Mọi hàng hóa, dịch vụ đều tăng trừ thu nhập: Doanh nghiệp khó khăn, cổ phiếu vẫn nhảy vọt

08/09/2021 06:44 GMT+7

Trái ngược với nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19 , hàng loạt cổ phiếu tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

Thị trường chứng khoán tăng mạnh so với cả năm 2020, mang lại “quả ngọt” nhưng cũng để lại nhiều “trái đắng” cho các nhà đầu tư.

Lập đỉnh, lao dốc chỉ trong vài phiên

Sau 6 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán liên tục gia tăng và đạt được những mốc lịch sử mới. Đỉnh cao nhất chỉ số VN-Index đạt được là 1.420,27 điểm vào ngày 2.7, cao nhất trong 21 năm qua của thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này đã thu hút đáng kế số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia mua bán cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư hào hứng, phấn khởi khi chỉ mua cổ phiếu vài phiên là có lãi 5-10%, hơn cả lãi suất tiền gửi ngân hàng cả năm. Tuy nhiên, tháng 7 cũng là tháng giảm mạnh nhất về điểm số tính từ đầu năm đến nay, đưa VN-Index giảm 6,99% so với tháng 6.
Cơn nhào lộn của thị trường chứng khoán chưa dừng lại ở đó. Chỉ số VN-Index hồi phục dần trong đầu tháng 8 nhưng bất ngờ trong hai phiên 20.8 và 23.8 đã rớt liên tục tổng cộng trên 70 điểm, khiến các nhà đầu tư “xanh mặt”.
Chị N.An, một nhà đầu tư cá nhân chỉ mới tham gia mua bán cổ phiếu từ tháng 4 đến nay, chia sẻ: Từ tháng 5 đến cuối tháng 6, hầu như tài khoản lúc nào cũng dương (có lãi) dù mua bất kỳ cổ phiếu gì. Thậm chí, có những cổ phiếu đã lãi trên 20% như mục tiêu đưa ra trước đó nhưng chị vẫn không chốt lãi. Chị mua bán liên tục, vừa chốt cổ phiếu này thì xoay sang mua cổ phiếu khác ngay vì sợ bỏ mất cơ hội khi thị trường ngày nào cũng tăng. Nhưng việc này khiến chị bị “đu đỉnh” vào đầu tháng 7 khi tài khoản vẫn đầy cổ phiếu. Cụ thể, nghe theo môi giới tư vấn cổ phiếu ngân hàng vẫn đang thu hút dòng tiền, chị mua vào cổ phiếu BVB vào ngày 1.7 với giá xoay quanh 27.000 đồng/cổ phiếu và SHB giá 32.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng sau ngày VN-Index lập đỉnh và quay đầu đi xuống, 2 cổ phiếu này cũng liên tục lao dốc. Sau đó để bình quân giá, chị đã tiếp tục mua thêm BVB với giá 23.000 đồng/cổ phiếu sau vài phiên giảm và chờ cơ hội “gỡ gạc”. Nhưng sau đó, mỗi ngày nhìn bảng giá điện tử liên tục đỏ rực, chị không thể bình tĩnh để chờ thêm và phải cắt lỗ BVB dần dần từ giá 19.500 - 23.000 đồng/cổ phiếu. Ước tính chị N.An đã mất hơn 30% giá trị trong vòng 2 tuần đầu tháng 7 với BVB và cổ phiếu SHB chị bị mất gần 12%.
“Chỉ riêng 2 cổ phiếu này mình đã mất hết lợi nhuận có được của 2 tháng đầu tư trước đó và tài khoản bắt đầu âm khi một số cổ phiếu còn lại dù không giảm mạnh nhưng cũng chưa hồi phục được. Những phiên giảm điểm mạnh luôn khiến mình lo lắng, ăn ngủ không ngon và mới nếm trải được cảm giác để không được mà bán cũng không đành”, chị N.An chia sẻ thêm.
Còn với anh H.Tuấn, một nhà đầu tư khác cũng mới tham gia thị trường từ đầu năm nay thì kể rằng, anh bị “đu đỉnh” vào nhóm cổ phiếu dầu khí. Cụ thể, giữa tháng 6 sau một thời gian lình xình, cổ phiếu BSR bỗng bật tăng liên tục nên anh cũng mua vào 20.000 đồng/cổ phiếu với kỳ vọng sẽ tiếp tục đi lên khi giá dầu thế giới được dự báo tăng. Sau vài phiên, BSR có lúc chạm giá cao sát 22.000 đồng/cổ phiếu nhưng anh chưa vội chốt lời. Cơn lao dốc của cổ phiếu này cũng diễn ra trong suốt tháng 7 với giá xuống thấp nhất sát 16.000 đồng/cổ phiếu. Gồng mãi với hy vọng thị trường hồi phục và bước sang đầu tháng 8, VN-Index nhích trở lại thì anh vội bán ra với giá trên 18.000 đồng/cổ phiếu, lỗ 10% sau một tháng. Nhưng không chỉ riêng cổ phiếu này mà danh mục đầu tư của anh đến hết tháng 8 vẫn chưa “xanh” trở lại và vẫn khiến anh hồi hộp. Đó là chưa kể rất nhiều nhà đầu tư đã sử dụng vốn vay margin khá nhiều khi thị trường tăng nên chỉ sau vài ngày cổ phiếu lao dốc thì đành phải cắt lỗ là dễ hiểu...

Thị trường tăng vẫn có khả năng thua lỗ

Trong khi nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động từ đầu quý 3 đến nay hoặc doanh thu, lợi nhuận giảm sút nghiêm trọng thì thị trường chứng khoán vẫn tăng. Liệu điều này có nghịch lý hay không?

Tâm lý, quản trị danh mục đầu tư... tốt để hạn chế rủi ro thua lỗ

Ngọc Thắng

Là người từng phụ trách ở các công ty chứng khoán và tự đầu tư lâu năm, ông Nguyễn Hồng Điệp lý giải, bản chất của thị trường chứng khoán vẫn khác với nền kinh tế. Nền kinh tế là bao gồm tất cả doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Trong đó gần 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sức chịu đựng kém. Vì vậy khi dịch Covid-19 xảy ra như hiện nay thì các doanh nghiệp này sẽ bị tác động nặng nề. Trong khi thị trường chứng khoán hiện nay chỉ có khoảng 1.500 doanh nghiệp niêm yết, chưa được 1% tổng số lượng doanh nghiệp của cả nước. Trong đó, rất nhiều công ty là những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam nên đã có tích lũy nguồn lực lớn. Vì vậy các công ty này cũng bị ảnh hưởng từ đại dịch nhưng không phải là quá lớn. Hoặc một số doanh nghiệp như ngành dược, bán lẻ, cảng biển, logistics... lại có kết quả kinh doanh tốt hơn trong đại dịch. Ngay cả với thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều nơi trên thế giới cũng đã liên tục lập đỉnh lịch sử. Vì vậy thị trường chứng khoán Việt Nam tăng từ đầu năm đến nay cũng không phải quá vô lý. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, kể cả khi thị trường tăng cũng luôn có người bị thua lỗ. Số lượng người bị thua lỗ trong giai đoạn điều chỉnh sâu như tháng 7 là không hề nhỏ, tập trung ở những người ít kinh nghiệm, chưa tìm hiểu kỹ để lựa chọn cổ phiếu, quản trị rủi ro danh mục đầu tư chưa tốt hay chạy theo cổ phiếu trào lưu...
"Do thị trường phát triển nhanh nên việc quản lý đội ngũ môi giới của nhiều công ty chứng khoán tương đối lỏng lẻo. Vì vậy có những môi giới tạo ra các nhóm trao đổi, diễn đàn tư vấn không chính xác, gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư. Nhưng quan trọng nhất vẫn là bản thân nhà đầu tư cần tìm hiểu khi lựa chọn cổ phiếu, quản trị danh mục tốt, kiềm chế sự hưng phấn quá mức hay cần giữ vững niềm tin vào cổ phiếu mình đã lựa chọn. Nếu không vẫn sẽ tiếp tục sai lầm và thua lỗ dù thị trường chung vẫn tăng", ông Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, cho rằng dù quý 3 gặp khó khăn nhưng khá nhiều doanh nghiệp niêm yết đã có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm đạt kế hoạch của cả năm như ngành thép, cảng biển, vận tải... hay khối ngân hàng cũng đạt được 60 - 70% kế hoạch. Vì vậy nhà đầu tư vẫn tin rằng các công ty niêm yết đó vẫn đạt kế hoạch cho cả năm nay nên sau đợt điều chỉnh mạnh trong 2 tháng 7 - 8 thì nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục đầu tư được và thị trường hồi phục khá nhanh. Nhất là nhà đầu tư đang kỳ vọng nhiều tỉnh thành sẽ sớm mở cửa kinh tế trở lại khi có nhiều người được tiêm vắc xin phòng Covid-19.  Tuy nhiên, việc lựa chọn cổ phiếu là quan trọng nhất với mỗi nhà đầu tư vì trên thị trường, bất kỳ lúc nào cũng sẽ có rủi ro như có đội lái, thổi giá cổ phiếu, môi giới tư vấn "ngược"... 
 Tổng cộng trong 7 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới gần 721.000 tài khoản chứng khoán. Con số này lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới của cả năm 2019 và 2020 cộng lại cũng chỉ đạt 580.352 tài khoản. Sau khi đạt đỉnh vào đầu tháng 7, VN-Index bắt đầu chuỗi giảm giá, nhiều phiên cổ phiếu rơi tự do như ngày 6.7, VN-Index giảm hơn 56 điểm; đến ngày 12.7, VN-Index bốc hơi gần 51 điểm hay ngày 19.7 giảm gần 56 điểm... Bước sang tháng 8, thị trường hổi phục nhẹ, đưa chỉ số VN-Index kết thúc tháng 8 ở mức 1.331,47 điểm, tăng nhẹ 1,64% so với tháng 7 và tổng cộng tăng 20,62% so với đầu năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.