Mô tô bay đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á

23/01/2023 06:00 GMT+7

Nhiều người trẻ chọn những hướng đi độc đáo, đặc biệt trong khởi nghiệp và cuộc sống. Họ quyết tâm hành động, sáng tạo những điều mới, đem lại nhiều giá trị có ích cho cuộc sống. Đó là sản phẩm mô tô bay đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Đang kẹt xe, nếu có một chiếc mô tô cá nhân có thể bay được thì bạn nghĩ thế nào? Đó là kỳ vọng rất lớn của những người trẻ tài năng trong việc giải quyết bài toán giao thông đô thị hiện nay với những chiếc mô tô bay đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Anh Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (thứ 3 từ phải qua), rất ấn tượng khi tham quan mô hình mô tô bay Airlios

Nhật Thịnh

Nhiều người vô cùng thích thú và tò mò với chiếc mô tô bay Airlios - một thương hiệu phương tiện bay cá nhân đã chính thức được ra mắt bởi đội ngũ những bạn trẻ Việt Nam tại triển lãm ô tô Việt Nam 2022.

Tự hào là một thương hiệu công nghệ phát triển, nghiên cứu và sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam, đội ngũ kỹ thuật của Airlios cho ra đời phương tiện bay cá nhân đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, thiết bị đã thử nghiệm hơn 100 giờ bay và di chuyển quãng đường 1.000 km.

Giải quyết bài toán kẹt xe

Anh Mai Thiên Vũ (31 tuổi), Giám đốc công nghệ và kỹ thuật của Airlios, cho biết từ thời còn là sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, mỗi lần đi học từ làng đại học (TP.Thủ Đức) lên trung tâm thành phố bằng xe buýt nếu kẹt xe thì phải hơn 2 - 3 tiếng đồng hồ mới về đến nhà. Những lúc như vậy, Vũ nghĩ: “Nếu sau này đang kẹt xe mà có một chiếc xe có thể bay được và mình bay lên để về nhà thì tốt biết mấy”.

Đội ngũ những người trẻ của Airlios

Nữ Vương

Lúc đó, vì trăn trở vấn đề kẹt xe nên Vũ nghĩ vu vơ như vậy, nhưng sau này ra trường đi làm, gặp được mọi người ở công ty hiện tại thì anh thấy đây chính là nơi để anh cùng mọi người phát triển công nghệ này, cũng như hiện thực hóa những ý tưởng từ thời sinh viên.

Anh Vũ cho hay: “Nghiên cứu về phương tiện bay cá nhân là một xu thế tất yếu của giao thông, từ ngày xưa mình đã tưởng tượng được những tuyến đường hàng không cá nhân, cái này cũng là một mô hình điển hình của tương lai. Nên tụi mình muốn nghiên cứu công nghệ này để giải quyết các bài toán về đô thị, đón đầu xu hướng giao thông đô thị ở Việt Nam”.

Anh Vũ cũng cho biết với phiên bản hiện tại thì mô tô bay có thể chở được 1 người, trọng lượng tối đa 100 kg, tốc độ bay tối đa 100 km/giờ, có thể bay được 33 km trong vòng 20 phút và kết thúc một lần sạc điện, bay ở độ cao 120 m trở xuống. Một số điểm nổi bật khác là thiết kế của phiên bản này được làm bằng hợp kim nhôm kết hợp với sợi carbon, đây là những vật liệu siêu nhẹ và bền nhất hiện nay. Được lắp 8 mô tơ điện không chổi than, tổng công suất 37,5 mã lực, cất cánh sau 10 giây từ phương thẳng đứng.

“8 động cơ như vậy sẽ bổ trợ cho nhau, chẳng hạn như 1, 2 hay 3 động cơ gặp vấn đề thì các động cơ còn lại vẫn có thể điều khiển máy bay tiếp đất một cách an toàn nhất, bảo đảm an toàn cho hành khách”, anh Vũ phân tích và cho biết bộ 8 pin lithium-ion 27.000 mAh độc lập, cung cấp điện cho 8 mô tơ chia đều ở 4 trục để dự phòng trường hợp một pin bị sự cố vẫn cho phép máy bay đáp an toàn. Với trạm sạc DC công suất 30 kW, tổng thời gian sạc đầy pin từ 7 - 9 phút.

Sẽ phổ biến tại Việt Nam trong vài năm tới

Khi được trực tiếp thấy chiếc mô tô bay tại triển lãm, nhiều bạn trẻ vừa thích thú, vừa tò mò nhưng cũng còn nhiều băn khoăn về vấn đề an toàn khi sử dụng phương tiện này. Về khía cạnh trên, anh Vũ khẳng định vấn đề an toàn của người sử dụng luôn được đặt lên hàng đầu trong quá trình nghiên cứu.

“Mô tô được thiết kế với các khả năng thực hiện lập kế hoạch đường bay tự động, công nghệ này được hỗ trợ bởi nhiều cảm biến cùng làm việc để tạo ra những phép đo chính xác, hỗ trợ giám sát mặt đất, hỗ trợ quay trở lại và liên lạc với trung tâm điều hành trong thời gian thực (tức truyền liên tục) với khoảng cách 100 km. Hệ thống cảm biến radar và camera hình vòm (tức là xung quanh máy bay) để phát hiện vật cản, các tín hiệu về môi trường, thời tiết, địa hình, về trục gió… ngay lập tức được truyền thẳng về trung tâm điều hành”, anh Vũ khẳng định.

Anh Vũ cũng cho biết trung tâm điều hành sẽ luôn tiếp nhận và phân tích những tín hiệu này. Khi có bất kỳ tín hiệu nào bất thường thì máy bay sẽ phát hiện ra ngay và nhanh chóng tìm bãi đáp gần nhất để hạ cánh. Các sân bay, bãi đáp được triển khai trên suốt tuyến đường của mô tô bay.

Để mô tô có thể bay thẳng, anh Vũ cho biết tốc độ của cánh quạt phía trước chậm lại trong khi các cánh quạt phía sau tăng tốc. Nguyên tắc bay này của mô tô cũng giúp tạo ra chuyển động liệng, nghiêng và đảo. Lực nâng không cân bằng giữa các cánh quạt bên trái và phải giúp mô tô trở nên cơ động, linh hoạt hơn.

“Bằng cách điều khiển tốc độ của 8 động cơ một chiều không chổi than theo thuật toán thông minh, mô tô bay có thể đối mặt với bất kỳ môi trường thách thức nào”, anh Vũ chia sẻ.

Cũng theo anh Vũ, hiện đã xin được giấy phép bay thử nghiệm ở khu vực bay an toàn mà nhà nước cho phép, sản phẩm đã đăng ký thương hiệu ở Cục Sở hữu trí tuệ, và đang trong quá trình xin giấy phép thương mại hóa sản phẩm, cũng như làm việc với Bộ Quốc phòng xin giấy phép cất cánh. Đội ngũ đang nghiên cứu thêm các phiên bản chở được 2 người và 4 người, những phiên bản này cũng sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới.

“Tụi mình rất tự tin là trong vòng 2 - 5 năm tới mô tô bay sẽ phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới. Tụi mình cũng tự tin sẽ có những sản phẩm đột phá không thua gì những nước bên châu Mỹ, châu Âu và tụi mình sẽ chứng minh điều này cho mọi người thấy”, Vũ tâm đắc, đồng thời cho biết mong muốn dự án thành công để người dân có thể tiếp cận được những công nghệ mới, nâng cao được chất lượng đời sống và muốn chứng minh cho thế giới thấy Việt Nam mình không thua gì so với các cường quốc khác trong lĩnh vực này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.