Mỗi học sinh tiểu học phải sắm một máy tính bảng ! - Kỳ 2: Khi nhà quản lý chuộng hình thức

21/08/2014 03:00 GMT+7

Thế hệ chúng tôi cách đây mấy chục năm cũng đã từng xài “máy tính bảng”, là loại bảng con cỡ bằng cuốn tập, sơn đen, mỏng và nhẹ hơn máy tính bảng thiệt rất nhiều.

Mỗi học sinh tiểu học phải sắm một máy tính bảng ! - Kỳ 2: Khi nhà quản lý chuộng hình thức
Mọi thông số trong đề án khi được giới thiệu từ số học sinh, trường, lớp đến mô tả tính năng máy móc... tất cả đều nhằm mục đích thuyết phục mọi người bỏ tiền ra để trang bị máy móc - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chỉ cần thêm viên phấn, chúng tôi hào hứng làm toán trên bảng, hăm hở chờ hiệu lệnh của cô giáo để tự hào đưa cao tấm bảng lên khoe kết quả.

Nay Sở GD-ĐT TP.HCM đang chuẩn bị bắt phụ huynh mua hơn 300.000 máy tính bảng cho học sinh các lớp 1 - 3, âu cũng là sự thay đổi của công nghệ trước sau gì cũng phải tính. Nhưng từ chiếc bảng con đến máy tính bảng có phải là sự tiến bộ hay không vẫn là vấn đề đang tranh cãi.

 

Chúng tôi đã vận dụng hết trí tưởng tượng cũng không thể hiểu nổi vì sao phải chi 250 triệu đồng cho mỗi hiệu trưởng để đào tạo trong 4 tuần tại Nhật Bản hay Hàn Quốc? Còn hiệu phó và giáo viên trực tiếp giảng dạy thì chỉ đào tạo 1 tuần tại chỗ; riêng giáo viên dạy tiếng Anh lại đào tạo 3 tháng, chi phí đến 55 triệu đồng mỗi giáo viên?

Hãy để trẻ ngẩng đầu lên nghe thầy cô

Kể từ chiều 18.8, lúc Sở GD-ĐT tổ chức hội thảo “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” đến nay, hầu như tất cả ý kiến của dư luận trên báo chí và trên các diễn đàn khác là phản đối. Lý do phản đối rất đa dạng, rất phong phú từ cái hại cho trẻ nhỏ khi phải tiếp xúc với máy tính quá sớm đến gánh nặng tiền bạc cho phụ huynh; từ nguy cơ thương mại hóa đến lãng phí nguồn lực trong điều kiện ngân sách eo hẹp. Nhưng điều đáng ghi nhận nhất nằm ở chỗ, những phản ứng mạnh nhất, thuyết phục nhất lại đến từ các chuyên gia lâu năm trong ngành công nghệ thông tin, những người hiểu rõ sức mạnh và hạn chế của công nghệ lên con người.

Cái bảng con ngày xưa, các que tính ngày xưa chỉ đơn thuần là công cụ. Nó không phải là trung tâm chú ý; sách giáo khoa trong lớp học cũng không phải là trung tâm chú ý. Với chúng tôi ngày đó, trung tâm chú ý là lời giảng bài của thầy cô giáo, là “tương tác” hiểu theo nghĩa đen với bạn bè trong lớp để xem bạn mình trả lời thầy cô như thế nào, để rồi hăm hở đưa tay xin phát biểu.

Đó chính là ý nghĩa của giáo dục, nhất là ở cấp tiểu học, nơi tạo ra môi trường cho các em tiếp xúc dần với thế giới đa dạng, phức tạp và khó hiểu bên ngoài. Cứ tưởng tượng một lớp học mỗi em chúi mũi vào một chiếc máy tính bảng, cứ xoa xoa, bấm bấm thì còn gì là môi trường giáo dục đúng nghĩa nữa.

Cho dù thể hiện dưới hình thức nào đi nữa thì sách giáo khoa và máy tính bảng trong môn toán cũng sẽ chỉ nhằm rèn luyện cho các em kỹ năng làm các phép tính. Nhưng sự đời nếu đơn giản như vậy, có lẽ mỗi nhà chỉ cần mua một máy tính bảng cho con và để chúng tự học ở nhà cũng được.

Làm sao máy móc có thể thay thế vai trò của thầy cô, với những ví dụ sinh động để giúp các em hiểu ý nghĩa của phép cộng trừ nhân chia. Đừng tước mất những giờ phút quý báu của tuổi thơ khi bắt các em chúi mũi vào chiếc máy tính bảng vô hồn; hãy để các em ngẩng đầu lên nghe thầy cô, nghe bạn bè và học từ sự tương tác giữa người với người, chứ không phải giữa người với máy.

Chỉ e rằng trang bị hơn 300.000 chiếc máy tính bảng thì cả thầy cô lẫn học sinh sẽ chỉ loay hoay chuyện tìm chỗ sạc pin cho máy do quên đồ sạc ở nhà, loay hoay tìm cách vào mạng wifi vì các em lớp 1 lớp 2 làm sao biết gõ password vào chỗ nào, rồi loay hoay bày em này mở phần mềm này, chỉ em kia bấm nút nọ... Giả thử cúp điện, giả thử đường truyền internet bị trục trặc, không lẽ lúc đó thầy trò ngồi chờ? Lúc đó có mơ đến cái bảng con với miếng giẻ lau thì đã muộn!

Đừng soạn đề án từ góc độ bán máy

Nhìn ở góc độ nội dung dạy và học, nếu đọc lại đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014 - 2015” của Sở GD-ĐT TP.HCM, không thể kết luận gì khác hơn là người soạn đề án chỉ nhằm mục đích bán máy! Mọi thông số từ số học sinh, trường, lớp đến mô tả tính năng máy móc... tất cả đều nhằm mục đích thuyết phục mọi người bỏ tiền ra để trang bị máy móc - là cái vỏ bên ngoài. Phần này rất chi li, cụ thể, ví dụ: mỗi phòng học sẽ có hệ thống âm thanh gồm ampli, loa, microphone trị giá 25 triệu đồng.

Nhưng câu hỏi lớn nhất, máy móc sẽ làm điều gì mà trước đó con người không làm được, tức nội dung “đổi mới cơ bản và toàn diện” như tiêu đề của đề án sẽ như thế nào thì đề án hoàn toàn không có dòng nào cả.

Cách tiếp cận của đề án là “tô đậm” các tính năng “ngon lành” của phần mềm, của máy móc như “tính năng cân bằng tải động” (tức cho phép chia tải giữa các máy chủ khi có số lượng lớn người sử dụng cùng truy cập vào chương trình. Đây chính là ngôn ngữ của nhà bán máy chứ không phải là ngôn ngữ của nhà giáo dục làm đề án). Trong khi đó, lẽ ra người soạn đề án phải xuất phát từ thực tiễn dạy và học ở các lớp 1, 2, 3 xem có phần nào có thể “số hóa” được; phần nào đưa lên máy tính bảng thì đạt hiệu quả nghe nhìn cao hơn; phần nào dùng bảng tương tác giảng bài cho học sinh sẽ giúp các em hiểu bài nhanh hơn; từ đó nội dung chính của đề án là cách thức “số hóa” từ nội dung bài giảng đến phương pháp truyền đạt; các bài luyện tập, các kỹ năng kỳ vọng học sinh sẽ nắm được. Và đề án phải làm được việc quan trọng nhất là phân bổ chương trình, cái nào cải tiến theo phương pháp mới, cái nào duy trì như hiện nay; việc đào tạo kỹ năng mới cho giáo viên sẽ được tiến hành như thế nào...?

Thú thiệt, chúng tôi đã vận dụng hết trí tưởng tượng cũng không thể hiểu nổi vì sao phải chi 250 triệu đồng cho mỗi hiệu trưởng để đào tạo trong 4 tuần tại Nhật Bản hay Hàn Quốc? Còn hiệu phó và giáo viên trực tiếp giảng dạy thì chỉ đào tạo 1 tuần tại chỗ; riêng giáo viên dạy tiếng Anh lại đào tạo 3 tháng, chi phí đến 55 triệu đồng mỗi giáo viên?

Hiện nay nỗ lực số hóa sách giáo khoa các cấp đã được các tổ chức lẫn cá nhân làm khá tốt. Một số phần mềm hỗ trợ học sinh tiểu học dùng trên máy tính bảng cũng đã xuất hiện. Cách làm tốt nhất là khuyến khích các trường tự thí điểm, mỗi trường xây dựng một lớp để các em thay nhau vào học thử trong môi trường “số hóa”, tương tác với máy; chắc chắn sẽ có nơi sẵn sàng cung cấp miễn phí với hy vọng trúng thầu sau này. Xong rồi khảo sát kết quả, rút ra kết luận từ đó mới cân nhắc làm đại trà hay không. Cứ làm theo kiểu đặt mọi chuyện vào sự đã rồi để bán máy, bán phần mềm và bán dịch vụ đào tạo giáo viên là không thể chấp nhận được.

Ý kiến:

Học sinh lớp 1 chủ yếu rèn cầm bút đúng tư thế

Chúng tôi cũng chỉ cần sưu tầm những đoạn phim đưa vào giáo án điện tử để giúp học sinh nhận biết dễ dàng hơn. Còn lại, với học sinh lớp 1, chủ yếu là giáo viên rèn kỹ năng cầm bút, cầm sách đúng tư thế chứ chưa cần thiết phải đưa một thiết bị sách giáo khoa hiện đại vào thay thế cho sách giáo khoa truyền thống.

Một giáo viên lớp 1
(Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh)

Nếu không có gì ưu việt thì đừng làm

Xét ở khía cạnh kinh tế, nhiều gia đình khó khăn thì làm sao kham nổi. Ngoài ra dùng máy tính bảng để bê nguyên xi nội dung sách giáo khoa giấy sang điện tử mà không có gì ưu việt thì đừng làm.

TS Bùi Thanh Truyền
(giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Nếu học sinh tiếp xúc cả ngày với màn hình...

Điều tôi băn khoăn là bộ thiết bị đi kèm trong phòng học thông minh để có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Nếu những thiết bị này có chi phí lớn thì phụ huynh lại phải đóng thêm một khoản phí nữa. Ngoài ra, nếu như học sinh tiếp xúc cả ngày với màn hình như vậy chắc chắn sẽ không ổn cho thị lực.

N.Minh
(phụ huynh, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1)

Cướp giật sẽ hoành hành

Tôi có con mới vào lớp 1. Nhưng tôi không đồng tình với đề án này. Cướp sẽ nhắm vào những phụ huynh đưa đón con đi học (nhất là phụ huynh nữ) để giật ba lô, túi xách. Lúc đó, thành phố sẽ loạn với cướp giật. Tôi không lo bị cướp máy tính bảng, mà chỉ sợ bị tai nạn khi bị cướp giật. Tôi khẩn thiết, cầu xin các cấp xem xét kỹ trước khi thực hiện bất kỳ đề án gì.

Tăng Thoại Minh
(Q.5, TP.HCM)

Nguyễn Vũ Phan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.