Mời giáo viên giỏi trực tiếp đứng lớp phổ thông viết SGK

19/03/2019 07:02 GMT+7

PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết trong tháng 3 này, Bộ sẽ mời tác giả biên soạn bộ sách giáo khoa do Bộ chủ trì và chuẩn bị hội đồng thẩm định biên soạn các bộ/cuốn sách giáo khoa khác.

Viết SGK không chỉ có những người nổi tiếng

Xin ông cho biết, đến thời điểm này bộ sách giáo khoa (SGK) do Bộ chủ trì biên soạn đã được tiến hành ra sao?
Theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức biên soạn, thẩm định và phê duyệt cho phép sử dụng một bộ SGK đầy đủ tất cả các môn học và hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12.
Mời giáo viên giỏi trực tiếp đứng lớp phổ thông viết SGK1
PGS Nguyễn Xuân Thành
Bộ cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cách tổ chức biên soạn bộ SGK do Bộ chủ trì, đó là: tuyển chọn chủ biên và tác giả trực tiếp việc biên soạn SGK theo quy trình nêu tại Thông tư 33. Hiện nay, xây dựng kế hoạch cũng chi tiết và việc tuyển chọn sẽ thực hiện trong tháng 3. Trước mắt sẽ ưu tiên biên soạn SGK tiểu học, đặc biệt là lớp 1, đảm bảo để có thể triển khai thực nghiệm một số bài học trong từng SGK. Sau đó sẽ tiến hành với cấp THCS, bắt đầu vào lớp 6. Sang năm 2020 sẽ tiến hành tương tự với THPT.
Có ý kiến cho rằng, nếu bây giờ Bộ chưa tiến hành mời tác giả thì đã muộn bởi nguồn lực tác giả viết SGK của VN vốn hạn hẹp lại còn bị phân tán bởi các tổ chức, cá nhân khác đã mời những người có kinh nghiệm và khả năng viết SGK từ rất sớm?
Băn khoăn về việc thiếu nguồn tác giả SGK chỉ là suy đoán. Viết SGK lần này khác với những lần trước. Lần này viết SGK để thể hiện rõ mục tiêu, phương pháp theo mục tiêu của chương trình. Trong thiết kế mời tác giả viết SGK của Bộ thì không chỉ những người nổi tiếng trong lĩnh vực mà còn rất chú trọng tới năng lực nghề nghiệp của người tham gia viết SGK. Đặc biệt, chương trình lần này là theo định hướng phát triển năng lực nên việc thiết kế SGK để hỗ trợ cho phương pháp dạy học tích cực, hiện đại là yêu cầu bắt buộc.
Chính vì vậy, trong cơ cấu tác giả SGK sẽ mời những người có kinh nghiệm, có khả năng tiếp cận với phương pháp giáo dục tiên tiến, đồng thời cũng mời một số giáo viên giỏi trực tiếp đứng lớp ở phổ thông tham gia. Như vậy, nguồn tuyển không phải chỉ có những người đã có kinh nghiệm viết SGK trước đây nên sẽ không hạn hẹp như một số ý kiến lo ngại.
Mời giáo viên giỏi trực tiếp đứng lớp phổ thông viết SGK1
Đội ngũ biên soạn SGK của Bộ GD-ĐT sẽ có cả giáo viên phổ thông trực tiếp đứng lớp ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Độc lập việc biên soạn và phát hành

Việc in ấn, phát hành SGK của Bộ có tách rời biên soạn hay không, thưa ông?
Sẽ thành lập “trại viết SGK”
Dự kiến, sau khi có đội ngũ tác giả thì Bộ sẽ ban hành một quy trình về viết SGK cụ thể để xã hội biết quy trình đó sẽ làm chặt chẽ, bài bản ra sao. Sẽ có tham vấn chuyên gia quốc tế cùng với chuyên gia trong nước để họ giúp về quy trình biên soạn SGK.
Theo kế hoạch, SGK lớp 1 viết từ tháng 3 thì đến khoảng tháng 9, tháng 10 sẽ tiến hành thực nghiệm. Việc viết SGK sẽ tiến hành viết tập trung, tuyển tác giả làm việc toàn thời gian chứ không phải vừa viết SGK vừa làm công việc khác. Mục đích của việc viết SGK tập trung để có mô hình làm việc theo nhóm, các nhóm thường xuyên thảo luận, góp ý cho nhau trong quá trình viết SGK.
Nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT theo Nghị quyết 88 là phải làm ra 1 bản mẫu SGK, 1 bản “sạch” được thẩm định, được phê duyệt. Sau đó việc in ấn sẽ tách riêng và thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành như luật Xuất bản, luật Sở hữu trí tuệ…
SGK lâu nay người ta vẫn lo ngại chuyện độc quyền nên việc in ấn, phát hành bộ SGK của Bộ tách rời với việc biên soạn sẽ tránh được điều này. Bộ chỉ nắm cái lõi về bộ SGK do Bộ tổ chức biên soạn, tức là nắm về thiết kế, nội dung. Phần còn lại là làm sao để quyển SGK đó đến được với người sử dụng với giá thành hợp lý nhất là câu chuyện của in ấn, phát hành… chi phí nằm ở trong đó và giá thành ra sao sẽ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, như các bộ SGK khác.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận lo ngại trong việc không công bằng còn là việc bộ SGK của Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn thì lấy từ nguồn vay của Ngân hàng Thế giới còn các bộ SGK khác phải tự trang trải kinh phí trong tất cả các khâu nên khó có thể cạnh tranh bình đẳng về giá?
Cơ cấu chi phí cho một bộ SGK là có phần nhuận bút tác giả thì tất cả các bộ SGK đều có, khác nhau chỉ là phần kinh phí này khi bộ SGK của Bộ thì được đầu tư trước. Còn phần in ấn tất cả các bộ SGK đều như nhau nên không có sự khác nhau.

Thi cử, đánh giá không theo cuốn SGK nào

Không lấy bộ SGK có sẵn làm SGK của Bộ GD-ĐT
Phóng viên đặt câu hỏi Bộ có tính đến phương án nếu quá khó khăn trong việc biên soạn SGK thì sẽ chọn một trong những bộ SGK mà các tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định để làm bộ SGK của Bộ?
Ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định: “Thứ nhất việc tuyển chọn tác giả SGK do Bộ tổ chức biên soạn, mặc dù có thể có vất vả do phải tổ chức cho đội ngũ khoảng gần 200 người biên soạn SGK nhưng tôi tin việc tuyển chọn và tổ chức biên soạn chắc chắn sẽ thành công. Hai là không thể lấy một bộ SGK có sẵn vì không đúng tinh thần tổ chức biên soạn bộ SGK mà Nghị quyết 88 của Quốc hội đã quy định và giao trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Việc chính thức biên soạn SGK chỉ có thể thực hiện từ sau ngày 26.12.2018, sau khi đã ban hành chương trình. Còn việc một số nhà xuất bản có sự chuẩn bị trước, suy nghĩ về việc biên soạn SGK chỉ mới dựa trên chương trình giả định thôi”.
Bao giờ sẽ thành lập hội đồng thẩm định SGK quốc gia và thành viên sẽ được quy định như thế nào để đảm bảo tác giả viết SGK không tham gia vào chính hội đồng thẩm định SGK?
Nguyên tắc hội đồng thẩm định SGK là những nhà khoa học am hiểu về khoa học giáo dục, tỷ lệ thành phần giáo viên phổ thông đang dạy môn học ở cấp học đó chiếm 1/3. Đặc biệt, người tham gia biên soạn SGK thì sẽ không được là thành viên của hội đồng thẩm định. Sau khi thành lập xong đội ngũ viết SGK do Bộ tổ chức thì Bộ sẽ thành lập hội đồng thẩm định, đơn vị chủ trì tổ chức và vụ giáo dục tiểu học, vụ giáo dục trung học của Bộ GD-ĐT.
Còn một lo ngại nữa là các nhóm biên soạn sẽ hướng tới những thị trường lớn, đông học sinh như Hà Nội, TP.HCM... Vậy, bộ SGK của Bộ có đảm bảo phù hợp với tất cả các đối tượng học sinh hay không?
SGK bám theo chương trình nên cũng sẽ phải đảm bảo những phần kiến thức cốt lõi chung cho tất cả các đối tượng học sinh ở các vùng miền khác nhau. Sự khác nhau của mỗi bộ SGK chính là ở chỗ đối tượng mà mỗi bộ SGK hướng tới để có cách thức chuyển tải kiến thức cốt lõi ấy như thế nào... Bộ SGK của Bộ sẽ phải chú ý tới việc này để đảm bảo học sinh tất cả các vùng miền đều học tập. Học sinh TP cũng cần phải được học những vấn đề ở nông thôn và ngược lại. Tuy nhiên, khi thi cử, đánh giá thì không theo bất cứ cuốn SGK mà bám theo chuẩn chương trình.
Các sở có được tham gia viết SGK không khi mà lo ngại sở làm SGK thì cả tỉnh, thành đó sẽ chọn bộ SGK của sở?
Tiêu chuẩn về các tổ chức viết SGK là có đội ngũ tác giả viết SGK đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Thông tư 33. Đội ngũ ấy có thể hợp đồng hoặc sẵn có. Tuy nhiên, chức năng của Sở GD-ĐT không có quy định nào cho phép hợp đồng với đội ngũ viết SGK nên không thể được hợp đồng và không có điều kiện đó để làm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.