Mối họa hàng không từ các bầy chim

08/02/2025 06:30 GMT+7

Những vụ máy bay va phải chim xảy ra ngày càng thường xuyên và đã gây ra không ít tai nạn chết người, khiến các nước đầu tư công nghệ ngăn chặn.

Nhà chức trách Hàn Quốc vừa qua ra lệnh lắp đặt các hệ thống camera và radar phát hiện chim tại toàn bộ sân bay trong nước sau vụ tai nạn máy bay Jeju Air hồi cuối năm ngoái làm 179 người thiệt mạng. Phi công khi đó được cảnh báo nguy cơ tông phải chim và báo cáo sơ bộ cho thấy có máu và lông chim trong cả hai động cơ máy bay. Kết quả xét nghiệm trùng khớp với ADN của mòng két Baikal, loài vịt di cư phổ biến tại Hàn Quốc vào mùa đông, theo Reuters. Mặc dù kết luận cuối cùng chưa được đưa ra nhưng việc máy bay tông phải chim được cho là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn của vụ tai nạn.

Mối họa hàng không từ các bầy chim- Ảnh 1.

Bầy chim bay gần chiếc máy bay đang đáp xuống sân bay Reagan gần Washington D.C (Mỹ) hồi năm 2015

ẢNH: AFP

Thiệt hại lớn

Reuters dẫn số liệu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cho thấy hơn 90% vụ tông phải chim không gây thiệt hại cho máy bay. Tuy nhiên, số ít trường hợp còn lại vẫn gây thiệt hại lớn cho các hãng hàng không mỗi năm, thậm chí dẫn đến thương vong.

Đài WCNC dẫn báo cáo của FAA và Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy từ năm 1990 - 2023, có 296.613 vụ máy bay dân sự tông phải động vật hoang dã trên toàn cầu, hầu hết là chim. Khoảng 62% trường hợp xảy ra vào ban ngày và 61% xảy ra khi máy bay hạ cánh. Hơn 350 máy bay quân sự và dân sự toàn cầu bị thiệt hại vì tông phải chim từ 1988 - 2023 và làm hơn 491 người thiệt mạng, theo FAA.

Động cơ máy bay thương mại được thiết kế với khả năng tiếp tục hoạt động ngay cả khi có chim bị hút vào. Tuy nhiên, trục trặc có thể xuất hiện khi tông phải một bầy chim lớn. Năm 2009, máy bay của Hãng US Airways tông phải bầy ngỗng Canada, loài động vật hoang dã có thể nặng đến 6 kg, ngay sau khi cất cánh từ TP.New York. Hai động cơ của máy bay ngừng hoạt động và cơ trưởng hạ cánh thành công xuống sông Hudson giúp toàn bộ người trên máy bay sống sót trong sự kiện được biết đến là "Phép màu trên sông Hudson". Một trường hợp tương tự xảy ra tại Nga năm 2019 khi máy bay đáp thành công xuống cánh đồng bắp sau khi hỏng động cơ do tông phải chim.

Mối họa hàng không từ các bầy chim- Ảnh 2.

Hiện trường vụ máy bay Jeju Air gặp nạn tại sân bay Muan (Hàn Quốc)

ẢNH: REUTERS

Máy bay hư hỏng do tông phải chim có thể gây thiệt hại kinh tế lớn vì chi phí sửa chữa, thay thế các bộ phận máy bay thường mắc tiền. Bên cạnh đó, thời gian sửa chữa kéo dài gây thiệt hại cho hãng bay vì không thể vận hành. Chiếc máy bay B-737 MAX 8 của Hãng Southwest Airlines (Mỹ) cất cánh từ Cuba hồi tháng 3.2023 bị tông phải chim làm hư phần mũi và một động cơ ngừng hoạt động. Tuy máy bay hạ cánh khẩn thành công nhưng chi phí sửa chữa ước tính 14,5 triệu USD. Theo FAA, thiệt hại từ việc máy bay tông phải chim trong giai đoạn 1990 - 2019 tại Mỹ ước tính lên đến 500 triệu USD mỗi năm.

Nhiều biện pháp ngăn chặn

Theo Đài NPR, từ sau vụ việc năm 2009, chính phủ Mỹ đã dành hàng chục triệu USD để đầu tư nghiên cứu hệ thống phát hiện và theo dõi động vật hoang dã gần sân bay. Các sân bay sử dụng nhiều cách để xua đuổi chim như dùng đèn nhấp nháy, pháo, laser cầm tay, bù nhìn hay dựng lưới. Một số nơi sử dụng các phương tiện không người lái, thậm chí nuôi chó săn hoặc chim săn mồi để đuổi chim. Cũng có sân bay cải tạo khu vực xung quanh để không thích hợp cho chim sinh sống.

Nhà chức trách Hàn Quốc đã chỉ thị lắp đặt các camera hồng ngoại và radar cảnh báo chim tại toàn bộ các sân bay để kịp thời phát hiện và cảnh báo nguy cơ va chạm cho kiểm soát viên không lưu và phi công. Họ cũng triển khai thêm các phương tiện được lắp thiết bị sóng âm, phát ra âm thanh khó chịu để xua đuổi những loài chim lớn. Ngoài ra, Hàn Quốc còn xây dựng bộ khung pháp lý để di dời những cơ sở xử lý rác thải thực phẩm hoặc các vườn cây ăn trái ra xa các sân bay để chim không tụ tập.

Mỹ rà soát an toàn hàng không

Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) ngày 6.2 bắt đầu đánh giá các sân bay có mật độ hoạt động của máy bay và trực thăng cao sau vụ va chạm chết người gần thủ đô Washington D.C hồi tuần trước. Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện Ted Cruz cùng ngày yêu cầu FAA kiểm tra các vấn đề an toàn tại các sân bay có lưu lượng cao. Đêm 29.1, trực thăng Black Hawk của lục quân Mỹ va chạm với máy bay chở khách của American Airlines khiến 67 người trên hai phương tiện thiệt mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.