Mở quán được 3 tháng nhưng phải đóng cửa gấp vì...

20/02/2024 13:14 GMT+7

Có những người trẻ thích gì kinh doanh nấy theo kiểu "tùy hứng" và luôn có niềm tin sẽ thành công. Tuy nhiên, đời không như là mơ.

"Người khác buôn bán đắt khách, mình cũng thành công"?

Sau tết 2024, Đào Phúc Thiên (27 tuổi) đăng tin sang nhượng quán cà phê tại chung cư A4 Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Quán này, Thiên mở được 3 tháng nhưng phải đóng cửa gấp vì tình hình kinh doanh ế ẩm.

Thiên cho biết dọc đường Hoa Cúc (Q.Phú Nhuận) có nhiều quán cà phê và địa điểm nào cũng đông khách nên đã suy nghĩ: "Người khác buôn bán đắt khách, thì mình mở quán cũng sẽ thành công". Nhưng thực tế không phải vậy. "Có những ngày quán không hề có khách. Chẳng thể "gồng" được nữa nên quyết định sang nhượng", Thiên kể.

Trường hợp của Thiên không ngoại lệ. Nhiều người trẻ ta thán việc khởi sự kinh doanh không như ý, buộc phải dừng buôn bán sau khi hoạt động được trong một thời gian ngắn ngủi.

Mở quán được 3 tháng nhưng phải đóng cửa gấp vì...- Ảnh 1.

Nhiều người phải thanh lý mặt bằng, sang nhượng nơi kinh doanh vì thất bại

THANH NAM

Vũ Trường Thanh (29 tuổi), chủ một quán cà phê nhạc acoustic trên đường Trần Huy Liệu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cũng than vãn vì không thể "ăn nên làm ra".

Thanh cho biết bản thân thích nghe nhạc. Thanh từng đến nhiều quán cà phê có trình diễn nhạc acoustic nên cảm thấy rất thích. Chàng trai này sử dụng tiền tích lũy, mượn thêm gia đình… để đầu tư quán với ước muốn sẽ thu hút khách hàng đêm. Tuy nhiên, đời không như là mơ, quán vắng khách. "Nhiều đêm, chỉ lèo tèo vài khách đến nghe. Tiền thu không đủ chi trả cho ban nhạc. Khả năng cao sẽ… dẹp quán trong thời gian tới", Thanh rầu rĩ.

Trong thời gian món gỏi gà măng cụt là "trend", vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà Thu (32 tuổi) cũng dành một khoản tiền lớn để mở quán trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Khi quán vừa thành hình thì "trend"… nguội. "Lúc đó, chồng nói hay là mở quán cháo cho trẻ em với lý do "thấy nhiều nơi bán được lắm". Tôi đồng ý và thay đổi mô hình kinh doanh nhưng tiếp tục thất bại. Sau đấy, tôi thấy có xu hướng mặc đồ ngủ pijamas rất được phái nữ ưa chuộng nên đề xuất nhập hàng để bán. Nhưng rồi giờ phải "ôm" một đống hàng", chị Thu kể.

Mở quán được 3 tháng nhưng phải đóng cửa gấp vì...- Ảnh 2.

Nhiều người mở quán nhưng không có khách

THANH NAM

Trên những hội, nhóm dành cho người trẻ thích kinh doanh, nhiều thành viên "kể khổ" chuyện thất bại vì đã từng làm theo kiểu "tùy hứng". Có người cho biết đã "đổ sông đổ biển" cả tỉ đồng chỉ vì muốn kinh doanh mặt hàng mà họ cho rằng là có tiềm năng. Cũng có người than thở tốn cả vài trăm triệu đồng khi mở quán để bán những thứ mà họ thích. Lại có người ta thán chuyện thất bại trong buôn bán vì… những ý tưởng kinh doanh liên tục xuất hiện, để rồi "hôm nay muốn mở quán bán cái này, ngày mai lại cảm thấy buôn thứ khác sẽ đông khách hơn"…

Bán đồ ăn theo trend, chủ quán ngã ngửa vì sự khốc liệt: 'Hết trend, khách làm ngơ'

Những kinh nghiệm

Chị Nguyễn Thị Hải Như (37 tuổi), chuyên gia giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhiều chương trình thuộc các Sở Khoa học và Công nghệ trên toàn quốc, đang là chủ nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp tại TP.HCMHà Nội, cho biết việc khởi sự kinh doanh không đơn giản. Và nếu kinh doanh theo kiểu "tùy thích" tiềm ẩn nhiều rủi ro, có nguy cơ thất bại.

Chị Như kể có nhiều trường hợp nhờ tư vấn vì sao liên tục kinh doanh mà không khởi sắc, luôn làm ăn thua lỗ? "Kinh doanh không phải chỉ là mở quán, bán hàng cho khách. Mà phải có kế hoạch kinh doanh chỉn chu, chi tiết. Người kinh doanh buộc phải có nhiều kỹ năng…", chị Như nói.

"Trước khi kinh doanh, phải phát thảo mô tả về quán. Chẳng hạn, nếu kinh doanh cà phê thì nên nhắm đến phân khúc khách hàng nào? Liệt kê ra những điểm nổi bật của quán. Đồng thời phải biết phân tích thị trường và đối thủ cạnh tranh. Thử suy nghĩ đâu là những yếu tố quan trọng giúp quán thu hút và "giữ chân" khách hàng? Sẽ chú tâm vào món uống nào để gây ấn tượng? Song song đó, cần phải lập kế hoạch tài chính thật chi tiết, gồm: nguồn vốn ban đầu, dự tính doanh thu, chi phí, lợi nhuận dự kiến. Một yếu tố quan trọng nữa là nên mở quán ở vị trí nào cho thuận lợi trong kinh doanh. Chứ quán ở trong góc khuất, bị che chắn tầm nhìn, ít người qua lại thì rất khó buôn bán đắt được", chị Như chia sẻ.

Mở quán được 3 tháng nhưng phải đóng cửa gấp vì...- Ảnh 3.

Dù mở địa điểm buôn bán lớn hay nhỏ, cũng cần phải trang bị kiến thức kinh doanh

THANH NAM

Thạc sĩ Hoàng Thanh Tùng, giảng viên Trường ĐH Tài chính – Kế toán (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết trong kinh doanh, việc nghiên cứu thị trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng. "Ví dụ muốn mở cửa hàng thời trang. Thử khảo sát xem đã có bao nhiêu đối thủ đang kinh doanh mặt hàng tương tự tại tuyến đường ấy. Nghiên cứu về xu hướng thời trang hiện nay được ưa chuộng là gì, có nhu cầu phổ biến hay không? Cũng có thể tìm hiểu thêm vì sao có những quán rất đông khách mà không ít nơi ế ẩm? Giá cả các đối thủ cạnh tranh đang bán, chiến lược quảng bá mà họ đang áp dụng như thế nào?… Để từ đó có cái nhìn tổng quan và có cách cạnh tranh lành mạnh nhưng hiệu quả", ông Tùng cho hay.

Cũng theo ông Tùng, đừng "thích gì làm nấy", không nên kinh doanh mặt hàng mà bản thân tự cho rằng sẽ thành công. Thay vào đó, cần kinh doanh ở lĩnh vực sở trường của bản thân. Có như vậy sẽ dễ dàng am hiểu về tình hình thị trường, đưa ra kế hoạch bán hàng hiệu quả. Ngoài ra, phải biết định vị khách hàng tiềm năng. Liên tục đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc khách hàng. Cần có chiến lược maketing hiệu quả… "Đối với kinh doanh online cũng vậy. Không phải chỉ cần mở website, tạo fanpage, lập kênh TikTok là bán hàng hiệu quả. Mà cần chiến lược quảng cáo hợp lý, có kỹ năng bán hàng, giao tiếp, thuyết phục… để tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn", ông Tùng nói thêm.

Anh Trần Duy Khôi (35 tuổi), chủ quán cà phê Today, trên đường Nguyễn Thị Thập, Q.7, TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm: "Dù kinh doanh mặt hàng nào, lĩnh vực gì, mở quán lớn hay nhỏ... thì cũng cần trau dồi kiến thức liên tục. Nên nghe những lời khuyên của các chuyên gia, kinh nghiệm từ người kinh doanh có thâm niên cũng như học từ sách vở. Cần tránh trường hợp "không biết gì vẫn lao vào kinh doanh", thấy người khác thành công mà tưởng chuyện buôn bán là dễ dàng. Phải chuẩn bị cho bản thân kiến thức kỹ lưỡng. Có như vậy mới nâng cao cơ hội thành công trong kinh doanh. Và cũng đừng quên phải cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, phù hợp với đa dạng khách hàng. Khi kinh doanh các sản phẩm lĩnh vực ăn uống thì phải chú trọng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.