Mở rộng quốc lộ 13: Nỗi ám ảnh kẹt xe chục năm có kết thúc?

Mở rộng quốc lộ 13: Nỗi ám ảnh kẹt xe chục năm có kết thúc?

06/12/2024 05:45 GMT+7

Mở rộng quốc lộ 13 được kỳ vọng sẽ phá cục máu đông chặn mạch lưu thông, bởi đây là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối liên vùng giữa TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.

Những hàng xe nối đuôi, chen nhau, ken đặc người và phương tiện... Nỗi ám ảnh kẹt xe dai dẳng nhiều năm qua của những người dân sinh sống, làm việc và lưu thông trên tuyến quốc lộ 13 được kỳ vọng có thể sẽ giảm bớt phần nào trong tương lai không xa.

Bởi mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã nghiên cứu hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án BOT quốc lộ 13 để lấy ý kiến trước khi trình cấp thẩm quyền thẩm định, thông qua chủ trương đầu tư.

Mở rộng quốc lộ 13: Nỗi ám ảnh kẹt xe chục năm có kết thúc? - Ảnh 1.

Mới hơn 4 giờ chiều, học sinh chưa ra, công nhân chưa tan làm nhưng quốc lộ 13 đã bắt đầu chen chúc

Ảnh: SẦM ÁNH

Theo đó, có hai phương án nâng cấp và mở rộng tuyến đường này. Một là phương án đi trên cao (bằng cầu cạn) có tổng mức đầu tư gần 20.000 tỉ đồng. Hai là phương án đi dưới thấp (tức mở rộng đường) với tổng mức đầu tư hơn 18.200 tỉ đồng. Sau khi xem xét, đơn vị tư vấn chọn phương án làm tuyến đi trên cao với quy mô 4 làn xe, phía dưới mặt đường sẽ cải tạo, nâng cấp làm tuyến song hành.

Bán nước hơn chục năm trên quốc lộ 13, chị Trần Thị Hậu (43 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức) đã quá quen cảnh "ngày ba bữa" kẹt xe.

"Một ngày có thể kẹt xe ba lần, lúc 7 giờ hoặc 11 giờ 30 phút hoặc 5 giờ chiều thì kẹt xe. Nhất là tầm 5 giờ chiều, học sinh tan trường, công nhân đổ ra đường thì kẹt xe khủng khiếp lắm".

Mở rộng quốc lộ 13: Nỗi ám ảnh kẹt xe chục năm có kết thúc? - Ảnh 2.

Những hàng xe nối đuôi, chen nhau, ken đặc người và phương tiện

Theo ông Lã Văn Lợi (65 tuổi, ngụ ở TP.Thủ Đức), chuyện quốc lộ 13 được mở rộng là mong mỏi của nhiều người dân suốt chục năm qua.

"Cách đây khoảng 10 năm, cái đường này đi cứ vắng người, chứ đâu có đông. Mà có 10 năm nay, thậm chí mấy cái hẻm nhỏ bây giờ cũng có có nguy cơ kẹt xe nữa. Giờ nếu đường được mở rộng quá tuyệt vời, đúng ước nguyện của người dân hai bên đường và những người bà con ở ngoại thành ấy. Họ ngày ngày đi làm về khổ lắm, nhất là hôm nào mà mưa là con đường này nó kẹt xe thêm", ông Lợi chia sẻ.

Mở rộng quốc lộ 13: Nỗi ám ảnh kẹt xe chục năm có kết thúc? - Ảnh 3.

Theo ông Lợi, quốc lộ 13 mở rộng sẽ giúp dân di chuyển qua tuyến đường này bớt khổ, nhất là vào những ngày mưa

Ảnh: SẦM ÁNH

Đoạn quốc lộ 13 qua địa bàn TP.HCM chỉ dài gần 6 km nhưng kế hoạch mở rộng quốc lộ 13 được "đặt lên hạ xuống" suốt nhiều năm. Để nâng cấp và mở rộng đoạn đường này, dự kiến có khoảng 1.149 căn nhà sẽ giải tỏa, trong đó 325 căn giải tỏa trắng, 825 căn giải tỏa một phần. Trong cơ cấu tổng mức đầu tư, vốn giải tỏa mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật cho con đường sơ bộ khoảng hơn 14.600 tỉ đồng.

Cũng theo chia sẻ của nhiều người dân, nếu đã nâng cấp thì tính toán mở rộng bài bản, đảm bảo thông thoáng và xuyên suốt không chỉ cho vài năm trước mắt mà cả thời gian dài sau này.

Theo kế hoạch, Sở GTVT TP.HCM sẽ tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với mục tiêu cuối năm nay, chậm nhất đầu năm sau hoàn chỉnh báo cáo, trình HĐND TP.HCM. Sau đó, lập báo cáo khả thi và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư vào quý 3 - quý 4 năm sau.

Ngoài dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, còn có 4 dự án trọng điểm khác cũng được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2028 gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); Dự án cải tạo, nâng cấp QL22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); Dự án nâng cấp đường trục bắc - nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 nhấn mạnh trong 5 dự án này, dự án nào làm được luôn, rút ngắn được giai đoạn, thiết kế, thi công... thì nên có quyết định triển khai luôn, khởi công sớm, làm sớm, làm nhanh.

Cần tập trung hoàn thành 1 - 2 dự án trước để người dân thấy rõ được "trái ngọt" từ Nghị quyết 98.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.