Mở rộng nộp phạt giao thông qua mạng ra cả nước

02/07/2020 04:26 GMT+7

Hôm qua (1.7), Văn phòng Chính phủ tổ chức công bố tích hợp thêm nhiều dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia , trong đó đáng chú ý là việc mở rộng dịch vụ nộp phạt vi phạm giao thông ra toàn quốc.

Số liệu của Văn phòng Chính phủ cho hay đến nay đã có khoảng 16.000 lượt tra cứu, thực hiện kể từ khi thí điểm tại 5 địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Thuận) cách đây 3 tháng.
Lực lượng CSGT đã cung cấp gần 11.000 dữ liệu về các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ thừa nhận số lượng nộp phạt trực tuyến thành công thấp, trong đó có lý do phạm vi thí điểm còn hẹp; cơ sở hạ tầng của các đơn vị thực hiện dịch vụ còn hạn chế; tâm lý, thói quen của người dân còn e ngại khi thực hiện theo hình thức trực tuyến.
Để nâng cao chất lượng phục vụ, từ 1.7, việc nộp phạt sẽ được mở rộng, cụ thể là: thực hiện trên toàn quốc đối với thẩm quyền xử phạt của thanh tra giao thông. Cùng với đó cũng mở rộng ra cả nước đối với thẩm quyền xử phạt của chỉ huy cấp đội thuộc phòng CSGT công an các địa phương và các đơn vị thuộc Cục CSGT.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết để thực hiện tốt việc nộp phạt trực tuyến, Bộ Công an quy định tất cả quyết định xử phạt từ cấp đội trưởng trở lên bắt buộc phải nhập vào phần mềm thì mới in được quyết định. Và khi lập biên bản, nếu người vi phạm cấp số điện thoại thì số quyết định xử phạt sẽ nhắn tới người vi phạm để thực hiện tra cứu, và nộp tiền qua Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG).
“Hiện nay khoảng 65% số biên bản xử phạt đã được đồng bộ lên phần mềm. Chúng tôi phấn đấu cuối năm 2020, con số sẽ đạt 100%”, ông Bình nói và cho biết thêm lực lượng CSGT đang phối hợp cùng ngành thuế tiến tới cho người dân nhận biên lai điện tử khi đóng phí trước bạ ô tô, đồng thời tiến tới đặt lịch hẹn theo giờ, ngày để người dân khi đi đăng ký xe lúc đến sẽ có người phục vụ ngay.
Một dịch vụ rất được người dân quan tâm, cũng vừa được công bố tích hợp vào Cổng DVCQG từ 1.7, là cấp, đổi bằng lái xe (mức độ 4, nâng cấp từ cấp độ 3), trên cơ sở tích hợp, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của Bộ Y tế và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ Công an. Dịch vụ này sẽ thí điểm từ 1.7 tại Tổng cục Đường bộ, TP.Hà Nội và tỉnh Hà Nam, với 3 bệnh viện ở Hà Nội (Giao thông vận tải, E, Đa khoa Hà Đông) và 8 bệnh viện, trung tâm y tế ở Hà Nam.
Ngoài ra, cũng từ 1.7, Cổng DVCQG sẽ tích hợp thêm các dịch vụ công khác, gồm chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; đóng tiếp BHXH tự nguyện; gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.