Đó là nội dung đáng chú ý tại Lễ phát động “Cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế T.Ư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan của Đảng, Nhà nước đồng tổ chức, diễn ra chiều 3.9 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tại Lễ phát động, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho biết, ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế. Trong bức thư đề ngày 13.10.1945 gửi “giới công thương Việt Nam”, Bác đã khẳng định: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng".
Trong bức thư này, Người đã xác định vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với đất nước. Gần 74 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị, và ngày nay Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ta vẫn đang nỗ lực thực hiện lời căn dặn này.
Gần đây nhất, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành 3 nghị quyết, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Đây là những vấn đề then chốt và mang tính nền tảng đối với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”, ông Bình nhấn mạnh.
|
Doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn
Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư cũng đánh giá, trên thực tế, doanh nghiệp, doanh nhân vẫn gặp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền kinh tế nước ta chưa phát triển nhanh và bền vững. Trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.
Chính vì vậy, cuộc vận động này khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, nhằm phát huy trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, làm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng và Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên tinh thần doanh nghiệp, doanh nhân hết lòng vì Đảng, Nhà nước và phụng sự tổ quốc, nhân dân. Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân để lãnh đạo, điều hành đất nước phát triển nhanh và bền vững.
“Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hãy phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm với quốc gia, dân tộc nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia Cuộc vận động Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế. Tham gia Cuộc vận động này là hành động thiết thực của doanh nghiệp, doanh nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Trưởng ban Kinh tế T.Ư đề nghị.
Chia sẻ thêm về cuộc vận động, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước tiến hành vận động, xin ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước về chính sách phát triển kinh tế. Một chủ trương vô cùng thiết thực và ý nghĩa.
Ví cuộc vận động như “Hội nghị Diên Hồng” về kinh tế, ông Lộc cho biết sau 30 năm đổi mới, doanh nhân đã góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi đói nghèo. Giờ đây, ý kiến đóng góp sẽ tiếp tục hành trình kiến tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế với chất lượng cao hơn, mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, đổi mới trong nền kinh tế số để đưa đất nước Việt Nam trở nên hùng cường.
Bắt đầu nhận ý kiến từ 3.9 đến hết 31.12.2019
Về thể lệ cuộc thi, theo Ban tổ chức, đối tượng tham gia gồm các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; các doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ sở hữu và các doanh nhân Việt Kiều, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải đặc biệt trị giá 300 triệu đồng kèm theo biểu trưng của Cuộc vận động và Chứng nhận của Ban tổ chức.
3 giải nhất, mỗi giải 100 triệu đồng, 5 giải nhì mỗi giải 50 triệu đồng. Ngoài ra còn có 10 giải ba mỗi giải 20 triệu đồng, 20 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng.
Thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất diễn ra từ 3.9 đến hết 31.12.2019. Thời gian xét chọn góp ý, đề xuất từ tháng 1 đến tháng 3.2020 và Lễ tôn vinh và trao giải dự kiến tổ chức vào tháng 4.2020.
Thông tin chi tiết về hồ sơ tham dự được công khai trên website: doanhnhangopy.vn
|
Bình luận (0)