Không ai làm được?
Nghị định 08/2022/NĐ-CP được ban hành vào ngày 10.1.2022, quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ môi trường, đến nay chỉ mới được hơn 1 năm đã cho thấy nhiều bất cập, vướng mắc trong việc thực thi. Cụ thể, việc giết mổ gia súc quy mô từ 10 đến dưới 100 con/ngày, giết mổ gia cầm từ 100-1.000 con/ngày được xếp vào nhóm gây ô nhiễm môi trường công suất nhỏ. Nghĩa là giết mổ từ 10 con heo hay từ 100 con gà trở lên phải xin giấy phép môi trường do UBND cấp huyện thực hiện. Nếu dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường như nội thành, nội thị… thì bị xếp vào nhóm II, nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường với quy định phải làm giấy phép môi trường do UBND tỉnh cấp phép. Trong đó phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường như có công trình, biện pháp thu gom nước thải, có kế hoạch quản lý và giám sát môi trường.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều địa phương cho biết gặp rất nhiều khó khăn vì tiêu chuẩn quá cao và có nhiều điểm bất hợp lý. Ông N.N.T, giám đốc một doanh nghiệp chuyên tư vấn môi trường tại Hà Tĩnh, chia sẻ: "Sau khi tư vấn cho một số trang trại ở các huyện Kỳ Anh, Can Lộc và Hương Khê, tôi nhận thấy thực trạng phổ biến hiện nay là hầu hết các trang trại trên địa bàn Hà Tĩnh xây dựng không đúng quy hoạch nên khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép mất nhiều thời gian, kinh phí". Đơn cử như Công ty CP Chăn nuôi Mitraco thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép môi trường, ngoài tốn kém tiền bạc, việc bổ sung, điều chỉnh các hạng mục công trình, hồ sơ cũng mất rất nhiều thời gian. Ngoài đầu tư nhiều tỉ đồng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, trang trại này còn phải điều chỉnh lại quy hoạch khớp với thực tế. Các hồ, bể, chuồng ở vị trí nào, khoảng cách bao nhiêu đều phải đúng quy hoạch 100%. Sau khoảng thời gian 1 năm hoàn tất thủ tục, công ty này mới được cấp giấy phép môi trường và đây cũng là một trong số ít những đơn vị được cấp giấy phép này tại Hà Tĩnh. "Công ty lớn mà còn vất vả như vậy thì các đơn vị nhỏ lẻ yêu cầu họ cũng thực hiện việc tương tự là điều ngoài tầm tay", ông T. nhận xét.
Theo nhiều người, điều bất hợp lý nhất là quy định quy mô giết mổ, gia súc từ 10 con, gia cầm từ 100 con trở lên cũng phải làm giấy phép môi trường, trong khi đó việc báo cáo, các yêu cầu để xin giấy phép này hết sức nhiêu khê. Một chuyên gia về môi trường (xin được giấu tên) phân tích: "Sau một thời gian áp dụng vào thực tế, rõ ràng nghị định này có những điều chưa được hợp lý, nhất là các quy định về quy mô. Nếu chỉ nuôi 10 con bò hoặc giết mổ trung bình 10 con heo hay 100 con gà/ngày mà phải đến UBND huyện để xin giấy phép môi trường với hàng loạt các điều kiện rất khó đáp ứng thì không nơi nào làm được".
Nên siết để đảm bảo vệ sinh thực phẩm
Ngược lại, ông Đàm Văn Hoạt, chủ một doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giết mổ, khẳng định việc yêu cầu các hộ chăn nuôi, giết mổ quy mô nhỏ phải đảm bảo điều kiện bảo vệ môi trường là chủ trương đúng để hướng dần lĩnh vực giết mổ chuyển sang quy mô hiện đại, công nghiệp. Có thể trong quá trình triển khai thì hình thức giết mổ nhỏ lẻ vẫn còn khá phổ biến ở các vùng miền khác nên buộc phải sửa đổi cho phù hợp. "Nhưng về lâu dài, tôi vẫn ủng hộ phải siết dần điều kiện hoạt động của các lò giết mổ thủ công, tiến dần đến giết mổ công nghiệp để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu chính xác hơn, nghị định này nên có những ngoại lệ dành cho các vùng, địa phương đã tiến lên quy mô công nghiệp và hiện đại, vì có những nơi như TP.HCM hay Đồng Nai có thể đáp ứng được các yêu cầu này", ông Hoạt góp ý.
Bộ TN-MT vừa có văn bản số 3016 gửi UBND các tỉnh, thành phố lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 08 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ môi trường. Theo Bộ TN-MT, nội dung sửa đổi chủ yếu tập trung vào quy mô, công suất các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hướng sửa đổi sẽ là tăng thẩm quyền cho địa phương trong việc cấp phép, quản lý môi trường các dự án này.
Hai loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được sửa đổi trong nghị định gồm chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp và sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử. Với ngành chăn nuôi gia súc sẽ sửa đổi theo hướng dự án công suất nhỏ dự kiến sẽ có quy mô 10-300 đơn vị vật nuôi (quy định hiện tại là 10-100 đơn vị vật nuôi). Công suất trung bình sẽ từ 300-3.000 đơn vị vật nuôi (quy định hiện tại là 100-1.000 đơn vị vật nuôi), công suất lớn là từ 3.000 đơn vị vật nuôi.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: Tại tỉnh Đồng Nai, nơi được coi là thủ phủ chăn nuôi thì đặc thù khác hơn các địa phương khác, trong đó các cơ sở giết mổ được bố trí vào các vùng quy hoạch và được xem là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Nếu các doanh nghiệp đầu tư giết mổ thì phải đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chí của địa phương, và đã đầu tư vốn lớn thì không ai lại đưa vào quy mô nhỏ. "Đúng là giết mổ nhỏ lại bắt họ phải làm hồ sơ đầy đủ giống y như quy mô công nghiệp thì hoàn toàn bất khả thi. Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm nhưng thật sự các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ quan tâm nhất hiện nay là nợ ngân hàng, tình hình tiêu thụ khó khăn kéo dài mà ngân hàng không có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi thì sắp tới sẽ có nhiều trang trại phá sản", ông Công lo ngại.
Với TP.HCM, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, thông tin: "Hiện nay lĩnh vực giết mổ gia súc tại TP.HCM đang tiến đến loại bỏ hoàn toàn cơ sở giết mổ thủ công, chuyển sang mô hình giết mổ công nghiệp. Định hướng trong thời gian tới là chủ động cung cấp toàn bộ lượng thịt heo cho người tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM thông qua các lò giết mổ hiện đại. Đối với việc góp ý để sửa đổi Nghị định 08, hiện nay Sở NN-PTNT thành phố chưa nhận được văn bản, tuy nhiên việc sửa đổi này cũng không gây ra ảnh hưởng lớn đến việc giết mổ trên địa bàn vì TP.HCM đã chuyển toàn bộ sang giết mổ công nghiệp. Đối với các trang trại chăn nuôi, chủ trương của thành phố là giảm dần quy mô chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, phát triển chăn nuôi quy mô lớn".
Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, tổng đàn heo trên địa bàn thành phố hiện khoảng 138.965 con, được nuôi tại hơn 1.477 hộ, cơ sở chăn nuôi heo. So với cùng kỳ năm 2022, tổng đàn heo tại các cơ sở chăn nuôi giảm 15,6% và giảm 16,17% số hộ chăn nuôi do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, bên cạnh đó đầu ra và giá bán đều rất thấp.
Bình luận (0)