Năm 2020, dịch tả heo châu Phi cùng hàng loạt dịch bệnh khác đã đẩy giá heo lên cao chót vót. Những ngày cận tết này, giá thịt heo càng tăng, trong bối cảnh tập quán của người Việt vẫn thường sử dụng thịt heo trong các mâm cúng, tiệc tùng...
Hiện nay, chỉ riêng ở Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) hằng ngày có từ 1.000 - 3.000 con heo được nhập về qua đường chính ngạch. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Bởi ai cũng biết nạn buôn heo lậu đang diễn ra âm ỉ, thông qua các con đường tiểu ngạch bên cánh gà cửa khẩu và dọc con sông biên giới Sê Pôn. Để chống đầu nậu buôn heo lậu, biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã lập 23 chốt với 71 cán bộ, chiến sĩ ứng trực 24/24; đồng thời đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tăng thêm quân số.
Tuy nhiên, vòi bạch tuộc của “heo lậu” vẫn chưa bị chặt đứt. Đặc biệt là chỉ ở ngay sau lưng cửa khẩu, khu vực TT.Lao Bảo và TT.Khe Sanh có nhiều trại heo. Gian thương rất dễ hợp thức hóa, tuồn ra thị trường mỗi khi heo lậu lọt lưới.
Điều ai cũng biết, nhập lậu heo trót lọt sẽ mang đến lợi nhuận lớn cho đầu nậu, người buôn. Nhưng cần phải siết chặt việc này, bởi nguy cơ hiển hiện về bệnh dịch liên quan lượng heo không được kiểm dịch, thứ đến là việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... Sẽ ra sao nếu người tiêu dùng ăn phải thịt “bẩn”?
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của PV Thanh Niên mới đây, thượng tá Hoàng Hữu Thiện, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cho biết cần phải có sự vào cuộc của nhiều ngành, chính quyền và của người dân nữa mới dập được nạn heo lậu, chứ mỗi mình biên phòng làm không xuể. Đặc biệt là khi người dân nhìn nhận được sự nghiêm trọng của hành vi này, không tiếp tay, không vì những món lợi nhỏ để gây họa cho ngành chăn nuôi và sức khỏe của người tiêu dùng..., thì mới kiểm soát được nguy cơ dịch chồng dịch.
Bình luận (0)