Trước đó 4.5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng giá điện thêm 3% sau 4 năm neo giá, lên mức giá điện bán lẻ bình quân là 1.920,37 đồng/kWh.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế xã hội của Ủy ban Kinh tế Quốc hội trình tại phiên họp 23 sáng 9.5 đã chỉ ra, việc tăng giá này của EVN khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm.
Cơ cấu giá điện không hợp lý, khi giá điện sinh hoạt vẫn bù cho sản xuất, trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
"Chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái", Ủy ban Kinh tế nhận xét.
Trước đó, theo công bố của Bộ Công thương vào cuối tháng 3, với mức giá bán lẻ bình quân ở thời điểm trước khi tăng giá là 1.864,44 đồng, EVN bán lỗ gần 168 đồng/kWh.
Chi phí đầu vào tăng vọt, chủ yếu từ khâu phát điện tăng gần 21,5% so với 2021 do giá nhiên liệu (than, khí, dầu) leo thang, nên tập đoàn này lỗ hơn 36.294 tỉ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Sau khi trừ đi thu nhập tài chính khác, số lỗ của EVN năm ngoái hơn 26.200 tỉ đồng.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ này và sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.
Đặc biệt, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn, được thể chế hoá trong các chiến lược, cơ chế khuyến khích phát triển của Chính phủ. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này còn khó khăn khi điện tái tạo sản xuất không bán được, chưa thống nhất được về cơ chế giá. Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch điện VIII chậm ban hành.
Trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu tiềm ẩn thiếu minh bạch
Theo báo cáo của Chính phủ, thị trường xăng dầu trong nước sau những biến động năm 2022, đầu năm 2023 có xáo trộn do sự cố Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nên hàng cung ứng trong 10 ngày đầu năm bị giảm 20 - 25%, nhưng hiện đã ổn định. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hiện đã vận hành 107% công suất, bù lượng thiếu hụt xăng dầu trong thời gian sự cố. Nguồn cung trong nước đảm bảo.
Tuy nhiên, tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho rằng, từ tháng 10.2022 đến nay, giá xăng dầu được kiểm soát, nguồn cung trong nước đủ nhưng nhiều cửa hàng vẫn ngừng kinh doanh, dẫn đến tình hình thiếu hụt xăng dầu cục bộ diễn ra tại một số địa phương.
Theo phản ánh của các tổ chức, doanh nghiệp, nguyên nhân chính do các quy định về phương pháp tính giá chưa phù hợp với biến động thị trường, chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, không có tính cạnh tranh, chưa đủ bù đắp chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ.
Bộ Công thương đã áp dụng giải pháp tình thế là sử dụng lực lượng Quản lý thị trường để xử phạt các cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng bán không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước.
Song điều này lại dẫn đến nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng “đối phó” bằng cách bán hàng “nhỏ giọt”. Tháng 2.2023, trước sự phản ứng từ các doanh nghiệp bán lẻ, có thời điểm nhiều doanh nghiệp đầu mối, phân phối đã đồng loạt nâng mức chiết khấu để giảm bớt tồn kho, thu hồi vốn. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được căn cơ vấn đề.
“Việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu dẫn đến bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, tiềm ẩn sự không minh bạch", Ủy ban Kinh tế nhận xét.
Chẳng hạn, trong kỳ điều hành, nếu chỉ sử dụng quỹ thì giảm bớt biên độ biến động giá, nhưng nếu giá thế giới tiếp tục tăng trong kỳ điều hành tiếp theo mà Quỹ bình ổn không còn thì giá trong nước sẽ cao hơn thế giới. Thanh tra Chính phủ cũng đã nhận xét quản lý Quỹ bình ổn giá "còn nhiều vấn đề, gần như không quản lý được".
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP để kịp thời tháo gỡ hạn chế trên thị trường xăng dầu.
Giá điện tăng 3% kể từ ngày 4.5
Bình luận (0)