Là di tích lịch sử, thắng cảnh cấp quốc gia, nhưng núi Mo So (ấp Ba Núi, xã Bình An, H.Kiên Lương, Kiên Giang) không được ngành chức năng quan tâm tôn tạo, bảo vệ.
Nhếch nhác tại di tích Mo So - Ảnh: Minh Khoa
|
Chưa xứng với tiềm năng
Mo So từng là căn cứ cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nên có giá trị to lớn về lịch sử, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Mo So là nơi đóng quân của Công binh xưởng 18 (Khu 9) để chế tạo, cải tiến vũ khí thu được của địch cung cấp cho quân ta chiến đấu ở chiến trường Tây Nam bộ.
Trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Mo So là căn cứ cách mạng và là điểm chốt quan trọng trên tuyến đường 1C chi viện vũ khí, đạn dược từ Bắc vào Nam. Mỹ - Ngụy đã mở nhiều đợt càn quét ác liệt hòng xóa sổ căn cứ Mo So, nhưng phải thất bại trước tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân Kiên Lương.
Ngày 13.2.1995, núi Mo So được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia. Hiện hơn 20 hang lớn, nhỏ tại Mo So đều gắn với tên của một đơn vị trong kháng chiến như: Huyện Đội, Quân Y, Kinh Tài, Điện Đài, Nước… Nhiều hang lớn có sức chứa hàng trăm người. “Thạch đạo” này còn là một tuyệt tác thiên nhiên, rất có tiềm năng để phát triển du lịch và phục vụ nghiên cứu khoa học.
Thăng trầm theo thời gian, hiện Mo So đang bị xâm hại một cách thô bạo, làm cho những giá trị độc đáo thui chột dần. Không ít những thạch nhũ ở các hang động mất đi và sẽ tiếp tục rơi rụng trong thời gian tới trước sự vô tình của con người. Dưới chân núi Mo So dẫn vào các hang động là những dãy nhà ọp ẹp, hàng quán bày bán nhếch nhác, nhà vệ sinh tạm bợ, môi trường ô nhiễm… Là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhưng Mo So không có điện, nước, nhà nghỉ… Du khách đến đây ra về với nỗi thất vọng ê chề.
Bà Lê Thị Đẹp, khách du lịch đến từ H.Phú Tân (An Giang), nói: “Những lần trước tôi đến Mo So thấy môi trường ô nhiễm, quán xá nhếch nhác. Lần này đến Mo So cũng vẫn y nguyên như vậy”.
Đi cùng đoàn, ông Nguyễn Văn Luông nhận xét: “Lần đầu tiên đến Mo So nhưng tôi chẳng thấy có chút gì gọi là điểm du lịch. Có lẽ du khách đến Mo So chủ yếu là tâm linh hoặc do đồn thổi, thêu dệt những điều kỳ bí. Còn muốn để trở thành điểm du lịch hấp dẫn thì phải đầu tư, tôn tạo”.
Điểm tham quan nhếch nhác
Nhập vào đoàn khách của bà Đẹp, ông Luông, chúng tôi được một người tên Hữu đưa vào tham quan hang động với giá thù lao 5.000 đồng/người. Không một lời “thuyết minh” về những giá trị lịch sử, văn hóa của Mo So, “hướng dẫn viên” này thao thao rao giảng những điều linh thiêng, huyền bí tự đặt ra khi dẫn khách đến trước các bàn thờ: 3 ông Phúc-Lộc-Thọ, Mẹ cứu khổ, Đá kim cương, vòi Rồng… Nhiều người sau đó chẳng chút đắn đo thắp nhang, quỳ lạy, cúng tiền, khấn nguyện... cầu lợi lộc, bình an, may mắn theo chỉ dẫn của người tên Hữu.
Anh Huỳnh Hữu Hạnh (45 tuổi, quê Cà Mau) đến núi Mo So lập nghiệp hơn 3 năm nay, cho biết: “Trong các hang động ở núi Mo So có rất nhiều bàn thờ lập ra cúng thánh thần nhằm đánh vào tâm lý của những người nhẹ dạ cả tin. Tùy theo hình dạng của thạch nhũ, đá trên vách hang động, một số người tưởng tượng ra hình thù tương ứng để đặt tên gắn với một câu chuyện huyền bí, lập bàn thờ để thu lợi bất chính từ khách thập phương”.
Nhiều người dân sống dưới chân núi Mo So cho biết “hướng dẫn viên” tên Hữu tự thu tiền hướng dẫn các đoàn khách tham quan hang động nhiều năm qua nhưng không bị xử lý.
Hơn 20 năm được công nhận di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia, Mo So vẫn còn ở điểm xuất phát và đang biến tướng thành nơi “mua thần, bán thánh”. Năm 2009, UBND tỉnh Kiên Giang đã chấp thuận cho một nhà đầu tư lập dự án hình thành khu du lịch tại núi Mo So nhưng dự án không được triển khai thực hiện.
Đặt những vấn đề bất cập tại Mo So với các ngành chức năng H.Kiên Lương, chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối “phát ngôn”. Lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Kiên Giang thì cho biết đang chờ vốn đầu tư cho Mo So và chưa biết đến bao giờ mới có.
Bình luận (0)