Sáng nay, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo) cho biết, trong số 2.368 ca mắc Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay, có 1.627 ca đã được điều trị khỏi; 1.469 ca mắc do lây nhiễm trong nước.
Từ ngày 27.1 (thời điểm ghi nhận ca mắc tại TP.Chí Linh tỉnh Hải Dương và sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đến nay, đã ghi nhận 776 trường hợp mắc trong nước tại 13 tỉnh, thành phố, gồm: Hải Dương 596 ca; Quảng Ninh 60 ca; TP.HCM 36 ca; Hà Nội 34 ca; Gia Lai 27 ca; Bình Dương 6 ca; Bắc Ninh 5 ca; Điện Biên 3 ca; Hưng Yên 3 ca; Hòa Bình 2 ca; Bắc Giang 2 ca; Hải Phòng 1 ca và Hà Giang 1 ca.
Hiện, 123.942 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, phòng dịch Covid-19.
Mở rộng tiêm vắc xin Covid-19 trên người tình nguyện
Liên quan triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (TNLS) vắc xin Covid-19 “made in Việt Nam”, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), Chánh văn phòng chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin, cho biết, vắc xin Nano Covax do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (TP.HCM) nghiên cứu phát triển đã hoàn thành TNLS giai đoạn 1.
Trong giai đoạn này, nghiên cứu đã hoàn thành 2 mũi tiêm ở 3 mức liều: 25mcg, 50mcg và 75mcg cho 60 tình nguyện viên và đã lấy mẫu máu sau 7 ngày tiêm mũi 2 để đánh giá tính sinh miễn dịch.
Ông Nguyễn Ngô Quang cho biết, với kết quả nghiên cứu ở cả 3 mức liều tiêm, vắc xin Nano Covax an toàn, không có biến cố bất lợi nghiêm trọng. Người đã được tiêm có các phản ứng như sưng nóng, đỏ đau tại vết tiêm, là các phản ứng đều đã được dự báo và kiểm soát. Đó cũng là các phản tương tự như các vắc xin khác đã được lưu hành. Đánh giá sơ bộ, vắc xin này có sinh miễn dịch tốt. Tuy nhiên, cần đánh giá thêm về liều tiêm tối ưu.
|
Trước đó, sáng 19.2, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã họp, đánh giá kết quả TNLS giai đoạn 1, cho phép vắc xin Nano Covax TNLS giai đoạn 2, với 2 liều tiêm 50 mcg và 75 mcg.
“Quan điểm phải đảm bảo quy trình khoa học, quá trình nghiên cứu an toàn tuyệt đối cho các đối tượng tham gia. Bên cạnh đó, những dữ liệu liên quan đến khoa học, đảm bảo hướng dẫn chung của thế giới, của Tổ chức Y tế thế giới. Những kết quả nghiên cứu không chỉ phục vụ cho việc sử dụng vắc xin trong nước mà còn công bố cho quốc tế”, ông Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh.
Theo ông Quang, để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian nghiên cứu, trong giai đoạn 2, nghiên cứu TNLS được triển khai đồng thời ở 2 điểm. Cụ thể, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) thực hiện tại Hà Nội và Viện Pasteur TP.HCM thực hiện tại H.Bến Lức, tỉnh Long An. Mũi tiêm đầu tiên trên người tình nguyện của giai đoạn 2 dự kiến sẽ tiêm trong tuần tới và mũi thứ 2 được tiêm cách mũi 1 là 28 ngày. 7 ngày sau tiêm mũi 2, các tình nguyện viên sẽ được lấy mẫu máu xét nghiệm, đánh giá tính sinh miễn dịch.
Theo Bộ Y tế, với số lượng nghiên cứu 560 người, trong độ tuổi 18 - 65, việc nghiên cứu tại 2 địa điểm có thể rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu, còn khoảng 3 tháng tháng thay vì 6 tháng.
Bình luận (0)