Mối họa rình rập 'huyết mạch của thế giới'

10/08/2024 05:30 GMT+7

Các tuyến cáp quang biển rất quan trọng trong liên lạc hiện đại nhưng lại mong manh trước những nhân tố đe dọa đến an toàn.

Gần như tất cả lưu lượng truy cập internet đều diễn ra thông qua cáp quang tốc độ cao được đặt dưới đáy đại dương. Theo tờ The Guardian, các tuyến cáp quang biển được xem như "mạch máu của thế giới hiện đại", tổng chiều dài gần 1,5 triệu km dưới biển, kết nối các quốc gia thông qua cáp vật lý truyền internet. Gần đây xuất hiện những mối lo ngại đến độ an toàn của mạng lưới cáp quang biển, có thể đến từ sự cố vô ý hay hành động phá hoại có chủ đích.

"Gót chân Achilles"

Kết nối toàn cầu ngày nay phụ thuộc lớn vào hệ thống cáp quang biển là điều có thể thấy rõ, song những sợi cáp nằm sâu dưới các đại dương lại mong manh và có thể bị khai thác.

Năm 2017, các quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) báo cáo rằng tàu ngầm Nga đã tăng cường giám sát các tuyến cáp internet ở vùng biển giữa châu Âu và Bắc Mỹ. Đến năm 2018, chính quyền Mỹ cấm vận một công ty Nga với cáo buộc đã cung cấp "năng lực dưới nước" cho Moscow, với mục đích giám sát mạng lưới viễn thông ở đại dương. Ngoài ra, cáp quang biển còn là trung tâm của "cuộc chiến gián điệp", khi các cường quốc công nghệ tìm cách thu thập tin tình báo bằng việc xâm nhập vào dữ liệu được truyền đi qua những sợi cáp.

Mối họa rình rập 'huyết mạch của thế giới'- Ảnh 1.

Công nhân lắp đặt cáp quang biển ở Nam Phi năm 2023

Reuters

Tuy nhiên, một báo cáo của Liên minh Châu Âu (EU) năm 2022 chỉ ra không có thông tin công khai và xác thực về cáo buộc một quốc gia hay nhóm phi nhà nước nào chủ đích tấn công vào mạng cáp ngầm. Báo cáo này cũng đề cập mỏ neo từ tàu thuyền, hoạt động đánh bắt cá và cá mập là nguyên nhân chính gây tình trạng đứt cáp.

Báo cáo khác của Mỹ cũng đề cập cáp ngầm dễ bị hư hại đến từ "sự cố vô tình do con người", nhắc đến trường hợp một con tàu đã vô tình làm đứt đoạn cáp viễn thông ngoài khơi Somalia, khiến quốc gia này mất kết nối internet trong 3 tuần, gây thiệt hại 10 triệu USD/ngày.

Xung đột toàn cầu cũng có tác động không mong muốn đến hệ thống cáp quang. Vào tháng 2, lực lượng Houthi đã tấn công tàu chở hàng Rubymar ở biển Đỏ. Truyền thông khi đó đưa tin việc con tàu bị đánh chìm đã khiến mỏ neo va đập, gây hư hại cho 3 đoạn cáp ngầm, làm gián đoạn một phần đáng kể lưu lượng truy cập internet giữa châu Á và châu Âu, theo Đài CBS News.

Phân bố không đều

Một số chuyên gia nêu vấn đề với cáp ngầm không chỉ đến từ các rủi ro nêu trên, mà còn là tình trạng phân bố không đồng đều của cơ sở hạ tầng cáp quang biển toàn cầu.

Ông Nicole Starosielski, giáo sư tại Đại học California - Berkeley (Mỹ), cho biết nhiều đoạn cáp tập trung ở Bắc Đại Tây Dương, kết nối châu Âu và Mỹ, nhưng lại không có nhiều ở Nam Đại Tây Dương. Do đó, một số khu vực có tốc độ kết nối internet cao, cũng như đảm bảo số lượng dự phòng trong trường hợp một đoạn cáp bị đứt. Ngược lại, hệ thống viễn thông một số nước có thể rơi vào tình trạng tê liệt khi đoạn cáp quang biển huyết mạch bị gián đoạn.

Dữ liệu từ Công ty nghiên cứu TeleGeography chỉ ra tính đến tháng 6, có hơn 600 tuyến cáp quang biển đang hoạt động hoặc đã được lên kế hoạch phát triển. Ví dụ cho sự phân bố không đồng đều có thể nhắc đến lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, với dân số 170.000 người và là nơi đặt căn cứ Hải quân Mỹ, có 10 tuyến cáp internet kết nối với hòn đảo này, trong khi hơn 100.000 dân ở Tonga thuộc châu Đại Dương chỉ có một tuyến cáp.

Sau vụ phun trào nham thạch năm 2022 ở Tonga khiến hạ tầng viễn thông nước này tê liệt do tuyến cáp quang biển duy nhất bị gián đoạn, các chính phủ trên khắp thế giới đã được thúc đẩy hành động, đưa ra các báo cáo về các lỗ hổng trong hệ thống cáp ngầm hiện có, trong khi các công ty công nghệ nỗ lực củng cố mạng lưới để đảm bảo sự kiện tương tự không tái diễn.

Hiện tại, các yếu tố cơ bản về kinh tế ủng hộ việc xây dựng thêm nhiều tuyến cáp hơn trên khắp thế giới và tập trung vào các thị trường mới nổi, nơi nhu cầu kỹ thuật số đang bùng nổ.

Công cụ cạnh tranh nước lớn

Bài viết trên Đài CNBC hồi tháng 7 cho hay với thông tin cáp quang ở biển Đỏ bị lực lượng Houthi làm gián đoạn hồi đầu năm, giới quan sát đã chú ý hơn đến những đoạn cáp ngầm và nhận định đây có thể là nhân tố mới nổi trong cạnh tranh địa chính trị nước lớn. Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 5 đã cảnh báo những tập đoàn công nghệ lớn đang đầu tư vào cáp quang biển, bao gồm Alphabet và Meta, về nguy cơ hệ thống viễn thông đại dương bị chọn làm mục tiêu do thám từ đối thủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.