Gần đây, Hiệp hội đã đồng hành cùng chuỗi sự kiện Vietnam Tour de Web3 trong hành trình 2 tháng, bắt đầu từ TP.HCM và kết thúc tại Đà Nẵng. Những sự kiện như Tour de Web3 là dịp để Hiệp hội phổ cập việc tuân thủ pháp lý đến cộng đồng blockchain tại Việt Nam và công bố định hướng hoạt động năm 2023.
Ngày 20.5, Vietnam Tour de Web3 diễn ra ở Đà Nẵng, cũng là điểm dừng chân cuối cùng của chuỗi sự kiện này. Mới đây, K300 Ventures - đơn vị tổ chức Tour de Web3 cũng được Hiệp hội Blockchain Việt Nam vinh danh ở hạng mục Lãnh đạo Dẫn dắt Phát triển Cộng đồng Blockchain Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 1 năm thành lập Hiệp hội.
Ông Cường Trần, đại diện K300 Ventures chia sẻ: "Mục đích của chuỗi Vietnam Tour de Web3 là kết nối những cộng đồng, tổ chức và những bạn trẻ đam mê blockchain đến gần nhau hơn tạo ra những liên minh, đối tác góp phần thúc đẩy ngành blockchain Việt phát triển. K300 Ventures cam kết luôn là đơn vị tiên phong trong việc phổ cập blockchain tới mọi người, cảnh báo lừa đảo, hỗ trợ các cơ quan ban ngành trong việc phòng chống lừa đảo để các cộng đồng Blockchain Việt Nam có một môi trường trong sạch hơn".
Tham dự sự kiện có ông Trần Mạnh Huy, Trưởng đại diện phụ trách Văn phòng Đà Nẵng của Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Tại sự kiện, ông chia sẻ về 4 chương trình hành động năm 2023 bao gồm Tiêu chuẩn Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Ứng dụng Regtech, Hỗ trợ gọi vốn và Giáo trình. Trong đó, Tiêu chuẩn Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Ứng dụng Regtech là hai chương trình được ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy quá trình tuân thủ pháp lý trong môi trường blockchain tại Việt Nam.
Xây dựng Tiêu chuẩn trên nền tảng cộng đồng
Soạn thảo bộ tiêu chuẩn là chìa khóa quan trọng đối với các công nghệ mới nói chung, không chỉ riêng blockchain. Các tiêu chuẩn sẽ giúp tăng khả năng tương tác trong mạng blockchain, tạo niềm tin cho người tham gia và góp phần mở ra lộ trình ứng dụng hàng loạt.
Ở châu Âu, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn cho ngành blockchain cần sự tham gia của hàng loạt các tổ chức về tiêu chuẩn hóa cấp châu Âu (như Viện tiêu chuẩn viễn thông châu Âu - ETSI, Ủy ban tiêu chuẩn hóa châu Âu - CEN...), các hiệp hội nghề nghiệp liên quan, các cơ quan tiêu chuẩn ở từng quốc gia trong khu vực. Có nhiều tổ chức đang tham gia vào các tiêu chuẩn liên quan đến blockchain ở nhiều mảng như tài sản số, quản trị, bảo mật, smart contract… và việc đưa ra một tiêu chuẩn chung vẫn còn đang được thảo luận vì tính chất đa quốc gia của Liên minh châu Âu (EU).
Còn tại Việt Nam, ở một quy mô nhỏ hơn, Tiêu chuẩn Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ bao gồm: Tiêu chuẩn đánh giá dự án ứng dụng blockchain, Tiêu chuẩn cộng đồng và Tiêu chuẩn an toàn tài sản số. Trong đó, Tiêu chuẩn đánh giá dự án ứng dụng blockchain đã công bố dự thảo vào cuối năm 2022 để lấy ý kiến cộng đồng và chính thức ra mắt trong lễ kỷ niệm 1 năm thành lập Hiệp hội vừa qua.
Tiếp theo, Tiêu chuẩn cộng đồng sẽ là bộ tiêu chuẩn quan trọng nhất vì nó quy định cách các cộng đồng, doanh nghiệp ứng dụng blockchain, cơ quan giao tiếp với nhau, cũng như cách cộng đồng giao tiếp với cơ quan quản lý và hiệp hội nghề nghiệp.
Ông Huy cho biết: "Tiêu chuẩn VBA được xây dựng với mục đích vì cộng đồng nên rất cần sự chung tay giúp đỡ của các cá nhân, doanh nghiệp, chuyên gia quan tâm đến công nghệ blockchain trên khắp cả nước. Sau khi lấy ý kiến, chúng tôi tiến hành tổng kết và soạn thảo, sau đó, các tiêu chuẩn này sẽ được cung cấp miễn phí cho cộng đồng và cơ quan quản lý để thực hiện các bước tiếp theo".
Mở rộng Cổng báo cáo dự án và đẩy mạnh hoạt động
Năm 2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ thúc đẩy Ứng dụng Regtech (công nghệ hỗ trợ tuân thủ pháp lý). Trong đó, chương trình truy vết dữ liệu Chaintracer sẽ được tích hợp vào Cổng báo cáo dự án có dấu hiệu lừa đảo thuộc Đề án "Thử nghiệm giám sát tài sản số trên không gian mạng Blockchain" mà Hiệp hội đã và đang thực hiện.
Kể từ lúc triển khai, Cổng báo cáo đã tiếp nhận thông tin về hơn 50 dự án blockchain do người dùng cung cấp. Cho đến nay, số lượng dự án tiếp nhận đã tăng 120% so với ghi nhận từ tháng 12.2022 và Hiệp hội đang tốc lực rà soát, kiểm tra các dự án này nhằm tiến hành báo cáo trước cơ quan quản lý, góp phần xây dựng chính sách cho ngành.
Chương trình chống lừa đảo Chaintracer bản chất là một nền tảng truy vết giao dịch trên blockchain. Nhận thông tin từ nhà đầu tư, Chaintracer sẽ xem xét dữ liệu hoạt động trên chuỗi (on-chain) của một dự án và tham chiếu với các mô hình đã biết để đánh giá xem một dự án có phải là lừa đảo hay không. Nền tảng này cũng sẽ phân tích các hành vi thị trường để nhận diện lạm phát và cảnh báo nhà đầu tư về những cuộc tấn công mã độc (ransomware).
Bình luận (0)