Tiết kiệm điện thành thói quen: Những chuyện hay tôi kể

Mỗi bài dự thi như một 'cẩm nang' sử dụng điện tiết kiệm

13/08/2024 11:39 GMT+7

1. Trong thời đại chúng ta đang sống, có lẽ nhiều người đã suy nghĩ về "hiệu ứng cánh bướm" (butterfly effect).

Có thể hiểu đơn giản qua cách diễn đạt hết sức ấn tượng: "Giả định rằng một con bướm đang đập cánh ở Brazil có thể gây ra một chuỗi tác động và thay đổi trong môi trường xung quanh, dẫn đến một cơn bão ở Nhật Bản", tức là mọi sự vật đều có liên quan, tác động qua lại.

Mỗi bài dự thi như một 'cẩm nang' sử dụng điện tiết kiệm- Ảnh 1.

Nhiều hình thức kêu gọi tiết kiệm điện của Điện lực Đà Nẵng

EVNCPC

Từ suy nghĩ này, chúng ta sẽ thấy một trong những nhu cầu "sát sườn" nhất, cần thiết nhất của mọi nhà, mọi người vẫn là điện. Chỉ cần một khoảnh khắc không điện, lập tức ai cũng cảm thấy hoang mang, lo lắng và nhất là kế hoạch của công việc gần như đảo lộn, ngưng trệ - một vấn đề không khu biệt mà có tính toàn cầu.

Vì thế, tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi đã lý giải được một điều khiến nhiều người thắc mắc, ngạc nhiên: "Vì sao cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen do Báo Thanh Niên cùng Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) tổ chức, qua 2 lần thi mà vẫn được sự quan tâm rộng rãi trong xã hội?". Sở dĩ quan tâm bởi bất kỳ ai cũng là "người trong cuộc", một khi tiết kiệm điện trở thành ý thức của từng cá nhân thì đều có ảnh hưởng tích cực đến gia đình, công sở, nhìn rộng ra là của đất nước mình.

2. Tiếp nối thành công của cuộc thi trước, lần này với số lượng bài dự thi khá lớn, qua đó Ban tổ chức chọn được 60 bài vào chung khảo, mà mỗi bài dự thi như một "cẩm nang sử dụng điện" hết sức cần thiết cho mọi người, mọi nhà cùng chia sẻ kinh nghiệm.

Nhìn xuyên suốt từ hai cuộc thi, tôi nhận ra "mẫu số chung" vẫn là bắt đầu từ sự gương mẫu của người đứng đầu trong gia đình, trường học, công sở… Nhưng ý nghĩa lớn hơn mà cuộc thi còn muốn hướng tới là phải tạo ra thói quen có tính cách lâu dài.

Mỗi bài dự thi như một 'cẩm nang' sử dụng điện tiết kiệm- Ảnh 2.

Lắp thêm đèn năng lượng mặt trời là cách tận dụng nguồn năng lượng tái tạo

Huỳnh Diễm

Có người vợ tự hào về chồng: "Giờ các con hay tôi, chẳng ai còn bỡ ngỡ với phương châm tiết kiệm điện của... anh xã nhà tôi mà ai cũng hào hứng thực hiện thói quen ấy một cách khá bài bản". Trong khi đó, lại có người chồng khen ngợi vợ: "Vì vậy, thỉnh thoảng nằm bên vợ, tôi hay hát: "Bà xã tôi number one, number one, number one". Ngay cả con cái cũng nhắc nhở cha mẹ: "Các con dẫn dắt chúng tôi qua Excel từ những con số khô khan thành những đồng tiền tiết kiệm nhiều màu sắc vui tươi". Ở trường học, học trò đã dành cho thầy hiệu trưởng nhiều thiện cảm: "Chẳng cần phải văn bản hành chính hay chế tài phạt vì lỗi "quên" mà chỉ cần tấm gương của thầy hiệu trưởng là đủ".

Có những con người mà việc làm của họ lại truyền cảm hứng tích cực cho chúng ta, chẳng hạn cô Tư Lan căn dặn: "Dù nhà nước chỉ quy định có 1 ngày thứ bảy cuối tháng ba hằng năm là giờ trái đất và kêu gọi mọi người hưởng ứng, thì tôi vẫn tự mình thực hiện vào mỗi ngày thứ bảy từng tháng".

Nhìn chung những bài viết dự thi đã cho thấy, chuyện tiết kiệm điện không phải của một cá nhân, tất cả đều phải hướng đến đồng thuận, đồng lòng và đồng hành mỗi ngày. Có như thế, mọi biện pháp khi áp dụng vào thực tiễn mới có thể thành công trên tinh thần tự giác.

3. Như đã nói, sử dụng và tiết kiệm điện là nhu cầu có tính chất toàn cầu, vì thế chúng ta có thể học hỏi từ kinh nghiệm của các nước.

Chẳng hạn, quy định "5S" được tạo ra bởi Kaoru Ishikawa - một chuyên gia quản lý sản xuất người Nhật Bản vào những năm 1950 đã được phát triển và lan truyền khắp thế giới. Học tập kinh nghiệm này, trong một bài dự thi cho biết: "Ở công ty tôi, 5S là viết tắt của các quy trình: Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng".

Thật thú vị, từ "5S" chúng ta lại biết thêm biện pháp "5T" được áp dụng trong căn hộ gia đình, đó là: "Tắt: Tôi bắt đầu bằng việc nhắc nhở các thành viên trong gia đình tắt đèn, quạt khi ra khỏi phòng. Thay: Tôi thay thế toàn bộ bóng đèn sợi đốt trong nhà bằng đèn LED. Tháo: Tôi luôn rút phích cắm của thiết bị điện sau khi dùng xong. Tiết chế: Tôi chỉ bật bình nóng lạnh trước khi tắm khoảng 30 phút và tắm nhanh hơn. Tận dụng: Tôi tận dụng gió trời bằng cách mở cửa sổ vào buổi sáng và chiều tối".

Tuy nhiên, chúng ta không thể không áp dụng tiện ích "app chăm sóc khách hàng" của EVNHCMC: "Theo tôi, ứng dụng này có rất nhiều cái hay như: thanh toán trực tuyến, xem lịch cắt điện, hóa đơn điện tử, báo sửa chữa điện, yêu cầu cấp điện, thiết bị đo đếm, hợp đồng mua bán điện, yêu cầu thay đổi thông tin... Ứng dụng cũng cho mình biết được có vượt định mức hay không, và ước tính số tiền phải trả nếu dùng máy điều hòa trong mùa nóng...".

Rõ ràng từ cuộc thi này, chúng ta đã tìm ra được các "bửu bối" cần thiết nhất và hoàn toàn có thể áp dụng được trong thực tiễn. Vậy, vai trò của cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen do Báo Thanh Niên cùng EVNHCMC đã "hoàn thành sứ mệnh" rồi chăng? Tôi nghĩ vẫn chưa. Từ thành công này, nên chăng chúng ta vẫn duy trì, tiếp tục với chủ đề luôn mang tính thời sự và cần thiết cho mọi nhà: Dù đã có thói quen tiết kiệm nhưng vẫn còn là ý thức "An toàn khi sử dụng điện" - cũng là một vấn đề hết sức quan trọng mang tính toàn cầu.

31 tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 - 2024

Sau 3 tháng diễn ra sôi nổi, từ ngày 9.4 - 10.7.2024, Ban tổ chức cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen - Những chuyện hay tôi kể đã nhận được 507 bài dự thi trên khắp cả nước gửi về. Qua 2 vòng sơ khảo và chung khảo, kết quả cuộc thi như sau:

1 giải nhất (10 triệu đồng): 5T "bửu bối" đã cứu hóa đơn tiền điện nhà tôi (tác giả Hoàng Bảo Lâm).

2 giải nhì (8 triệu đồng/giải): Phó quản điện ở lớp tôi (Thiều Nguyễn Vĩ Dạ); Tự động hóa, quản lý chiếu sáng trong nhà một cách thông minh để tiết kiệm điện (Nguyễn Phương Quang Trường).

3 giải ba (6 triệu đồng/giải): Nhiều cách sử dụng thiết bị điện phù hợp sẽ góp phần tiết kiệm điện hiệu quả (Lê Nhất Linh); Bà tôi và ngôi nhà của những lựa chọn trong việc tiết kiệm điện (Võ Tấn Thành); Tiết kiệm điện, trông người mà ngẫm đến ta... (Nguyễn Hoàng Thảo).

25 giải khuyến khích (2 triệu đồng/giải): Khi nàng dâu và mẹ chồng đồng lòng… (Nghĩa Thành); Tấm gương sáng tiết kiệm điện của ông tôi (Nguyễn Thái Bình); Độc, lạ: hợp tác giặt đồ chung với bạn cùng phòng trọ (Phạm Ngọc Hùng); Biệt đội 5S, những "chiến binh" tiết kiệm điện số 1 (Cương Trúc); Thầy hiệu trưởng nêu gương tiết kiệm điện (Nguyễn Văn Công); Mỗi ngày góp nhặt một chút, lâu dần tiết kiệm điện thành thói quen cho cả nhà (Nguyễn Thị Thu An); Lắp vòi nước tưới cây tự động, tôi tiết kiệm được khối tiền (Trần Văn Tám); "Bốn cây chụm lại nên hòn núi cao" ở nhà tôi (Phạm Thị Phương); Đức tính quý báu của mẹ... (Hồ Vĩ Tùng); Có app chăm sóc khách hàng, chẳng còn ngỡ ngàng tiền điện (Đào Thị Thanh Tuyền); Đâu chỉ siêng tắt đèn là... tiết kiệm điện (Anh Nguyên); Chuyện bà Ngát xóm tôi tiết kiệm điện (Phạm Thị Hường); Kinh nghiệm xương máu của nghề "năng nhặt chặt bị" (Trần Minh); Tôi đã "ngấm" những quy tắc tiết kiệm điện của má (Thi Hoàng Khiêm); Khi đi thì nhớ chấm công, khi về thì chớ quên công tắc đèn (Nguyễn Thị Thanh Huyền); "Đèn mặt trời" trên cao nguyên đá (Phạm Mạnh Hào); "Sao nối ngôi" thi đua tiết kiệm điện (Ngọc Nữ); Nhiều cách tiết kiệm điện trong gia đình, không khó (Trịnh Cường); Tôi học hỏi thói quen tiết kiệm điện từ mẹ (Nguyễn Phương Dung); Hoàn thiện nơi ở thân thiện với môi trường (Trần Ngọc Tiến); Vợ chồng Tư Ếch và "vị thần" Excel bí ẩn (Trần Quốc Vĩnh); "Một người vui ba người khỏe" và những hành động thân thiện với ví tiền mẹ (Nguyễn Phạm Gia Nhi); Lúc ở nhà, mẹ cũng là cô giáo (Phạm Thị Yến); Cô Tư Lan xóm tôi (Nguyễn Thắm); Tổ dân cư siêu tiết kiệm điện (Ngô Đức Quang).

2 giải Nhân vật truyền cảm hứng (3 triệu đồng/giải): Nhân vật trong Chuyện bà Ngát xóm tôi tiết kiệm điện (Phạm Thị Hường) và Cô Tư Lan xóm tôi (Nguyễn Thắm).

Ban tổ chức xin chân thành cảm ơn quý bạn đọc đã theo dõi, tham gia cuộc thi; xin chúc mừng các tác giả đoạt giải và 2 nhân vật được trao giải truyền cảm hứng, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được những tình cảm quý báu này trong thời gian tới. Lễ trao giải dự kiến tổ chức trong tháng 9.2024 tại TP.HCM, thời gian cụ thể sẽ được Ban tổ chức thông tin tới các tác giả đoạt giải cùng bạn đọc.

BAN TỔ CHỨC

(*) Ban tổ chức sẽ nhận và trả lời mọi thắc mắc về kết quả cuộc thi trong 7 ngày, kể từ ngày công bố kết quả. Sau thời gian này, Ban tổ chức sẽ không giải quyết bất kỳ khiếu nại nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.