Mối lo Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông được Thượng viện Mỹ bàn luận

30/01/2019 08:38 GMT+7

Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cho rằng nhiều người chưa hiểu hết về tính nguy hiểm của việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Tờ Navy Times ngày 30.1 dẫn lời chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ James Inhofe cho rằng hành động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông cũng giống như “chuẩn bị cho Thế chiến 3”.
Ông Inhofe đưa ra phát biểu tại phiên họp của Thượng viện nhằm thảo luận về các thách thức từ việc phát triển quân sự của Trung Quốc và Nga, với các ý kiến về việc làm rõ những nguy cơ đối với trật tự thế giới.
Với sự hiện diện ở Biển Đông cũng như Tây Thái Bình Dương nói chung, Mỹ đã theo dõi việc Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể trước khi đưa vật liệu và khí tài đến đây, theo ông Inhofe.
Ông Inhofe cùng những nghị sĩ và chuyên gia điều trần trước Ủy ban Quân vụ nhấn mạnh rằng nhiều người dân Mỹ có thể chưa hiểu hết sự cấp bách trong nguy cơ Trung Quốc đe dọa Mỹ và trật tự thế giới.
“Tôi lo ngại rằng thông điệp của chúng ta chưa truyền tải hết”, ông Inhofe nói, đồng thời nhắc lại các nghiên cứu về việc Mỹ và NATO có thể thua trước “một cuộc chiến với Nga”, trong khi Bắc Kinh và Moscow hiểu rõ điều này.
Trước đó vào ngày 29.1, tờ The Japan Times đưa tin Trung Quốc vừa ngang nhiên mở trung tâm cứu hộ hàng hải trên đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tân Hoa xã biện hộ cho hành động phi pháp của Bộ Giao thông nước này là nhằm “bảo vệ tốt hơn an toàn lưu thông và vận tải” ở Biển Đông. Trước đó vào tháng 7.2018, Trung Quốc ngang ngược thông báo sẽ mở trạm tìm kiếm cứu hộ trên đá Xu Bi tại Trường Sa.
Các động thái trên nằm trong chuỗi hoạt động phi pháp của Bắc Kinh tại quần đảo Trường Sa, bất chấp việc Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần phản đối, yêu cầu dừng các hoạt động đó và khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam tại vùng biển này.
[VIDEO] Tàu chiến Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.