Mối lo thực từ 'giang hồ sống ảo': Rao bán vũ khí, mua bán xe gian

02/04/2019 05:00 GMT+7

Trên trang Facebook “Công cụ hỗ trợ”, thành viên đăng hình ảnh rao bán các loại súng, mã tấu, dao bấm, dao xếp... với giá từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng.

Không chỉ đăng tải clip đâm chém, thu nạp thành viên, đe dọa hoặc lên kế hoạch thanh toán lẫn nhau, giang hồ trên mạng còn lập các “hội” trên Facebook để buôn bán công cụ hỗ trợ, đe dọa trực tiếp đến an ninh trật tự xã hội.
[VIDEO] Khá Bảnh là ai, tại sao anh ta nói toàn chuyện "đạo lý" mà vẫn bị bắt?

“Tiếp thị” vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng

Trên trang Facebook “Công cụ hỗ trợ”, thành viên đăng hình ảnh rao bán các loại súng, mã tấu, dao bấm, dao xếp... với giá từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng. Facebook “Đồ tự vệ, quân dụng, công cụ hỗ trợ” cũng đăng tải hàng loạt mã tấu, kiếm Nhật, dao phát, súng tự chế... với giá từ 1 - 70 triệu đồng. Hay shop “Chợ mua bán vũ khí tự vệ” với gần 4.000 lượt theo dõi cũng rao bán những loại vũ khí như dao, kiếm, súng... Điều đáng nói, rất nhiều “khách” hỏi mua. Các tài khoản rao bán đăng tải hình ảnh, khẳng định chất lượng, hàng thật, bao kiểm tra, bao xài kèm số điện thoại và có thể giao dịch nhanh trong ngày.
Băng nhóm tiêu thụ xe máy trộm cắp bị Công an Q.Tân Phú bắt giữ
Mới đây, cuối tháng 12.2018, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) triệt phá 2 đường dây mua bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên mạng, thu được 3.500 vũ khí như: súng bắn điện, đạn, pháo nổ... tại nhà của 2 “ông trùm” Phan Văn Trí, Dương Văn Lập (đều tạm trú Q.Gò Vấp, TP.HCM). Khám xét nơi ở của Trí, công an thu giữ 5 súng bắn điện, 33 viên đạn để sử dụng súng bắn điện, nhiều gói bi pháo nổ, pháo hoa bông, 8 bình xịt hơi cay, 51 roi điện.
Cùng lúc, một tổ công tác khác cũng thu giữ tại phòng trọ của Lập: 8 khẩu súng loại bắn đạn nổ đầu bi; 1 súng hơi loại nổ đầu bi - có tầm sát thương cao; hơn 2.000 hộp đạn súng hơi; 19 cây kiếm các loại; 2 cây súng điện kèm 24 đạn súng điện; hàng chục hộp đạn bi sắt, bi nhựa, đạn chì; 3,6 kg đạn chưa đóng gói; 150 bình xịt hơi cay...
Tại cơ quan công an, 2 nghi can khai nhận đặt mua vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ từ Trung Quốc rồi chuyển vào TP.HCM để tiêu thụ thông qua trang web và Facebook. Trí và Lập thường đăng trên mạng các bài viết giới thiệu các loại công cụ hỗ trợ như: bình xịt hơi cay, gậy ba khúc, tuýp sắt, súng điện, dao gấp, súng hơi, đạn... Hằng ngày, đường dây của Trí và Lập giao dịch với rất nhiều khách trên cả nước.

Lập “hội kín”, ủ mưu bất chính

Các nhóm tội phạm cũng tận dụng không gian mạng lập nên những “hội kín”, “bàn mưu, tính kế” để vi phạm pháp luật. Cụ thể, năm 2017, Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM) xác lập chuyên án điều tra đã triệt phá đường dây mua bán xe trộm cắp, làm giả giấy tờ, biển số xe máy, bắt 14 người. Điều đáng nói, băng nhóm này hoạt động rất tinh vi, tất cả giao dịch, trao đổi đều thực hiện trên các nhóm kín Facebook (do băng nhóm này lập ra) gây rất nhiều khó khăn trong công tác điều tra, thu thập chứng cứ.
49 xe máy trộm cắp bị Công an Q.Tân Phú thu giữ trong chuyên án ẢNH: CÔNG NGUYÊN
49 xe máy trộm cắp bị Công an Q.Tân Phú thu giữ trong chuyên án ẢNH: CÔNG NGUYÊN
Theo Công an Q.Thủ Đức, 3 nghi phạm gồm: Dương Hoàng Long (32 tuổi), Nguyễn Hoàng Vũ (26 tuổi) và Nguyễn Hữu Huy (22 tuổi) được xác định là cầm đầu đường dây thu mua xe máy trộm cắp và làm giả giấy tờ, biển số xe máy. Đường dây này hoạt động rộng khắp tại 7 tỉnh thành như: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Gia Lai… Tất cả việc trao đổi thông tin đều thực hiện qua “hội kín” trên Facebook.
Các nghi phạm trong đường dây mua bán xe trộm cắp bị Công an Q.Thủ Đức bắt giữ
Các nghi phạm trong đường dây mua bán xe trộm cắp bị Công an Q.Thủ Đức bắt giữ
Trong quá trình điều tra, công an phát hiện các nghi phạm thu mua xe máy trộm cắp, sau đó gọi cho Long và Vũ làm giấy đăng ký, biển số xe giả. Làm xong giấy tờ giả, Long và Vũ giao cho Huy và các đồng phạm rao bán trên mạng xã hội. Mỗi chiếc xe các nghi phạm này kiếm lời từ vài triệu đến vài chục triệu đồng và chia nhau tiêu xài. Sau thời gian điều tra, các mũi trinh sát hình sự Công an Q.Thủ Đức đã đồng loạt bắt giữ 14 nghi phạm, thu giữ 16 xe máy, 1 ô tô và nhiều giấy tờ, biển số xe máy giả tại 7 tỉnh.

Cần phạt nặng, xử lý hình sự


Một lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết thời gian qua Bộ Công an đã triệt phá nhiều đường dây mua bán súng, đạn (vũ khí, công cụ hỗ trợ...) qua mạng. Tuy nhiên, tình hình mua bán công cụ hỗ trợ qua mạng xã hội có xu hướng ngày càng phức tạp, công khai.
Theo vị này, điểm a, c, khoản 5, điều 10 của Nghị định 167/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội… quy định người nào có hành vi sản xuất, sửa chữa, mua bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ mà không có giấy phép sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng; nặng hơn thì cơ quan công an sẽ xử lý hình sự tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo điều 230 bộ luật Hình sự.
Còn theo luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn luật sư TP.HCM, Nghị định 72/2013 đã tạo ra một khung pháp lý, quy định rõ nghiêm cấm các hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng xã hội để tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Ngoài ra, theo điểm b khoản 4 điều 66 Nghị định 174/2013, người thực hiện những hành vi truyền bá các nội dung nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng. Đồng thời khi các cá nhân, tổ chức vi phạm gây thiệt hại còn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo hình thức bồi thường ngoài hợp đồng. Nếu nghiêm trọng thì có thể xử lý hình sự về các tội danh liên quan đến lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại điều 331 bộ luật Hình sự 2015.
Cần có trách nhiệm lên án những hành vi xấu trên mạng xã hội
Liên quan đến vấn nạn “giang hồ sống ảo”, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, cũng đặt vấn đề: “Chúng ta vừa ban hành luật An ninh mạng để kiểm tra, xử lý những hiện tượng trên không gian mạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng dường như đang chú ý nhiều hơn đến các vấn đề chính trị mà chưa chú ý nhiều tới các hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong khi chính văn hóa mới là cái gốc của xã hội. Nếu không quan tâm một cách đúng mực tới chuẩn mực văn hóa ứng xử thì nó có thể là nguồn gốc dẫn tới những bất ổn về mặt chính trị”, GS Thuyết nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị những người tham gia mạng xã hội cũng cần có trách nhiệm lên án những hành vi xấu, phổ biến những giá trị nhân văn của dân tộc và thời đại, có như vậy mới hạn chế được những hiện tượng lệch chuẩn văn hóa như vừa qua.
Lê Hiệp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.