Sự phát triển của công nghệ đang làm thay đổi các mô hình đào tạo và ảnh hưởng đến chiến lược của các tổ chức giáo dục.
Dù còn nhiều tranh cãi nhưng các khóa học đại trà trực tuyến mở vẫn thu hút nhiều người tham gia - Ảnh: Shutterstock |
Các khóa học đại trà trực tuyến mở (Massive Open Online Course - MOOC) đã phát triển rầm rộ ở nhiều nước, nay dần phổ biến ở VN.
Học với giáo sư nổi tiếng của Mỹ ngay tại VN
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh văn phòng Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, các khóa học đại trà trực tuyến mở do các GS Trường ĐH Stanford (Mỹ) tiên phong. Như tên gọi của nó, đây là khóa học trực tuyến nhắm tới số lượng lớn người tham gia trên phạm vi rộng lớn, được truy cập miễn phí qua mạng internet (tính mở). Do học trực tuyến, mỗi khóa học có thể thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người tham dự trên toàn thế giới. Hầu hết các khóa học MOOC là phi tín chỉ và học viên sau khi hoàn thành khóa học có thể được cấp chứng nhận. MOOC chính là một hình thức phát triển của loại hình đào tạo đại học từ xa.
Mỗi khóa học hình thức trên gồm tài liệu, hướng dẫn, các đoạn phim bài giảng chất lượng cao và chuyên nghiệp do nhiều giáo sư của các trường ĐH danh tiếng tham gia. Ngoài ra còn có các bài tập hay bài kiểm tra giúp người học tăng cường việc hiểu và nhớ bài. Tính mở của khóa học còn thể hiện ở khả năng gắn kết và tương tác giữa người dùng - học viên, giảng viên, trợ giảng - qua hình thức diễn đàn trao đổi.
Ở VN, một số tổ chức đã bắt đầu triển khai chương trình này khi nhận thức được vai trò quan trọng của MOOC. Năm 2014, sau một thời gian nghiên cứu và chuẩn bị, Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM quyết định áp dụng MOOC. Ông Joseph Freeman, Tùy viên báo chí, cho biết: “Các khóa học từ xa là một cách tuyệt vời để tận dụng kiến thức từ nước Mỹ mà không cần phải bay đến 28 tiếng để học. Mục tiêu của chúng tôi là giúp mọi người phát triển kỹ năng và khả năng của mình khi nền kinh tế của VN ngày càng tích hợp với thế giới rộng lớn hơn. Chúng tôi chọn một cấu trúc thích hợp cho VN, cho phép người học sắp xếp lịch làm việc trong khi vẫn đều đặn tham gia vào các cuộc thảo luận”.
Hiện nay Đại sứ quán Mỹ đã thành lập được 10 trung tâm MOOC, tập trung vào nội dung phân tích các xu hướng kinh doanh. Đồng thời các khóa học về đổi mới, kỹ năng nói trước công chúng, giảng dạy tiếng Anh, viết bằng tiếng Anh… vẫn tiếp tục được bổ sung. Tất cả các khóa học được miễn phí và mở cửa cho công chúng.
MOOC của VN
Tháng 8.2013, tiến sĩ Giáp Văn Dương ra mắt Cổng giáo dục trực tuyến Giapschool. Theo ông, đây là một khóa học trực tuyến mở, hoàn toàn miễn phí, nghĩa là một chương trình MOOC tại VN. Sau 2 năm hoạt động, Giapschool đã được rất nhiều người biết đến. Trên website, đã có hơn 10.500 học viên tham gia. Hàng chục khóa học liên tục được tổ chức với sự tham gia giảng dạy miễn phí của nhiều giảng viên có tên tuổi.
Trong hệ thống các trường ĐH, khối giáo dục của Trường ĐH FPT đã áp dụng MOOC từ tháng 5.2015 và xem đây là ưu tiên hàng đầu trong chương trình đào tạo của trường này trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, hiện tại chương trình này mới được áp dụng trong nội bộ. Sau một thời gian, khi áp dụng hoàn thiện, sẽ “mở” cho tất cả mọi người.
Từ học kỳ 2 năm học này, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM sẽ bắt đầu thử nghiệm chương trình tích hợp bài giảng trên Khan Academy, một trường học trực tuyến nổi tiếng trên thế giới, cho sinh viên trường ĐH này. Đây là một chương trình dạy toán và các môn khoa học miễn phí từ lớp 1 đến ĐH (cơ bản) đã được Việt hóa bằng các đoạn phim và bài giảng ngắn.
Ngoài ra, chương trình còn đang thí điểm các môn học đại cương cho sinh viên nhà trường. Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, lợi ích của dự án này là sinh viên sẽ vừa học trên lớp vừa đối chiếu bài giảng, bài tập với Khan Academy, tăng khả năng tiếng Anh và hướng đến tiệm cận với chuẩn thế giới.
Vẫn nhiều ý kiến trái chiều
Tháng 10.2015, trang web Inside Higher Ed công bố một khảo sát về thái độ của giảng viên, nhân viên các khoa chuyên môn ở các trường ĐH của Mỹ đối với công nghệ, trong đó có một phần quan trọng về các khóa học kiểu MOOC.
Kết quả khảo sát cho thấy 58% người trả lời MOOC sẽ đe dọa vai trò của các khoa chuyên môn truyền thống trong khi 42% còn lại nghĩ rằng cách học này giúp sinh viên có thêm nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, hầu hết những người tham gia khảo sát đều thừa nhận những chương trình này sẽ không cùng chất lượng với chương trình mà giảng viên và sinh viên tương tác trực tiếp theo kiểu truyển thống.
Nhiên An
|
Bình luận (0)