Giáo dục luôn là điểm sáng và đóng vai trò trụ cột trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand. Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến New Zealand, Thanh Niên xin giới thiệu bài viết của bà Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc Cơ quan giáo dục New Zealand (ENZ) tại Việt Nam, về dấu ấn giáo dục quốc tế của New Zealand tại Việt Nam trong những năm qua.
Những sáng kiến đầu tiên và duy nhất
New Zealand bắt đầu cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam từ những năm 1990 thông qua Chương trình Viện trợ New Zealand, bao gồm đào tạo tiếng Anh cho cán bộ công chức, bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn và đặc biệt là các suất học bổng toàn phần bậc sau ĐH nhằm hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân tài trong các lĩnh vực trọng yếu như ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, an ninh lương thực...
Năm 2019, Học bổng Chính phủ New Zealand bậc trung học (NZSS) dành riêng cho học sinh Việt Nam lần đầu tiên ra mắt. Ở Việt Nam, học bổng chính phủ nước ngoài cho bậc trung học hầu như rất ít; còn với New Zealand, Việt Nam là nước duy nhất được cấp học bổng này. Chưa kể vào thời điểm những năm đó, các trường trung học New Zealand vẫn chưa có nhiều học bổng cho học sinh Việt Nam.
Nhờ NZSS, các gia đình Việt biết đến nhiều hơn về nền giáo dục trung học của New Zealand, nổi bật với cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm để phát huy tiềm năng của từng học sinh. Sau NZSS, các trường trung học của New Zealand cũng bắt đầu dành nhiều học bổng hơn cho Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho người Việt bắt đầu hành trình tri thức tại xứ sở kiwi ngay từ độ tuổi trung học.
Khi Covid-19 bùng phát vào năm 2020, ENZ cũng triển khai chương trình Chứng chỉ năng lực toàn cầu (GCC) theo hình thức trực tuyến, thu hút hơn 200 giáo viên và học sinh trong 3 năm. Lúc bấy giờ, Việt Nam là quốc gia đầu tiên và duy nhất được chọn tham gia chương trình đào tạo kỹ năng công dân toàn cầu cùng học sinh New Zealand. Sau này, GCC mới được mở rộng cho các nước khác trong khu vực châu Á.
Trong những năm sau đó, New Zealand liên tục triển khai các sáng kiến "độc quyền" dành riêng cho Việt Nam, như Trại hè kỹ năng tương lai (NZFSC) thường niên hoàn toàn miễn phí dành cho học sinh THCS và THPT, truyền cảm hứng tự tin tiếp cận các kỹ năng số và ngôn ngữ. Hay Học bổng chứng chỉ vi mô (micro-credential) giúp người Việt vừa có thể tham gia quá trình chuyển đổi số, vừa tích lũy các tín chỉ vi mô cho bậc sau ĐH.
Tăng cường, đa dạng hóa lĩnh vực hợp tác
New Zealand có uy tín rất cao trên trường quốc tế về chất lượng giáo dục, là một trong những nước hiếm hoi có tất cả trường ĐH lọt vào top 500 ĐH tốt nhất thế giới. 66% sinh viên Việt Nam tại New Zealand đang theo học tại các trường ĐH. Và ít ai biết New Zealand là một trong những quốc gia đầu tiên chấp thuận xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT tại Việt Nam vào thẳng ĐH tại nước này.
Các trường ĐH New Zealand coi trọng thị trường Việt Nam, và Việt Nam là nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á hiện diện khá đầy đủ đại diện tuyển sinh của các trường. 8 trường ĐH New Zealand đều có học bổng cho sinh viên Việt Nam ở tất cả bậc học. Đặc biệt, ĐH Waikato đã triển khai chương trình đào tạo về kinh doanh số và quản trị chuỗi cung ứng 100% tại Việt Nam.
Đây là cột mốc rất quan trọng với New Zealand, bởi tại châu Á, các ĐH New Zealand chỉ mới triển khai các chương trình đào tạo 100% trong nước ở các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc. Thông thường, các trường New Zealand sẽ chuộng hợp tác đào tạo theo hình thức chuyển tiếp hoặc liên kết quốc tế hơn do phải tuân thủ các quy chuẩn khắt khe về quản lý chất lượng đào tạo của chính phủ.
Ngay sau khi mở cửa biên giới, đầu năm 2023, lần đầu tiên Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH New Zealand (UNZ) có chuyến công tác đến Việt Nam để xúc tiến các cơ hội liên kết đào tạo và mở rộng lĩnh vực hợp tác và nghiên cứu. Năm 2023 cũng chứng kiến một loạt chuyến thăm lần đầu tiên của các đoàn New Zealand trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (edtech), đào tạo phi công và lĩnh vực hàng không đến Việt Nam, cũng như các hội thảo và trao đổi bước đầu về giáo dục mầm non với các đối tác Việt Nam.
Mở rộng cơ hội trong tương lai
Trong 2 năm trở lại đây, New Zealand và Việt Nam liên tục có các chuyến thăm cấp nhà nước, như cựu Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đến Việt Nam hồi tháng 11.2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm New Zealand vào tháng 12.2022, và gần đây nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ở cấp địa phương, đoàn đại biểu TP.Hà Nội và đoàn của Sở GD-ĐT TP.HCM cũng từng đến thăm New Zealand vào năm 2023 để trao đổi, hợp tác.
Có thể thấy, giáo dục được xác định là lĩnh vực sẽ tăng cường và mở rộng hợp tác, thông qua việc thúc đẩy tăng thêm học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam, cũng như đẩy mạnh liên kết giữa các trường ĐH. Điều này sẽ mở ra càng nhiều cơ hội và lựa chọn học tập cho học sinh, sinh viên Việt Nam trong thời gian tới.
Mặt khác, trong bối cảnh giáo dục quốc tế được dự đoán có rất nhiều thay đổi về mặt chính sách từ năm 2024, New Zealand vẫn rất nhất quán trong định hướng giáo dục quốc tế và các quyền lợi dành cho du học sinh. Người dân New Zealand cũng nhận định tích cực về đóng góp của sinh viên quốc tế với xã hội và văn hóa New Zealand. Những điểm này sẽ là lợi thế để New Zealand thu hút ngày càng nhiều du học sinh Việt đến sinh sống, học tập và làm việc.
Bộ quy chế bảo trợ và chăm sóc sinh viên quốc tế
Năm 2002, New Zealand là nước đầu tiên luật hóa Bộ quy chế bảo trợ và chăm sóc sinh viên quốc tế, thiết lập các tiêu chuẩn tối thiểu cùng những quy trình thực hành tốt để đảm bảo du học sinh có quyền được đối xử công bằng ở mọi lứa tuổi và cấp học. Cơ sở giáo dục chỉ có thể tuyển sinh người nước ngoài nếu cam kết thực hiện các quy định này và được chấp thuận, giám sát bởi Cục Quản lý chất lượng văn bằng New Zealand (NZQA).
Bình luận (0)