Mời 58 hãng tàu lên làm việc về phế liệu tồn đọng

02/10/2018 20:08 GMT+7

Thông tin từ Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1, đến ngày 2.10, Cảng Cát Lái tồn khoảng 4.000 container, trong đó, số tồn quá 90 ngày hơn 3.000 container chủ yếu là phế liệu.

Hơn 3.000 container phế liệu vô chủ tại cảng Cát Lái
Bà Phạm Thị Lèo, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, số container tồn đọng tại cảng không cố định do doanh nghiệp làm thủ tục nhận hàng về hằng ngày, có hôm tồn đến gần 5.000 container. Tuy nhiên, lượng tồn quá 90 ngày tương đối ổn định và được coi như vô chủ khi không có cá nhân, đơn vị nào nhận từ ngày cơ quan hải quan phát thông báo.
Song song với việc thực hiện thống kê, kiểm đếm số hàng tồn đọng này, hải quan cảng Cát Lái cũng đã thực hiện việc mời 58 hãng tàu vận chuyển hơn 3.000 container phế liệu đang tồn đọng tại cảng đến làm việc. Bà Phạm Thị Lèo cho rằng, việc thông báo này nhằm xác định trách nhiệm của các chủ hãng tàu và thông báo truyền đạt Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tăng cường quản lý phế liệu.
“Các thông tin chúng tôi truyền đạt cho các hãng tàu đúng trên theo quy định của luật Hải quan 2014 và luật Hàng hải 2005”, bà Lèo nhấn mạnh. Theo đó, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thì chủ phương tiện vận tải hay người điều khiển phương tiện vận tải phải có trách nhiệm chở hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, trách nhiệm của người vận chuyển được duy trì suốt quá trình vận chuyển và chấm dứt khi kết thúc việc trả hàng tại cảng. “Các container phế liệu đang tồn tại cảng không có người nhận, tức việc trả hàng chưa kết thúc nên đơn vị vận chuyển là các chủ hãng tàu phải có trách nhiệm với hàng hóa họ chở tới”, bà Leo phân tích.
Với các lô hàng rác phế liệu, chủ hãng tàu phải có trách nhiệm tái xuất hoặc tiêu hủy Ngọc Linh
Không tái xuất được, chủ tàu phải chịu trách nhiệm tiêu hủy
Tuy nhiên, theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, đa số đại diện các hãng tàu là các trưởng phó phòng đến làm việc nên vẫn chưa giải quyết được gốc của vấn đề. Bà Lèo thông tin: “Họ hứa sẽ về báo cáo lại lãnh đạo cao hơn để cùng phối hợp cơ quan quản lý giải quyết. Một số chúng tôi xác định là rác phế liệu, buộc các hãng tàu phải chở ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, một số đại diện hãng tàu cũng cho rằng, khó để chở rác phế thải này ra đến quốc gia khác. Vì thực tế không ai cho chở vào nước họ lượng rác phế thải này. Nên giải pháp là chính các hãng tàu phải chịu mọi chi phí cho việc tiêu hủy theo luật xử lý vi phạm”.
Bà Lèo cũng cho hay, do lượng hàng tồn đọng quá lớn, nên việc các cơ quan liên ngành đang tiến hành phân loại các loại phế liệu này để tiến hành buộc các chủ hàng tiêu hủy, tái xuất hay cho bán đầu giá theo Thông tư 203/2014 về xử lý hàng tồn đọng vẫn chưa thực hiện sớm được.
Trước đó, chiều 1.10, trong cuộc họp Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thông tin, hiện có gần 5.000 container phế liệu vô chủ, chiếm hơn 32% container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển trên cả nước. Đặc biệt, có đến 158 tổ chức, cá nhân nhập khẩu đứng tên nhập khẩu phế liệu nhưng không có giấy xác nhận theo luật định. Cơ quan hải quan đang xác minh những trường hợp này, nếu phát hiện vi phạm có tổ chức trong buôn lậu phế liệu, sẽ xử lý nghiêm theo luật định.
Về hướng xử lý lượng hàng tồn nói chung, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu cá nhân, doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất, sẽ cho thông quan theo quy định. Với các lô hàng phế liệu vô chủ, nhưng sản phẩm gây độc hại sẽ phân loại để đưa vào các nhà máy xử lý chất thải nguy hại. Còn phế liệu có thể tái sử dụng trong sản xuất, sẽ tổ chức hội đồng bán đấu giá, lấy tiền đó thanh toán cho việc xử lý tiêu hủy hàng phế liệu tồn. Ngoài ra, với các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường sẽ áp dụng Nghị định 155/2016 buộc tái xuất hoặc tiêu hủy và mọi chi phí do tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm thanh toán theo quy định.
Còn Bộ Tài chính cũng đã làm việc với Tổng cục Hải quan và các cục hải quan có cảng biển đang tồn hàng phế liệu tại cảng yêu cầu cần có thêm giải pháp cụ thể để giải quyết lượng rác phế liệu khổng lồ này. Đặc biệt lưu ý với hải quan các địa phương thống nhất biện pháp quản lý phế liệu nhập khẩu, ngăn chặn tình trạng bịt ở địa phương này, nhưng lại phình ra ở địa bàn khác. Cũng trên tinh thần Chỉ thị 27, Bộ Tài chính “lệnh” các cơ quan hải quan kiên quyết không cho dỡ hàng xuống cảng với các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện. Các đại lý, hãng tàu phải có thông tin về doanh nghiệp, số giấy xác nhận được phép nhập phế liệu, mã số thuế, địa chỉ doanh nghiệp… trên e-Manifest đầy đủ trước khi cập cảng.
Theo Chỉ thị 27/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập làm nguyên liệu sản xuất, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương phải có giải pháp ngăn chặn từ xa việc nhập rác phế liệu gây ô nhiễm môi trường. Yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng và các địa phương, tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện nhập phế liệu, rà soát phế liệu tồn đọng tại các cảng… và có báo cáo Chính phủ trong quý 4 năm nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.