Mổ sinh giúp sản phụ 162 kg vượt cạn mẹ tròn con vuông

09/09/2019 10:49 GMT+7

Sản phụ béo phì có thể đối mặt với nhiều biến cố khi sinh nở như tim mạch, huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường, mất tim thai,… Bác sĩ đã chọn phương án tốt nhất, giúp sản phụ 162 kg vượt cạn an toàn.

Hôm nay (9.9), Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) thông tin: Sản phụ N.T.T.H (25 tuổi, ngụ Long An) được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) khi mang thai được 35 tuần (con đầu lòng), ngôi đầu, tiền sản giật nặng, béo phì.
Được biết, bệnh nhân mang thai tự nhiên, cân nặng trước khi mang thai là 110 kg, cân nặng lúc nhập viện là 162kg, cao huyết áp, được điều trị tiết chế đã 3 tháng.
Các bác sĩ tiên lượng, sản phụ béo phì sẽ làm tăng các biến cố sản khoa về tim mạch, huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường, mất tim thai trong bụng mẹ… Thế nên sản phụ được nhập vào Khoa Sản A, Bệnh viện Từ Dũ để kiểm tra và theo dõi sát quá trình chuyển dạ.
Sản phụ được chỉ định sinh mổ. Các bác sĩ sản khoa và gây mê nhiều kinh nghiệm đã để lên phương án can thiệp an toàn cho sản phụ và bé trong quá trình phẫu thuật bắt con, với sự cân nhắc hết sức thận trọng giữa hai phương pháp gây tê và gây mê.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Hồng Công Danh, Trưởng Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Từ Dũ: Gây mê để tiến hành phẫu thuật đối với sản phụ béo phì sẽ không đơn giản. Nếu gây mê, bác sĩ sẽ phải dùng lượng thuốc mê tương ứng với cân nặng của sản phụ để có thể duy trì mê cho đến khi hoàn tất cuộc mổ. Bên cạnh đó, do tình trạng cân nặng “quá khổ” bệnh nhân có cổ bị ngắn, lưỡi to, vùng hầu họng hẹp nhiều hơn so với một sản phụ bình thường nên việc đặt nội khí quản để gây mê gặp nhiều khó khăn, khả năng gây tổn thương vùng hầu họng, dễ bị hít sặc do nguy cơ trào ngược dạ dày là không tránh khỏi, kể cả biến chứng suy hô hấp do việc rút ống nội khí quản sau phẫu thuật.
Sau khi hội ý, kíp mổ đã thống nhất sử dụng phương pháp gây tê tủy sống để giảm các rủi ro trên. Tuy nhiên, thách thức khi tiến hành kỹ thuật gây tê cho sản phụ là khả năng uốn cong lưng của bệnh nhân rất kém do cản trở của lớp thành bụng dày quá mức, khiến khoảng cách từ da đến mục tiêu để gây tê lớn hơn bình thường, gây khó khăn cho việc tìm các mốc, vị trí đốt sống để châm tê bị che khuất bởi lớp mô mỡ.
Khi phẫu thuật lấy thai, các bác sĩ cũng phải thực hiện đường rạch ngang thân tử cung để tiếp cận ổ bụng của sản phụ rộng hơn so với các bà mẹ có cân nặng bình thường.
Sau các nỗ lực, các bác sĩ đã mổ giúp chào đời một bé trai cân nặng 3,3 kg, hồng hào và khóc rất to; mẹ tròn con vuông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.