Tương lai gần, một đô thị Hạ Long mới thông minh, hiện đại và lớn mạnh sẽ sớm được hình thành.
Nghị quyết 18 của tỉnh Quảng Ninh vừa được ban hành ngày 2.10. Theo đó, địa phương này sẽ sáp nhập toàn bộ 843,54 km2 diện tích tự nhiên và dân số 51.003 người của huyện Hoành Bồ, với 275,58 km2 diện tích tự nhiên và dân số 249.264 người của TP.Hạ Long.
Sau khi sáp nhập, tên gọi của đơn vị hành chính mới là TP.Hạ Long, với diện tích 1.119,36 km2, dân số 300.267 người. Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 33 đơn vị cấp xã, bao gồm toàn bộ 20 phường thuộc TP.Hạ Long, thị trấn Trới và 12 xã thuộc huyện Hoành Bồ.
Dựa trên Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24.12.2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653-NQ/QH ngày 12.3.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quyết định số 702-QĐ/TTg ngày 7.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn tới năm 2050, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng Đề án về việc sắp xếp, sáp nhập TP.Hạ Long và huyện Hoành Bồ.
|
Bà con vùng cao phấn khởi vì sắp trở thành “người thành phố”
Đi trên con đường trải nhựa êm ru, sau gần 50 phút ngồi ô tô, chúng tôi đã tới thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, cách trung tâm H.Hoành Bồ chừng 30 km. Đây cũng là nơi khó khăn, xa xôi nhất, từng được người dân ví như “thâm sơn, cùng cốc”. Nhiều năm trước, Khe Phương có đến 39 hộ dân là người dân tộc Dao sống trong tình cảnh 3 “không”: không sóng điện thoại, không sóng truyền hình và không đường nhựa. Nhưng đến năm 2018, hộ dân nào ở đây cũng có tivi màn hình LED, máy vi tính kết nối mạng internet.
|
Mấy ngày nay thông tin huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP.Hạ Long đã lan tỏa tới người dân Khe Phương, ai ai cũng phấn khởi, rộn ràng. Ông Đoàn Vi Văn, 75 tuổi, nói: “Người dân ở đây mừng rỡ lắm, vì chỉ vài tháng nữa đã là người thành phố rồi. Mọi quyền lợi liên quan đến xây dựng nông thôn mới; đề án xóa đói giảm nghèo 196… không mất đi mà còn được hỗ trợ nhiều hơn, bởi lên thành phố rồi người dân sẽ được hưởng lợi nhiều tiêu chuẩn đô thị mới”.
Ông Bàn Sinh Linh cùng thôn cũng tỏ vẻ háo hức: “Sáp nhập về Hạ Long rồi, người dân chỉ mong chính quyền quan tâm đến đầu tư hạ tầng để người dân hưởng lợi theo tiêu chuẩn đô thị mới. Từ đó, những cánh rừng, vườn ổi của người dân mới có điều kiện được vươn xa”.
Dẫn chúng tôi đi thăm xã Kỳ Thượng, ông Lê Xuân Hợp, Chủ tịch HĐND huyện Hoành Bồ cho biết: “Nay mai về TP.Hạ Long, đường phố thênh thang, các hộ dân còn có cả số nhà, tên đường phố…”.
Theo ông Hợp, người dân Hoành Bồ rất tự tin, đồng thuận cao vào việc sáp nhập lần này nhưng không trông chờ ỷ lại. Kể cả không sáp nhập vào Hạ Long thì địa phương này đã chuẩn bị các nguồn lực sẵn sàng lên thị xã. Huyện đã hoàn thành 4 quy hoạch và đề án quan trọng gồm: Quy hoạch chung xây dựng khu vực phía Nam Hoành Bồ đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; một số quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000; quy hoạch chi tiết trung tâm huyện, quảng trường và các thiết chế văn hóa cơ bản; đề án phát triển sản phẩm du lịch huyện Hoành Bồ giai đoạn 2019-2025, định hướng 2030; Đề án Tái cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với đô thị hóa và phát triển công nghiệp, dịch vụ huyện Hoành Bồ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
“Các quy hoạch phát triển KT-XH này đều phù hợp với đề án mở rộng địa giới hành chính của TP.Hạ Long tới đây. Ngoài ra, tiềm lực của Hoành Bồ những năm qua khá mạnh, thu ngân sách đạt khoảng 700 tỉ đồng, đứng thứ 6/14 huyện thị của tỉnh Quảng Ninh; thu nhập bình quân 42,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1%”, ông Hợp cho biết thêm.
Còn ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP.Hạ Long khẳng định, với diện tích trên 850 km2, Hoành Bồ là địa phương có diện tích tự nhiên lớn của tỉnh Quảng Ninh. Vậy nên Hoành Bồ sở hữu nguồn quỹ đất đai rộng rãi, mật độ dân cư thấp, diện tích đất nông nghiệp hơn 70.000 ha, diện tích đất rừng hơn 66.000 ha, cảnh quan môi trường độc đáo, đặc sắc.
“Tiềm năng về đất đai, bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc, cảnh quan tự nhiên của Hoành Bồ chắc chắn sẽ bổ khuyết cho những hạn chế của Hạ Long khi quỹ đất đang chật chội và nâng tầm kỳ quan vịnh Hạ Long trong xu thế phát triển du lịch, dịch vụ. Từ đó tạo sức bật trở thành đô thị loại 1”, ông Hà nói.
Đã sẵn sàng cho “cuộc sáp nhập lịch sử”
Có thể nói, việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long là quyết định táo bạo của tỉnh Quảng Ninh nhưng lại rất cần thiết vào lúc này. Việc sáp nhập không chỉ mở rộng không gian phát triển cho thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh mà còn giảm áp lực về không gian đô thị, giao thông, dân số, môi trường lên các khu vực ven Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Đây cũng là điều kiện để Hạ Long được nâng tầm mà nhiều năm qua dù có nhiều tiềm năng lợi thế, nhưng thành phố này vẫn xếp sau nhiều địa phương lớn trong cả nước về hạ tầng. Việc sáp nhập cũng sẽ giúp hạn chế việc mở rộng không gia đô thị ra biển, đồng thời giải quyết được cuộc tranh chấp gay gắt giữa bảo tồn và phát triển kỳ quan vịnh Hạ Long từ nhiều năm qua.
Tuy nhiên việc sáp nhập hai địa phương đặt ra nhiều thách thức đối với tỉnh Quảng Ninh. Đó là, việc giảm đội ngũ và thay đổi công tác tổ chức cán bộ. Ngoài ra, sẽ có một số địa danh quen thuộc với người Hoành Bồ nay bị thay tên đổi hoặc mất đi, gây xáo trộn đời sống và tâm tư của người dân, bởi lâu nay Hoành Bồ nổi tiếng là mảnh đất coi trọng văn hóa xóm làng, họ tộc...
|
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tú, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ, nói: “Đúng là việc sáp nhập hai địa phương kiểu gì cũng gây ra tâm tư trong nội bộ cán bộ, công chức, viên chức. Đơn cử như hai ông Trưởng phòng thì biết chọn ai, đấy là chưa kể nhiều cán bộ đang là thành ủy, thường vụ huyện… Việc này ngay tỉnh đã lường trước và có sự sắp xếp bộ máy phù hợp để tạo được sự đồng thuận cao với anh em”.
Theo Huyện ủy Hoành Bồ, thời điểm sáp nhập hai địa phương bây giờ đã “chín muồi” khi sắp diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp. Riêng huyện Hoành Bồ đã có 10 đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ huyện chuẩn bị nghỉ hưu và Hạ Long cũng vậy. Toàn bộ 109 cán bộ các phòng ban chuyên môn của 2 địa phương sẽ đều được bố trí công việc phù hợp trên tinh thần không bị giảm chức vụ sau sáp nhập.
Về vấn đề yếu tố truyền thống, người đứng đầu huyện Hoành Bồ cho rằng sẽ giải quyết, tạo sự đồng thuận với người dân. Dẫn dụ về vấn đề này, ông Tú cho biết, năm 1993 thị xã Hòn Gai phát triển lên TP.Hạ Long. Tên Hòn Gai thân thuộc hiện vẫn được giữ lại và đặt tên cho phường trung tâm. Với Hoành Bồ cũng vậy, chúng tôi sẽ đổi tên thành phường Hoành Bồ.
Tuy nhiên, thông tin mở rộng địa giới hành chính được vài ngày đã nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc kiểm soát sốt đất ảo, đầu cơ đất… Ông Nguyễn Hữu Nhã, Phó chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ cho biết: “Vấn đề quy luật tất yếu khi đô thị được mở rộng là giá đất tăng. Thế nhưng từ tháng 6.2018, huyện đã dừng chuyển nhượng, sang tên tách thửa, đấu giá đất tại khu vực trung tâm để ổn định tình hình”.
|
“Việc sáp nhập là có lợi cho dân, nếu thấy khó mà ngại làm thì không phát triển được. Cán bộ, công chức đảng viên phải nhìn thấy được cái lớn vì sự phát triển chung. Tới đây, trụ sở huyện ủy sẽ được bố trí làm cơ sở 2 của Trung tâm hành chính công TP.Hạ Long để người dân vùng cao không phải đi lại xa. Còn một số trụ sở cũ làm phòng trực để anh em cán bộ làm nhiệm vụ trực bão thời gian tới”, ông Tú chỉ tay về khối trụ sở huyện ủy để chia tay chúng tôi. Ít phút nữa thôi, ông sẽ có cuộc gặp với các lão thành huyện để bàn ‘cuộc sáp nhập lịch sử’ này.
Rời Hoành Bồ, chúng tôi đi theo QL 279 để về TP.Hạ Long. Dọc đường đi, một bên là vịnh Cửa Lục với những cánh rừng ngập mặn xanh mướt, bên kia là những khu đất rộng lớn với các dự án về khu đô thị sầm uất sắp được triển khai. Vậy là chỉ trong vài năm nữa thôi, khi có thêm những cây cầu bắc qua vịnh Cửa Lục, vùng đất này sẽ thành “bệ phóng” đưa Hạ Long lên tầm cao mới.
Bình luận (0)