Lê, rồi “làm Thụy của anh nhé.” (Trang 58-59)
Một người am hiểu văn chương miền Nam không ai không biết bài thơ Khúc Thụy Du của Du Tử Lê sáng tác vào năm 1968. Chính xác là khi đi làm phóng sự cho Cục Tâm Lý Chiến tháng 3.1968, nhìn những thân thể cháy xém không còn nguyên vẹn nằm bên đường, nhìn cảnh chết chóc, ngửi mùi chết chóc, Du Tử Lê đã bị ám ảnh. Ngay sau đó mấy hôm, khi Trần Phong Giao (Tạp chí Văn) nhờ Du Tử Lê viết bài cho số Xuân báo Văn. Lý do gì mà báo Văn tới tận tháng 3.1968 mới ra số Xuân? Ấy chính là vì sự kiện Mậu Thân 1968, các nhà phát hành họ ngưng nên báo Văn ngưng. Du Tử Lê lập tức sáng tác bài thơ Khúc Thụy Du, dài hơn 100 câu, nhưng sau bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu kiểm duyệt, ''đục'' bỏ còn lại như ngày nay ta được đọc.
Những câu thơ “... Trên xác người chưa rữa - trên thịt người chưa tan - trên cánh tay chó gặm - trên chiếc đầu lợn tha…” đến nay vẫn còn ám ảnh người đọc.
Rồi năm 1983, Anh Bằng mới chọn vài câu trong bài Khúc Thụy Du của Du Tử Lê để phổ nhạc. Ngay trên trang cá nhân của Du Tử Lê, nhà thơ cũng đã kể về việc này. Một điều rất bất ngờ với cá nhân tôi là Huỳnh Trọng Khang đã nhầm lẫn tác giả của ca khúc là Ngô Thụy Miên: “Hình như Neige cũng thích Du Tử Lê, chính xác hơn thì thích Khúc Thụy Du của Ngô Thụy Miên” (trang 58). Và tất nhiên ở thời điểm mùa hè 1967, không ai có thể hát nghêu ngao Khúc Thụy Du.
Việc nhầm lẫn về thời điểm sáng tác thơ, thời điểm sáng tác nhạc, nhầm lẫn cả tác giả bài hát, cho thấy Huỳnh Trọng Khang không hiểu về Du Tử Lê, không hiểu về Khúc Thụy Du của Anh Bằng, không hiểu về nội dung ý nghĩa của Khúc Thụy Du. Tác giả chỉ muốn dựa tên người nổi tiếng, mượn tên bài hát để tạo thêm chút không khí cho tác phẩm của mình.
Trang 36, nhân vật vỗ ngực bảo rằng: “Tôi dám đảm bảo rằng nếu viết ra mà đăng báo Tuổi Ngọc thì khối em say mê, không thua gì chuyện của Duyên Anh”. Báo Tuổi Ngọc - Tuần báo của yêu thương, chủ bút Duyên Anh, quản lý Vũ Mộng Long số đầu tiên ra ngày 25.7.1969. Chi tiết này những người hiểu biết về Sài Gòn và đời sống văn nghệ Sài Gòn ngày xưa đều biết.
Ngày 23.11.1967 nhân vật chính, tức con trai tướng quân, đưa cô người yêu mới về nhà trọ. Và “chiếc đĩa của Ngọc Lan quay đều. Thà là giọt mưa. Nguyễn Tất Nhiên là tác giả của bài thơ được phổ nhạc - trang 168”. Một lần nữa, Huỳnh Trọng Khang lại nhầm lẫn thời điểm sự việc. Nguyễn Tất Nhiên sinh năm 1952, năm 1967 ông mới 15 tuổi, chắc chắn chưa sáng tác bài thơ Khúc tình buồn mà sau này được Phạm Duy phổ thành bài hát: Thà như giọt mưa. Khúc tình buồn được Nguyễn Tất Nhiên sáng tác mãi 3 năm sau đó, tức năm 1970.
Không chỉ có vậy, ở thời điểm năm 1967, ca sĩ Ngọc Lan mới chỉ là cô bé 11 tuổi. Hẳn là tác giả đã nhầm một ca sĩ nào đó khác với nàng. Hoặc giả Huỳnh Trọng Khang cũng chẳng quan tâm đến những chi tiết xuất hiện, làm nền trong câu truyện của mình.
Vẫn trang 168, cô người yêu khi đến nhà nhân vật chính, đã đứng giở cuốn sách: Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết của Arthur Schopenhauer. Tôi tự hỏi tác giả có thật sự biết quyển sách này không? Schopenhauer được dịch từ năm 1967 ư? Tôi có biết một quyển Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết cũng của Arthur Schopenhauer, nhưng được nhà Kinh Thi xuất bản năm 1971. Tác giả có vẻ quen kiểu ngồi salon thấy tựa sách thì vay mượn đem về trang hoàng cho nhân vật của mình.
Trang 135 - tác giả Huỳnh Trọng Khang viết: “Phong trào hát cho dân tôi nghe nổi dậy, khắp nơi người ta hát Người mẹ Bàn Cờ”. Đúng là miền Nam từng có phong trào hát cho dân tôi nghe, manh nha từ năm 1961 nhưng rất tiếc, thời điểm năm 1967, bài hát đó chưa ra đời. Người mẹ Bàn Cờ mãi đến tận đầu năm 1970, khi nhà thơ Nguyễn Kim Ngân tham gia "Đêm uất hận" nhằm phản đối việc tàn sát Việt kiều bên Campuchia, chứng kiến cảnh tình lúc đó, ông mới viết bài thơ Người mẹ Bàn Cờ, rồi năm sau, tức năm 1971, nhạc sĩ Trần Long Ẩn mới phổ nhạc bài thơ này.
Chi tiết này cho thấy tác giả mặc dù rất muốn lấy lòng giới trí thức yêu nước, nhưng đã không hiểu biết gì về phong trào biểu tình, phong trào học sinh sinh viên của miền Nam bấy giờ. Có thể kể thêm ở trang 16, tác giả viết “thành thị sục sôi bởi những cuộc biểu tình từ ký giả ăn mày”. Phong trào ký giả ăn mày phải đến năm 1974 mới nổ ra để phản đối Sắc luật 007 của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Không chỉ giả dối để mua lòng những người yêu văn hóa miền Nam, yêu không khí sinh hoạt văn nghệ miền Nam, những người trí thức yêu nước, tác giả Huỳnh Trọng Khang còn bằng mọi giá vay mượn các tình tiết kiếm hiệp, còn được gọi với cái tên bình dân “truyện chưởng” để tiếp tục tô điểm cho câu chuyện của mình.
Trang 79 - khi nhân vật tôi gặp người bạn ở quán cà phê có một cuộc đối thoại:
“Kim Dung hả?” gã chỉ cuốn sách tôi đang đọc
“Ừ, Cửu âm chân kinh”
“Vô tình kiếm khách, đa tình kiếm...”
Cửu âm chân kinh được nhắc tới rất nhiều trong bộ ba “truyện chưởng” Kim Dung: Xạ điêu anh hùng truyện (được dịch với tiêu đề Anh hùng xạ điêu), Thần điêu hiệp lữ (được dịch với tiêu đề Thần điêu đại hiệp) và Ỷ thiên đồ long ký (được dịch với tiêu đề Cô gái Đồ Long).
Thời điểm năm 1967 đúng là có bộ Anh hùng xạ điêu do Phan Cảnh Trung và Đà Giang Tử dịch, Hương Hoa xuất bản. Nhưng câu dưới thì nhầm lẫn không thể chấp nhận được. Một cây bút đại thụ khác, đồng thời và nổi tiếng tương đương Kim Dung, đó là Cổ Long có một bộ truyện rất nổi tiếng ở những thập niên 60, 70, đó là Đa tình kiếm khách vô tình kiếm. Những fan hâm mộ Cổ Long bấy giờ luôn tâm đắc với câu “người đa tình nhưng kiếm thì vô tình”. Tác giả đã không thực sự am hiểu lĩnh vực kiếm hiệp, đem ghép không đầu không cuối một câu Kim Dung với một câu Cổ Long, và tệ hại hơn nữa, đã viết ngược cả tên tác phẩm thành Vô tình kiếm khách đa tình kiếm. Tôi cho rằng Huỳnh Trọng Khang chỉ góp nhặt những ghi nhớ láng máng để làm màu cho nhân vật của mình. Cũng cần lưu ý rằng bộ Đa tình kiếm khách vô tình kiếm của Cổ Long được xuất bản lần đầu tiên năm 1968, sau thời điểm diễn ra trong tác phẩm của Huỳnh Trọng Khang.
Qua hơn 200 trang sách Mộ phần tuổi trẻ, dễ dàng nhận ra Huỳnh Trọng Khang thường xuyên dùng thơ xưa, nhạc cũ để tạo không khí hoài cổ cho truyện của mình, nhưng tác giả hoàn toàn bỏ qua yếu tố quan trọng bậc nhất tính hợp lý và phù hợp của thời điểm sáng tác, những tình tiết nhầm lẫn bị gượng ép vào một cách lạc phách như vậy.
Việc đi vay mượn quá nhiều những đoạn trích, những cái tên tác giả, tên tác phẩm nổi tiếng sẽ rất dễ làm cho người đọc bị dội ngược, làm cho một tác phẩm văn chương trở nên thiếu tự nhiên, thiếu đi sức sống.
Với cách làm việc hời hợt thiếu nghiêm túc, thiếu sự tìm tòi tra cứu, thiếu trải nghiệm thực tế, Mộ phần tuổi trẻ thực sự là một lời cảnh báo cho nền xuất bản văn học trẻ nước nhà. Nếu một tác phẩm nhiều sai sót cứ được lăng xê, thổi phồng quá mức, có hay không sẽ làm một thế hệ các cây viết ảo tưởng về thành công, dễ dãi và vô trách nhiệm với chính tác phẩm của mình?
Mộ phần tuổi trẻ do Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội nhà văn cho ra mắt tháng 9.2016 và vừa đoạt giải Sách hay 2017, hạng mục Sách Phát hiện mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.