Ngân hàng khấu trừ thuế trên tài khoản khách hàng: Mọi giao dịch đều bị kiểm soát ?

25/11/2020 06:19 GMT+7

Quy định ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng và thực hiện khấu trừ thuế đang gây lo lắng cho người có tài khoản ngân hàng.

Người gửi tiền lo lắng

Vào giữa năm 2017, Cục Thuế TP.HCM đã báo cáo Tổng cục Thuế về trường hợp giao dịch đáng ngờ tài khoản ngân hàng (NH) của bà H.T.B (TP.HCM) theo đề nghị của Cơ quan Thanh tra giám sát NH (công văn Cơ quan Thanh tra giám sát gửi là Mật - PV). Bà H.T.B nhận được tiền chuyển với giá trị lớn từ khách hàng và đã rút toàn bộ số tiền hơn 5,52 tỉ đồng trong thời gian 2,5 tháng. Sau khi xác minh, 2 vợ chồng khách hàng trên đã chuyển vào tài khoản của bà H.T.B tổng cộng 340 lần từ năm 2014 - 2016 với tổng tiền hơn 8,1 tỉ đồng, trong đó số tiền chuyển thấp nhất là 100.000 đồng và cao nhất là 435 triệu đồng.

Quy định để NH khấu trừ thuế ngay trên tài khoản của khách hàng cần phải được xem lại vì điều này ảnh hưởng đến quyền về tài sản của người dân. Làm như thế sẽ khiến nhiều người không dám thanh toán, giao dịch qua NH mà quay lại sử dụng tiền mặt nhiều hơn. Điều đó đi ngược với chính sách khuyến khích người dân hạn chế không dùng tiền mặt mà Chính phủ đã đưa ra mấy năm nay.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm

Theo giải thích của bà H.T.B, người chuyển tiền là bạn bè 20 năm và những khoản giao dịch nhiều lần là trả nợ cho bà . Bà H.T.B cam đoan không nhận được lợi gì trong khoản tiền cho mượn trên mà chỉ nhận lại số tiền mình đã cho mượn. Ngoài công việc nội trợ, bà H.T.B bán hủ tiếu, bún bò lề đường kiếm sống và gia đình thuộc diện kinh tế nghèo.
Do thông tin NH cung cấp và xác minh từ phía bà H.T.B chưa đủ cơ sở để xác định là thu nhập chịu thuế nên Cục Thuế TP.HCM báo cáo Tổng cục Thuế có hướng xử lý. Riêng phía bà H.T.B đã có công văn khiếu nại phía NH cung cấp thông tin tài khoản của bà cho cơ quan chức năng.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty luật Hợp danh Nghiêm & Chính, cho rằng những người bị cơ quan thuế chỉ mặt điểm tên cũng phải gánh chịu thêm rủi ro là mọi giao dịch trong tài khoản đều được tính chung vào là hoạt động buôn bán. Ví dụ, tài khoản trong năm có một khoản tiền lớn được trả nợ vì chủ tài khoản trước đó đã cho vay mượn, nhưng vì NH hay cơ quan thuế không thể tách bạch số tiền trên phát sinh từ đâu nên đặt nghi vấn giao dịch mua bán, trốn thuế và yêu cầu NH cung cấp thông tin tài khoản.
Vì vậy, Chính phủ phải có quy định nêu rõ cơ quan thuế chỉ được phép sử dụng thông tin của khách hàng do phía NH cung cấp với mục đích để xác định nghĩa vụ thuế. Đồng thời cơ quan thuế cũng phải có quy trình đảm bảo thông tin của người dân. Điều này nhằm tránh việc nhân viên cơ quan thuế có thể lợi dụng để lấy thông tin do NH cung cấp sử dụng vào những mục đích khác. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có hướng dẫn về phối hợp giữa cơ quan thuế, NH và cả Bộ Công thương đưa ra những yêu cầu đích danh chính xác để không bị hàm oan những người dân bình thường không hề có buôn bán kinh doanh trên mạng
Riêng đối với việc NH thực hiện khấu trừ thuế trên tài khoản khách hàng, luật sư Nghiêm nói ngay là không đồng ý. Quy định này đồng nghĩa đưa lại quyền cho NH quá lớn và gây rủi ro cho người dân có tài khoản tại NH. Nếu cơ quan thuế đã có quyết định truy thu thì vẫn phải để cho người dân có quyền khiếu nại đúng hay sai. Nếu cơ quan thuế đúng thì người dân sẵn sàng nộp thuế nhưng nếu cơ quan thuế sai mà NH đã thu thì người dân không thể theo đuổi khiếu kiện để lấy lại tiền của mình.

Tài khoản nào vào “tầm ngắm” của cơ quan thuế ?

Đó là câu hỏi của rất nhiều người trước quy định NH cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại NH cho cơ quan quản lý thuế nhằm phục vụ cho công tác quản lý thuế, đặc biệt là quản lý thuế thương mại điện tử .
Theo đại diện Tổng cục Thuế, cơ quan này đang phối hợp với NH Nhà nước soạn thảo thông tư hướng dẫn quy định chi tiết về điều khoản cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, trách nhiệm của cơ quan thuế và NH như thế nào? Quy định trong trường hợp nào cung cấp thông tin, bảo mật thông tin?... NH thương mại chỉ cung cấp thông tin giao dịch, số dư tài khoản theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Các cá nhân, tổ chức sẽ được bảo mật, sử dụng đúng quy định và đúng mục đích.
Đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh: Quy định trên xuất phát từ thực tế thu nhập từ thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới diễn ra rất nhiều, điều này khiến toàn xã hội quan tâm công tác thu thuế hoạt động này. Muốn quản lý được thuế TMĐT xuyên biên giới thì phải nắm được luồng tiền. Chẳng hạn Google, Facebook… chuyển tiền cho doanh nghiệp hay cá nhân ở VN và NH cung cấp thông tin thì lúc này cơ quan thuế mời người nộp thuế lên để có thể kê khai nộp thuế được.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế, cho rằng cơ quan thuế khó nắm được thu nhập của người nộp thuế, đặc biệt các giao dịch bán hàng online hay TMĐT xuyên biên giới. Quy định mới ban hành chỉ là một trong những biện pháp chống thất thu vì trường hợp người nộp thuế sử dụng hình thức thanh toán khác như tiền mặt thì cũng khó thu thuế. Riêng đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới từ các tập đoàn quốc tế như Alphabet (cung cấp Google và YouTube...), Facebook..., thì các giao dịch hầu hết qua tài khoản NH, thẻ nên có thể thực hiện thu tốt hơn thời gian qua. Tuy nhiên, cơ quan thuế phải làm việc với các đơn vị này, lấy thông tin của họ để cung cấp cho phía NH, từ đó NH mới có thể thực hiện cung cấp thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.