Mốc son Lũng Nặm

05/03/2019 07:27 GMT+7

Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hướng tới biên giới luôn là sự quan tâm của Báo Thanh Niên từ nhiều năm nay.

3 giờ sáng ngày 3.3, ông Lãnh Đức Hải (60 tuổi, ở TT.Nguyên Bình, H.Nguyên Bình, Cao Bằng) đã đánh thức con trai dậy, bắt chở lên biên giới Lũng Nặm. Ông bảo: “Mấy chục năm nay, chú Duy (liệt sĩ Lãnh Đức Duy - PV) mới chính thức được ở nhà mới” và thở dài: “Chú ấy hy sinh khi mới 17 tuổi, khi đánh trả quân Trung Quốc xâm lược”.
“Nhà mới” mà ông Hải nhắc đến là nhà bia tưởng niệm - ghi tên 13 liệt sĩ Đồn biên phòng (ĐBP) Lũng Nặm hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, vừa được Báo Thanh Niên và Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng xây dựng, khánh thành sáng 3.3.

Tuổi 20 bất tử

Ông Hải kể: Nhà có 6 anh chị em, trong đó anh Duy là con thứ ba. Tháng 3.1983, khi mới 17 tuổi, Duy đã khai tăng năm sinh từ 1966 thành 1965 trong lá đơn tình nguyện nhập ngũ, để đủ điều kiện xét tuyển vào bộ đội.
Tháng 9.1983, khi UBND xã Thể Dục (H.Nguyên Bình) có giấy gọi, cả nhà ngã ngửa hỏi, anh Duy chỉ cười hiền: “Bố đã đi bộ đội đánh Mỹ, giờ Trung Quốc xâm lược đến tận quê mình, sao phải chờ đến lúc gọi đi?”. Vác ba lô lên đường từ tháng 9.1983, thi thoảng gia đình mới nhận được lá thư anh Duy gửi và từ cuối tháng 8.1984, bặt không có tin tức của anh.
Cuối tháng 9.1984, hôm ấy tình cờ ông Lãnh Đức Hải đi qua bưu điện xã, cô nhân viên bưu điện đưa cho ông tờ báo trong đó có bài viết Biên cương phía bắc anh hùng - 1 trận đánh hay. Bài báo viết về trận chiến đấu của các chiến sĩ chốt cảnh giới Nhị Đú (Vân An, H.Hà Quảng, Cao Bằng) đánh trả 1 tiểu đoàn quân Trung Quốc, rạng sáng ngày 23.8.1984, trong đó có đoạn: “Lãnh Đức Duy, một đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh chưa đầy 20 tuổi, quê ở H.Nguyên Bình vừa bàn giao phiên gác cuối cùng, nghe tiếng súng báo động đã vùng dậy rất nhanh, xách khẩu trung liên vọt ra khỏi nhà tạm. Đặt súng lên mô đá, anh nhằm toán địch đông nhất nổ súng khiến đội hình đang định lao lên bắt sống bộ đội ta, gục xuống như ngả rạ... Lãnh Đức Duy ôm trung liên cơ động khắp trận địa, tiêu diệt nhiều tên địch khiến chúng tức tối, tập trung hỏa lực vào phía Duy. Một quả đạn cối nổ ngay cạnh Duy khiến anh ngã xuống, máu chảy tràn trên khuôn mặt vẫn còn măng tơ. Khắp trận địa hô vang: “Trả thù cho Duy!” và đánh trả mãnh liệt quân xâm lược khiến chúng khiếp sợ, phải rút lui về bên kia biên giới...”.
“Bố tôi trước khi mất trăng trối đưa em Duy về nghĩa trang Nguyên Bình cho gia đình gần nhau, mà mãi chưa làm được”, ông Hải nghẹn ngào.
Trận chiến đấu sáng sớm ngày 23.8.1984 ở chốt Nhị Đú của các chiến sĩ ĐBP Lũng Nặm đã ngăn chặn ý đồ chiếm đất vùng biên của quân Trung Quốc. Nhưng trong trận đánh, 4 chiến sĩ ĐBP Lũng Nặm đã hy sinh, gồm: binh nhất Lãnh Đức Duy (quê H.Nguyên Bình); binh nhất Đỗ Văn Khanh, Trần Văn Cường (cùng quê Trung Sơn, Việt Yên, Bắc Giang), Nông Văn Kỳ (Dân Chủ, Hòa An, Cao Bằng). Thi hài họ được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ H.Hà Quảng.
Thiếu tá Hoàng Văn Lớ, nguyên Đồn trưởng ĐBP (thời điểm 1982 - 1987), kể lại: Đêm 16.2.1979, nhận được tin báo phía Trung Quốc tập trung quân dọc biên giới, có dấu hiệu tấn công sang nước ta, trung úy Nông Quang Việt, Đồn trưởng công an nhân dân vũ trang Nặm Nhũng (nay là ĐBP Lũng Nặm), dẫn một tổ công tác lên tăng cường cho Trạm Nậm Rằng nằm sát biên giới.
Khoảng 3 giờ sáng 17.2.1979, vừa đến ngã ba Thiêng Hoài, tổ công tác chạm trán lính trinh sát Trung Quốc. Sau vài phút chiến đấu, Đồn trưởng Nông Quang Việt (khi ấy 35 tuổi, quê Phù Ngọc, Hà Quảng) và binh nhất Hà Văn Dân (18 tuổi, quê Thể Dục, Nguyên Bình) hy sinh. Đây là 2 người lính biên phòng ngã xuống đầu tiên trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Tiếng súng của các anh báo động cho cả tuyến sau.
Mốc son Lũng Nặm1
Các đại biểu trồng cây tại khuôn viên nhà bia tưởng niệm
Mất yếu tố bất ngờ, 4 giờ sáng 17.2.1979, phía Trung Quốc ầm ầm nã pháo và xua bộ binh tấn công vào doanh trại đồn. Cuộc chiến đấu của gần 40 người lính biên phòng đánh trả cả trung đoàn bộ binh có sự yểm trợ của pháo binh kéo dài đến ngày hôm sau. Chiều 18.2.1979, 2 xạ thủ đại liên Ngô Châu Long (quê Xuân Cẩm, Hiệp Hòa, Bắc Giang) và Phùng Văn Xít (quê Kiến Thành, Lục Ngạn, Bắc Giang), vừa tròn 20 tuổi, hy sinh khi đã bắn đến viên đạn cuối cùng.
Ông Phùng Văn Thánh, em của liệt sĩ Phùng Văn Xít, năm nay đã gần 60 tuổi, kể: Anh Xít hy sinh năm 1979 nhưng 20 năm sau gia đình mới có dịp lên Hà Quảng thăm mộ. 10 năm sau đó (2009), nhân dịp công tác lên Cao Bằng, ông Thánh mới vào được nơi anh mình đã ngã xuống để thắp hương tưởng nhớ. “Chỗ anh Xít hy sinh là mỏm núi đá cạnh ĐBP, lúc ấy cứ ước có một mái nhà bia ghi tên tuổi anh mình và đồng đội anh đã hy sinh, để sau này con cháu biết mà lên thắp hương cho bác đỡ lạnh”, ông Thánh kể.

Những tấm lòng trong vạn tấm lòng

Hôm khánh thành nhà bia tưởng niệm - ghi tên 13 liệt sĩ ĐBP Lũng Nặm hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, đại tá Ma Quang Nghị, nguyên Chính trị viên ĐBP Lũng Nặm thời điểm 1982 - 1987, nhờ cháu trai chạy xe từ H.Chợ Đồn (Bắc Kạn) lên biên giới Lũng Nặm. Từ trưa đến đêm, ông mới lên tới ĐBP Lũng Nặm.
Cả đêm 2.3, ông chập chờn nửa thức nửa ngủ nhưng sáng 3.3 dậy rõ sớm, ra nhà bia mới xây, tỉ mẩn ngắm vuốt từng đoạn tường bao, viên gạch lát, mái nhà cong, bia đá nguyên khối đen bóng, tạc tên 13 người ngã xuống. “Giờ có bia đá ghi công thế này, người chỉ huy như chúng tôi cũng được an ủi, thôi đau đáu lo mình chưa chu toàn hồi gian khó”, đại tá Nghị tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó chủ tịch UBND H.Hà Quảng, bảo: Trên vùng biên giới toàn núi đá, thiếu từ nước sinh hoạt cho đến nắm đất trồng cấy như vùng “lục khu” của Hà Quảng, việc xây dựng công trình khó gấp chục lần dưới xuôi. Chỉ BĐBP và Báo Thanh Niên mới làm được những điều tưởng như không thể.
“Đây không chỉ là nhà bia tri ân những người đã ngã xuống, mà từ hôm nay, còn là địa điểm ôn lại truyền thống, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước và ý thức bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc cho thế hệ trẻ địa bàn và du khách đến với cội nguồn cách mạng Hà Quảng. Những tấm lòng của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên Báo Thanh Niên góp xây công trình nhà bia tưởng niệm - ghi tên các liệt sĩ ĐBP Lũng Nặm là minh chứng rõ nhất về lòng yêu quê hương đất nước và thiết thực hưởng ứng Tháng Thanh niên và Mùa xuân biên giới 2019 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động”, bà Nguyễn Thị Phương nói.
Ngày 3.3.2019, tại xã Lũng Nặm (H.Hà Quảng), Báo Thanh Niên và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng đã làm lễ khánh thành nhà bia tưởng niệm - ghi tên 13 liệt sĩ ĐBP Lũng Nặm đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc.
Mốc son Lũng Nặm2
Chị Đặng Thị Phương Thảo, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên tặng quà các học sinh nghèo vượt khó ở khu vực biên giới do ĐBP Lũng Nặm quản lý
Phát biểu tại buổi lễ, chị Đặng Thị Phương Thảo, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết: “Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hướng tới biên giới luôn là sự quan tâm của Báo Thanh Niên từ nhiều năm nay. Cùng với việc chung tay cùng BĐBP Cao Bằng xây dựng nhà bia tưởng niệm - ghi tên liệt sĩ ĐBP Lũng Nặm, trong tháng 2 và 3.2019, hưởng ứng Tháng Thanh niên và Mùa xuân biên giới 2019 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, Ban Biên tập báo cũng đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các vùng biên giới, như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Kon Tum, Bình Phước... để thăm hỏi tặng quà quân và dân các địa bàn biên giới”.
Cũng tại buổi lễ, Báo Thanh Niên đã tặng 30 suất học bổng cho 30 học sinh nghèo vượt khó của 3 xã biên giới: Lũng Nặm, Văn An, Kéo Yên (Hà Quảng, Cao Bằng); tặng 13 phần quà cho thân nhân 13 liệt sĩ và quà tặng ĐBP Lũng Nặm... với tổng số tiền 44 triệu đồng.
Đồng hành cùng Báo Thanh Niên, Công ty CP thương mại - tổng hợp Cao Bằng và Công ty CP phát triển xây dựng Cao Bằng cũng tặng quà cho 20 học sinh nghèo vượt khó của 3 xã biên giới trên, với số tiền gần 20 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.