Mời các bộ, ban, ngành tham gia đoàn giám sát tối cao của Quốc hội

27/08/2021 11:30 GMT+7

Điểm mới trong việc triển khai giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022 là thành phần tham gia sẽ có đại diện, lãnh đạo các bộ, ban, ngành.

Sáng 27.8, tại nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp để chuẩn bị cho việc triển khai 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu phải tiếp tục đổi mới cách làm, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát, xác định đây là khâu trọng yếu để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. 
Cho ý kiến bước đầu vào dự thảo kế hoạch, đề cương các chương trình giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, các chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phạm vi rộng, do đó, phải xác định rất rõ mục đích, yêu cầu của từng chuyên đề giám sát, từ đó xác định được phạm vi, đối tượng và lĩnh vực trọng điểm phải tiến hành giám sát.
Ông Huệ cũng yêu cầu, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương, các đoàn giám sát phải hết sức linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Đối với từng chuyên đề giám sát, những vấn đề nào vừa qua đã có giám sát, có báo cáo rồi thì tận dụng kết quả này và yêu cầu các cơ quan báo cáo bổ sung, cập nhật chứ không phải là “chạy lại từ đầu”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần phân công nhiệm vụ rất rõ ràng, có đầu mối chịu trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

Tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sẽ có một số điểm khác biệt so với thông lệ trong triển khai giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này.
Cụ thể, đoàn giám sát sẽ quyết định thành phần, sự tham gia của các chuyên gia là đại diện Ban Tổ chức T.Ư, Kiểm toán nhà nước và lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư. Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, đoàn giám sát sẽ chủ động lựa chọn cơ quan, địa phương cụ thể để đi giám sát.
Điểm mới nữa trong việc tổ chức giám sát của Quốc hội lần này là có sự phối hợp, tham gia giám sát của HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội. Các mốc thời gian trong kế hoạch không được ấn định cụ thể như trước đây và được dự kiến căn cứ theo quy định tại quy chế tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội về thời hạn gửi báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cho ý kiến chi tiết về dự kiến kế hoạch, phạm vi, nội dung, tiến độ của từng chuyên đề giám sát. Các nội dung này sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại phiên họp tháng 9 tới.
Trước đó, thực hiện chương trình hoạt động giám sát cho năm 2022, Quốc hội đã ban hành nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” do Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm trưởng đoàn; Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành 2 giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021” và giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.