Chủ sàn giao dịch bất động sản thành… ngư dân
Thấm đòn Covid-19, anh Nguyễn Văn Trọng, 39 tuổi, quê ở H.Hải Hậu, Nam Định, từng là chủ một sàn môi giới bất động sản Hà Nội, cho biết cuối năm 2020 anh đã bỏ phố về đi biển sau khi làm thủ tục phá sản công ty.
“Chính mình cũng không thể ngờ được cuộc đời lại thay đổi nhanh như vậy. Chỉ vài ba năm trước, có trong tay cơ ngơi là công ty có lúc đến hơn 100 nhân viên môi giới. Làm lãnh đạo nên ngày ngày mặc vest, ngồi ô tô đi giao dịch nhà đất, tiếp khách, kiếm tiền tỉ mỗi tháng, mà giờ lại… ngày ngày mặc quần đùi, cởi trần kéo lưới, chèo thuyền đánh bắt hải sản kiếm sống qua ngày. Hôm trước, đến ngày sinh nhật công ty cũ, anh em nhân viên gọi điện thăm hỏi mà buồn ứa nước mắt…”, anh Trọng xúc động kể.
Cựu Giám đốc sàn giao dịch bất động sản phải phá sản vì “ngấm đòn Covid-19” cho biết, quãng thời gian những năm 2014 - 2018, làm ăn thuận lợi, phất lên dựng công ty, doanh số cũng đến tiền tỉ mỗi tháng, nhưng đến giai đoạn dịch bệnh Covid-19, thị trường khan dự án nên không thể duy trì công ty, buộc phải phá sản, dồn tiền trả nợ. Số vốn liếng tích cóp được mang về quê xây được ngôi nhà nhỏ rồi dồn cả vào sắm thuyền, ngư cụ đi biển đánh bắt.
Về những nhân viên môi giới cũ của công ty, anh Trọng cho hay đa số đều đã bỏ nghề “cò đất”, một số về quê làm trang trại, người chuyển nghề bán vật liệu, đồ nội thất, bán hàng online, thậm chí chạy grap...
Chị Nguyễn Ngọc Nga, 35 tuổi, từng là môi giới bất động sản kỳ cựu của một sàn giao dịch có tiếng tại Hà Nội, doanh số luôn đứng top đầu trong công ty, cho biết khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát được vài tháng đã phải nghỉ việc. Hiện, chị Nga không có công việc chính mà làm tất cả việc có thể kiếm sống, từ bán thịt bò, thi thoảng môi giới nhà phố hay căn chung cư, đến buôn chứng khoán… để kiếm sống qua ngày.
“Mình có nhà ở Hà Nội rồi cũng đỡ chi phí sinh hoạt kha khá. Nhiều bạn môi giới bất động sản thảm lắm, dốc sạch tài khoản để chạy quảng cáo tìm khách, nhưng dịch bệnh, khó khăn khắp nơi, không dễ gì chốt được, lỗ trắng tiền quảng cáo, đành khăn gói về quê ăn bám gia đình...”, chị Nga chán nản kể.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, nhìn nhận dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay đã là lần thứ 4, diễn biến phức tạp càng khiến những khó khăn thêm trầm trọng, chồng chất. Đáng lo ngại là không ai biết được đến khi nào dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi, trạng thái bình thường được thiết lập trở lại. Tâm lý này ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Cũng theo ông Đính, từ khoảng giữa 2018, thị trường bất động sản bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của dòng tiền chảy vào ít dần. Sang năm 2019, vốn vào bất động sản tiếp tục hạn hẹp hơn, thêm vào đó là cơ chế chính sách thủ tục dự án bất động sản được siết chặt hơn, nhiều chủ đầu tư lâm vào cảnh “mất việc” vì không thể ra được dự án mới. Từ đó, kéo theo các sàn giao dịch bất động sản, nhân viên môi giới bất động sản cũng “đói việc” theo.
“Từ cuối 2019, đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Khi đó, nhiều người kỳ vọng sẽ sớm dập dịch được trong 6 tháng đầu năm, rồi lại hy vọng hết năm 2020 sẽ hết dịch… Nhưng đến nay, không ai biết khi nào hết dịch, trở lại bình thường. Nước ta được đánh giá là quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 tốt so với thế giới, nhưng sức ảnh hưởng của dịch bệnh, thiệt hại gây ra là không nhỏ. Các doanh nghiệp, người lao động trong ngành xây dựng, bất động sản không thể tránh khỏi tác động xấu. Trong đó, có đến hàng nghìn môi giới bất động sản đã phải bỏ nghề, hàng trăm doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa hoặc co cụm, hoạt động kiểu duy trì chờ thời”, ông Đính nói.
|
Xây dựng, bất động sản chưa được hưởng cơ chế hỗ trợ riêng
Cũng theo Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, đáng lo ngại là trong các gói hỗ trợ của nhà nước, lĩnh vực xây dựng, bất động sản được xem là ngành xương sống của nền kinh tế nhưng không được ưu tiên hỗ trợ. Người lao động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản cũng ít được hưởng ưu đãi.
“Trong gói hỗ trợ Chính phủ mới công bố tại cuộc họp báo ngày 1.7, các đối tượng ưu tiên không thấy nhắc đến môi giới bất động sản. Với điều kiện thị trường ít dự án mới như hiện nay, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, chắc chắn là thách thức không nhỏ cho anh em môi giới bất động sản”, ông Đính lo lắng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA), cho rằng các chính sách hỗ trợ từ nhà nước hầu như chưa có hỗ trợ riêng nào cho doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản mà chủ yếu là hỗ trợ chung cho doanh nghiệp, người lao động của xã hội. Để giúp xây dựng, bất động sản vượt qua Covid-19, cần thúc đẩy thông thoáng cơ chế thủ tục hành chính khi triển khai dự án.
Đồng thời, có cơ chế thoáng hơn cho doanh nghiệp, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn vay triển khai dự án, vay mua nhà. Khi xây dựng, bất động sản phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành nghề khác như nội thất, vật liệu xây dựng, môi giới bất động sản, lắp máy, cơ điện…
Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, điều cốt yếu để hỗ trợ cho ngành xây dựng, bất động sản chính là cơ chế chính sách. Làm sao để tạo ra nhiều nguồn hàng mà thị trường bất động sản đang có nhu cầu rất lớn là nhà ở bình dân.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, từ khi có dịch bệnh Covid-19, các gói hỗ trợ chưa có cơ chế dành riêng cho xây dựng, bất động sản và người lao động trong lĩnh vực này. Trong năm 2020, Bộ Xây dựng cũng có kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động nhưng đến nay, các chính sách này đã hết hiệu lực.
Từ đầu năm 2021, ngành xây dựng, bất động sản tiếp tục không nằm trong nhóm được ưu tiên hỗ trợ về kinh tế. Còn về cơ chế chính sách thông thoáng, Bộ Xây dựng đang nỗ lực rà soát, phối hợp với các ngành liên quan để thúc đẩy đơn giản hoá thủ tục, giúp doanh nghiệp triển khai dự án nhanh hơn, người lao động có công ăn việc làm, vượt qua đại dịch Covid-19.
Bình luận (0)