'Móc túi' người dân

13/05/2015 06:05 GMT+7

Nhiều bạn đọc sau khi đọc các bài viết Sao phải trả tiền cho điện thất thoát? và Độc quyền thị trường đăng trên Thanh Niên ngày 12.5 bức xúc cho rằng các ngành điện, nước đã “móc túi” người dân.

Nhiều bạn đọc sau khi đọc các bài viết Sao phải trả tiền cho điện thất thoát?Độc quyền thị trường đăng trên Thanh Niên ngày 12.5 bức xúc cho rằng các ngành điện, nước đã “móc túi” người dân.

Độc quyền nên làm gì cũng được
Không có ngành nào kinh doanh sướng bằng ngành điện: lấy tiền của dân đầu tư hạ tầng, rồi bán điện cho dân thu tiền, rồi thất thoát điện năng cũng tính vào giá bán… Không có gì phi lý bằng! Chỉ có độc quyền có thể làm được như vậy, rốt cuộc thì mọi thứ dân đều phải gánh chịu.
Dũng Toàn
([email protected])
Quá yếu kém !
Để thất thoát điện năng đến hơn 16,54 tỉ Kwh chứng tỏ quản lý của EVN quá yếu kém. Chính phủ đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng đến năm 2010 xuống 8% tất nhiên là có cơ sở, vậy mà EVN vẫn không đạt như mục tiêu đề ra, đến năm 2014 vẫn còn tổn thất 8,7% và giá điện cứ tăng, đánh vào túi tiền của người tiêu dùng, gây thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến tiền bạc và niềm tin của người dân…
Trần Thành
([email protected])
Khởi kiện, tại sao không ?
Người tiêu dùng phải trả tiền do lỗi của doanh nghiệp. Nếu người dân không trả khoản tiền thất thoát điện và các doanh nghiệp khởi kiện EVN vì thu tiền của họ vô lý thì sao?
Nguyễn Lâm
([email protected])
Xóa ngay độc quyền ngành điện
Làm ăn bết bát nhiều năm như vậy nhưng EVN lại không có biện pháp chấn chỉnh, chỉ nhăm nhe thu tiền của dân với giá bán điện cao, rồi lại thu luôn cả tiền thất thoát điện do mình quản lý và vận hành yếu kém, vậy là do đâu? Theo tôi, cần xóa ngay cơ chế độc quyền của ngành điện để không còn cảnh “vừa đá bóng vừa thổi còi” như vậy.
Lâm Khanh
([email protected])
 
Người dân phải gánh giá điện, giá nước cao, bao gồm cả lượng điện, nước thất thoát là một nghịch lý lớn. Lý giải điều này không khó, bởi ai cũng biết ngành điện, nước hiện đang ở thế độc quyền, thiếu minh bạch, thiếu sự giám sát.
Mai Thị Giang
(Q.Tân Bình, TP.HCM)
 
Việc thất thoát điện, nước phải truy trách nhiệm của người quản lý, chứ không thể đổ gánh nặng lên giá cả buộc người tiêu dùng gánh chịu. Chuyện này xảy ra nhiều năm nay nhưng không khắc phục được, thử hỏi quản lý điều hành kiểu gì?
Bùi Quốc Tuấn
(H.Đức Hòa, tỉnh Long An)
 
Trong kinh doanh, một số chi phí về quản lý có thể được hạch toán vào giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, thất thoát điện nước với con số lớn như hiện nay là thuộc trách nhiệm của ngành, nếu đưa vào giá thành để dân gánh chịu là vô lý, nhưng người dân đành phải chấp nhận do cơ chế độc quyền.
Lẽ ra, ngành điện, nước phải dùng lợi nhuận để tái đầu tư vào hệ thống hạ tầng, nâng cao chất lượng quản lý nhằm giảm thất thoát. Nếu cứ tính vào giá thành, buộc người dân phải chịu thì làm sao tạo được động lực để ngành khắc phục. Thậm chí, ngay cả những con số thất thoát này cũng chưa được minh bạch nên giả thiết ngành điện, nước cố tình tạo ra thất thoát ảo để móc túi người dân là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Luật sư Nguyễn Trung Chính
(Đoàn luật sư TP.HCM)
An Phong - Bùi Chiến - Hải Nam
(thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.