Mơ rồng và câu chuyện sân khấu thể nghiệm

24/09/2019 06:22 GMT+7

Theo đạo diễn Lê Quý Dương, sân khấu luôn cần thể nghiệm . Bởi nó sẽ mở rộng khả năng diễn tả cho những gì đã được coi là truyền thống.

NSƯT Quốc Khanh, Nhà hát Múa rối Thăng Long, không thể nhớ hết những lần ngã khi tập vở Mơ rồng. Cũng như ông, nhiều diễn viên múa rối nước vốn chỉ quen đứng sau màn tre dưới nước đã bước lên cạn để diễn vai của mình. Nó đòi hỏi cả diễn hình thể, cảm xúc, cả trên bờ, dưới nước. Họ ngã rất nhiều vì sàn diễn trơn. Những con rối cũng đa dạng hơn, to hơn, dù màu sắc vẫn là ngũ sắc theo truyền thống. Mơ rồng sẽ tham dự Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế Hà Nội vào tháng 10 tới, đồng thời sẽ là vở khai mạc Liên hoan các trường sân khấu châu Á - Thái Bình Dương vào cuối tháng 9 này.
Ông Lê Quý Dương, đạo diễn của Mơ rồng, cũng là thành viên ban tổ chức cả hai liên hoan trả lời Thanh Niên về vở diễn, về thể nghiệm sân khấu và sự cần thiết phải thay đổi này.
Mơ rồng và câu chuyện sân khấu thể nghiệm

Đạo diễn Lê Quý Dương

Ảnh: NVCC

Trong vở Mơ rồng, chúng ta thấy những con rối nước đã bị nhấc lên cạn. Có ai phản đối anh trong quá trình dựng vở không?
Thực ra mọi người lại rất thích thú. Anh em diễn viên đã quá quen ở trong trình thức quy định của trình diễn múa rối nước của cha ông để lại. Khi đặt vấn đề về mở rộng không gian ra, diễn ở trên cạn, diễn ở trên không, diễn bóng, diễn dây, sao cho bể nước là trung tâm thì có thể nói anh em diễn viên rất thích. Tôi cũng may mắn khi được làm việc với nhà hát mà dàn diễn viên rất mở. Họ rất năng động và sẵn sàng đón nhận cái mới.
Thử hình dung không phải chỉ rối nước mà tất cả loại hình múa rối từ trước giờ diễn viên múa rối đều âm thầm điều khiển phía sau con rối. Thế thì giờ đây, làm sao mình đưa được tương tác của diễn viên lên sân khấu. Diễn viên sẽ cùng lúc thể hiện cả bằng con rối, bằng hình thể của mình. Đó chính là thử nghiệm.
Thứ nữa, múa rối nước trước giờ của chúng ta đều đi với âm nhạc truyền thống. Làm thế nào để nó dung nạp các yếu tố của nhạc hiện đại. Ở đây là âm nhạc Úc, nó tạo nền tảng về không gian, cảm xúc cho người diễn viên, giúp cho những tạo hình con rối mạnh hơn.
Vở diễn đã buông màn tre che hết cả thủy đình. Vì sao anh hy sinh thủy đình như thế?
Ở đây không phải là sự hy sinh thủy đình mà là câu chuyện đi theo nội dung. Tễu và Rồng Thăng Long đi vòng quanh thế giới. Khi đi như vậy rồi trở về thì mành mành kéo lên, nhà thủy đình lại hiện ra. Nó chứng tỏ hành trình của Rồng Thăng Long khắp châu lục, gặp các loại rồng bạn bè. Nhân vật nhận ra các vấn đề toàn cầu như buôn bán trẻ con, lạm dụng trẻ con, ô nhiễm môi trường, tranh chấp đại dương, khủng hoảng môi trường… rồi lại về nhà. Nên về với thủy đình rất ngắn ở cảnh cuối cùng là trở về với truyền thống.

Nghệ sĩ thể nghiệm phải mang tính tiên phong, và do đó phải bằng mọi cách, mọi kiểu, mọi điều kiện để làm được điều anh muốn

 
Có những con rối được treo như đạo cụ trong thiết kế mỹ thuật của vở diễn. Vì sao vậy?
Đó là những trầm tích quá khứ. Tôi muốn thể hiện việc những con rối nghìn năm được kéo lên từ đồng ruộng để nói câu chuyện hôm nay.
Tham gia và tổ chức liên hoan sân khấu thể nghiệm, anh mong muốn nhất điều gì?
Tôi về nước năm 2004. Trước đó từ 1998 - 2001 tôi đã dựng các vở thử nghiệm ở TP.HCM rồi. Giấc mộng đêm hè, Ngôi nhà đông người, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Lời thỉnh cầu mùa xuân... Tôi đã dựng cho Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM rồi. Kịch bản kinh điển, cách dựng mới. Khi đó tôi đã bàn với NSND Trọng Khôi và nói nhiều lần là VN cần sân khấu thử nghiệm. Rất may là sau đó Hội Nghệ sĩ sân khấu VN tổ chức sân khấu thử nghiệm, anh Khôi rất tâm đắc với việc đó.
Mong muốn lớn nhất của tôi khi làm sân khấu thử nghiệm là mình phải khơi dậy sự sáng tạo cho người nghệ sĩ. Đặc biệt, thể nghiệm sẽ mở rộng khả năng diễn tả của sân khấu truyền thống. Đó mới là điều quan trọng nhất vì khi nói đến truyền thống, nhiều khi chuyện cứ bị đóng đinh lại vì đã chuẩn hóa. Chẳng hạn, rối nước mặc định bằng cách tích trò, nhưng nó hoàn toàn có thể thành vở diễn. Như thế, sân khấu mới có ngôn ngữ của thời đại.
Thể nghiệm phải có tiền. Vở của anh là 1 tỉ đồng. Chỗ khác không có 1 tỉ thì có làm thể nghiệm được không?
Vấn đề của thể nghiệm không phải là tiền. Bởi nếu khi nói đến tiền thì người làm đã trói mình trong khuôn khổ được gọi là tiền rồi. Nghệ sĩ thể nghiệm phải mang tính tiên phong, và do đó phải bằng mọi cách, mọi kiểu, mọi điều kiện để làm được điều anh muốn. Nếu cứ nói thể nghiệm cần cái này, cái kia thì các nhà khoa học không bao giờ làm được phát minh của họ.
Trước Liên hoan sân khấu thể nghiệm của Hội Nghệ sĩ (4 - 10.10), sẽ có festival của các trường nghệ thuật sân khấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 19 nước về tham dự. Vở này sẽ là vở khai mạc của festival. Là người kết nối, anh có gặp khó khăn gì không?
Bản chất của liên hoan sân khấu thể nghiệm là thể nghiệm của nghệ sĩ chuyên nghiệp. Còn liên hoan của các trường nghệ thuật sân khấu để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy ở các trường. Chúng tôi không bán vé, chỉ là các trường trao đổi với nhau để biết việc giảng dạy ở các nước ra sao. Như thế, nếu cần có thể hỗ trợ nhau bằng cách cử giảng viên tới dạy. Như thế nó sẽ là nền tảng chuẩn bị từ trong nhà trường cho sân khấu thể nghiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.