Mở rộng giáo dục quốc tế tại VN

16/02/2019 09:36 GMT+7

Du học có nhiều lợi ích nhưng cũng nhiều rủi ro nếu chưa được chuẩn bị tốt.

Trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển, khoảng cách địa lý không còn là rào cản, kỹ thuật chuyên môn không còn là vấn đề lớn thì kiểu “du học tại chỗ” vừa giúp học sinh tiếp cận với môi trường giáo dục tiên tiến vừa giúp VN hội nhập nhanh.

Từ trào lưu du học Mỹ...

Nhu cầu cho con đi du học của người VN là rất lớn, khởi điểm từ những năm 2004. Các gia đình có kinh tế khá giả đều có kế hoạch tài chính đầu tư cho con học từ trung học lên đại học trong khoảng thời gian 4 - 7 năm.
Mỗi năm, Viện Văn hóa giáo dục VN (IVCE) tại Mỹ tư vấn cho khoảng 1.000 học sinh (HS) và sinh viên (SV), ước tính khoảng 10% thực hiện thành công du học Mỹ. HS VN có năng lực học tốt nhưng vẫn có một số người hạn chế về kỹ năng mềm và ngoại ngữ.
Trung bình mỗi năm có trên 2.000 HS-SV VN du học tại Mỹ. Theo thống kê của Tổ chức Giáo dục quốc tế có trụ sở tại New York City, SV-HS VN trong năm 2018 đạt 24.300 người, trong đó chương trình cử nhân chiếm 67%, sau đại học chiếm 20%, trung học chiếm 13%.
Mở rộng giáo dục quốc tế tại VN
Dự kiến sẽ có mô hình trường trung học nội trú của Mỹ đặt tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) Ảnh: T.T

Đến giáo dục mỹ tại VN

Trong 15 năm qua, các trường Mỹ phát triển chậm tại VN, chủ yếu là chương trình cử nhân và MBA, những ngành không cần cơ sở phòng thí nghiệm và nghiên cứu.
ĐH Mỹ hợp tác với ĐH VN đào tạo chương trình cử nhân với hình thức là phía VN cho sử dụng cơ sở phòng học và trợ giúp phần điều hành. Phía ĐH Mỹ đảm nhiệm chương trình giảng dạy, điều phối giáo viên, cấp bằng đại học. Vì sự điều phối giáo viên về VN giảng dạy trong thời gian ngắn nên chương trình bị dồn ép làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy của giáo sư Mỹ và SV VN. Ngoài ra, chương trình đào tạo tập trung vào vài ngành như quản trị kinh doanh, khoa học máy tính… nên SV VN không có nhiều lựa chọn ngành học.
Mô hình này phải kể đến là Troy University hợp tác với Trường ÐH Bách khoa Hà Nội và ÐH Quốc gia Hà Nội từ năm 2004 và sau này với các trường khác. Tại TP.HCM, chương trình MBA nổi bật nhất thuộc về University of Hawaii, sau này trường mở rộng chương trình ra Hà Nội.
Ngành giáo dục như là ngành sản xuất sản phẩm, khi toàn cầu hóa lan tỏa thì công ty Mỹ ra nước ngoài sản xuất. Và giáo dục Mỹ cũng hướng đi như vậy, tương lai các trường sẽ được đưa ra nước ngoài nhiều. Sự phát triển giáo dục Mỹ ở nước ngoài mang lại nhiều lợi ích cho trường học Mỹ như về kinh tế, ngoài ra SV Mỹ có trải nghiệm tại nước bản xứ, trao đổi kinh nghiệm học và nghiên cứu, thu hút nhân tài năng động... Ngược lại, những nước có trường Mỹ làm cơ sở sẽ thừa hưởng được nền giáo dục và nghiên cứu khoa học tiên tiến, làm nền tảng vững chắc để phát triển nền giáo dục và nghiên cứu khoa học cho riêng mình.
Năm 2015 UBND tỉnh Lâm Đồng mong muốn xây dựng một trường ĐH Mỹ tại TP.Đà Lạt. Mở một trường đại học là một việc khó khăn, vì chi phí cao ngất ngưởng, mức đầu tư có thể lên đến 200 triệu USD. Nhằm giúp phụ huynh giảm nỗi lo kinh phí, chúng tôi đề nghị chuyển sang mô hình trường trung học nội trú với quy mô trung bình và chi phí đầu tư thấp hơn, khoảng 20 triệu USD.
Hiện tại chưa có trường trung học nội trú Mỹ mở cơ sở nằm ngoài nước Mỹ. VN cũng chưa có trường trung học nội trú quốc tế nào. Tỉnh Lâm Ðồng đã chấp thuận đề nghị dành từ 10 - 15 ha đất trong khu vực đã quy hoạch để mở trường. Việc còn lại là tìm nhà đầu tư để tham gia dự án.

Lan tỏa hình ảnh VN

Dự án này không chỉ giúp VN phát triển về chất lượng giáo dục trung học mà còn góp phần phát triển kinh tế du lịch cho Ðà Lạt.
Khi trường đi vào hoạt động, kỳ vọng sẽ có khoảng 30% HS đến từ Mỹ, 30% đến từ các nước khác và phần còn lại HS từ VN bao gồm cả người nước ngoài tại VN. Ngoài giáo dục thì việc giao lưu giữa HS nước ngoài với HS VN là rất quan trọng. Hoạt động này không đơn thuần giúp các em hoàn thiện về khả năng ngoại ngữ, tư duy học tập, tìm hiểu văn hóa mà còn giúp lan tỏa hình ảnh VN đến cộng đồng quốc tế.
Hơn nữa trong chính sách hướng Đông của Mỹ, một nửa kinh tế nằm ở châu Á, cũng đã tạo ra sự chuyển dịch trong tư duy của chính phụ huynh Mỹ. Họ muốn hướng con họ đến châu Á để tìm hiểu về đời sống văn hóa - xã hội châu Á để sau này thuận lợi trong học tập và làm việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.