Thống kê chưa đầy đủ cũng cho thấy số lượng du khách trong mùa hành hương tháng giêng năm nay lên tới 2 triệu người tại đền Hùng, 1 triệu người tại chùa Bà (Bình Dương), 500.000 người tới chùa Hương. Tại nhiều di tích khác, con số này cũng lên tới hàng chục nghìn. Du khách càng nhiều thì việc đặt các hòm công đức lại càng lộn xộn. “Số hòm công đức đặt bừa bãi càng tăng, tư duy thực dụng càng lớn, làm mất vẻ trang nghiêm của di tích”, GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian bức xúc.
Chính vì thế, Quyết định số 2245 của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ký đã quy định cụ thể về số hòm công đức và đĩa giọt dầu tại mỗi di tích. Theo đó, mỗi di tích đặt không quá 3 hòm công đức tại 3 ban thờ chính. Đĩa đặt tiền giọt dầu chỉ đặt trên những ban thờ chính. Khuyến khích tại mỗi di tích (di tích đơn lẻ hoặc di tích thuộc cụm di tích) chỉ đặt 1 hòm công đức ở vị trí thích hợp.
Có hiệu lực từ ngày 18.6, hệ thống ban ngành của ngành văn hóa sẽ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này. “Đây cũng là 1 trong 19 nhiệm vụ đột phá của Bộ VH-TT-DL để thực hiện nếp sống văn minh”, ông Phan Đình Tân - Phó chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ cho biết.
|
Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, PGS-TS Tống Trung Tín nói: “Di tích ở Nhật cũng chỉ đặt 1 hòm công đức. Hòm còn được chế tác phù hợp với cảnh quan xung quanh”. “Việc giảm hòm công đức cũng khiến người dân đi lễ thấy thoải mái hơn. Nó cũng tránh cho họ suy tư không cần thiết khi đặt tiền vào hòm này, ban này mà lại không đặt lễ ở ban kia”, TS Minh Ngọc, Viện Nghiên cứu tôn giáo nói.
Chủ trương được các nhà nghiên cứu ủng hộ là vậy nhưng ông Tân nhận định, quy định này rất có thể sẽ vấp phải phản hồi tiêu cực của những nhóm lợi ích tại các di tích. Do đó, trước khi quyết định này ra đời, đã có 3 khóa tập huấn nâng cao nhận thức cho ban quản lý của nhiều di tích.
Bản thân việc hậu kiểm của quy định cũng rất gian nan. Trong khi số di tích quá nhiều thì lượng người thanh tra, cuộc thanh tra lại có hạn. Năm 2011, thanh tra ngành văn hóa tiến hành được 126 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 293 cơ sở trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Với khả năng thanh tra như vậy, nếu có dành hết số lần thanh tra này cho di tích và hòm công đức thì cũng không đủ.
Thêm vào đó, xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực di sản văn hóa đối với hành vi đặt thừa hòm công đức này nếu có cũng không lớn. Chỉ có thể phạt hành vi này vào hành vi làm hoen bẩn di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Mức phạt cho loại vi phạm này là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng - không thấm thía vào đâu so với số thu từ một hòm công đức trong mùa lễ hội tại di tích có tiếng tăm. “Khó hậu kiểm nhưng vẫn phải có quy định như thế này. Nó cho thấy không thể muốn tự tung tự tác tại di tích thế nào cũng được”, PGS-TS Tín nói.
Tiếp theo động thái tích cực nói trên, dư luận mong muốn nhà quản lý sẽ có chính sách cụ thể để minh bạch hóa việc quản lý và sử dụng tiền công đức, đem lại niềm tin cho khách thập phương khi đi lễ.
“Ít nhất, người quản lý di tích sẽ phải ngại ngùng khi thấy một di tích có quá 3 hòm công đức. Tôi tin, dù khó triệt để, song số lượng hòm công đức sẽ giảm. Bộ sẽ rất quyết liệt trong việc này để trả lại linh thiêng cho di tích và nơi thờ tự” - ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL. |
Trinh Nguyễn
>> Nghiêm cấm xâm phạm di tích quốc gia Trường Lũy
>> Học sinh gặp khó khi vào tham quan di tích
>> Phục dựng di tích xa rời tư liệu gốc
>> Đề xuất Đồn Thứ là di tích quốc gia
Bình luận (0)