Trong 2 tuần qua, truyền thông và các cơ quan nghiên cứu quốc tế liên tục đưa tin về việc Trung Quốc triển khai tên lửa và máy bay quân sự đến các thực thể đảo mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN.
Mạng lưới hỏa lực không - hải
Cụ thể, đầu tháng 5, kênh CNBC dẫn một số nguồn tin tiết lộ trong 30 ngày trước đó, Trung Quốc đã âm thầm điều tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa đối không HQ-9B đến 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa. Trong đó, YJ-12B đạt tốc độ nhanh gần gấp 3 lần vận tốc âm thanh cùng tầm bắn có thể lên đến 400 km (tùy phiên bản cụ thể). Còn HQ-9B là hệ thống tên lửa phòng không “S-300 phiên bản Trung Quốc” thì nhanh hơn 4 lần tốc độ âm thanh, đạt tầm bắn 200 km chuyên dụng đánh chặn máy bay và tên lửa.
Rồi ngày 9.5 vừa qua, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) đăng bài phân tích cùng hình ảnh vệ tinh chụp vào cuối tháng 4 cho thấy máy bay quân sự Y-8 của Trung Quốc xuất hiện trên đường băng thuộc đá Xu Bi.
tin liên quan
Trung Quốc tăng hoạt động quân sự ở Biển ĐôngBước ngoặt đáng lo ngại
Ngày 12.5, trả lời Thanh Niên, ông Gregory B.Poling, Giám đốc AMTI, nhận xét rằng: “Những gì chúng ta nhìn thấy là bằng chứng Trung Quốc vẫn ra sức thiết lập sự thống trị trên toàn bộ Biển Đông bằng biện pháp đe dọa quân sự”. Ông chỉ ra sự “hai mặt” trong cách hành xử của Trung Quốc: “Dù đang đàm phán với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông và có những động thái tỏ ra “thân thiện” với Philippines cùng một số bên, nhưng thực tế thì Bắc Kinh vẫn đang tăng cường sức mạnh quân sự ở quần đảo Trường Sa. Việc triển khai tên lửa đánh chặn đặt ra một bước ngoặt đáng lo. Vì giờ đây, máy bay hay tàu thuyền đi trên khu vực Biển Đông thì đều nằm trong tầm đánh phá của tên lửa Trung Quốc”.
Theo chuyên gia Poling, thực tế trên tạo điều kiện cho Bắc Kinh “giương oai diễu võ”, dùng “cơ bắp” đe dọa các nước trong khu vực nhằm mở đường cho Trung Quốc độc chiếm cả không phận lẫn hải phận trong cái gọi là “đường lưỡi bò” mà nước này dùng để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Lợi dụng tình hình
Giải thích cho lý do Bắc Kinh gần đây cấp tập quân sự hóa Biển Đông, bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu sức mạnh Trung Quốc - CSIS, nhận xét: “Tôi tin rằng Bắc Kinh đang có một chiến lược dài hạn nhằm tăng cường kiểm soát Biển Đông. Tốc độ thực hiện kế hoạch đó của họ có thể thay đổi dựa trên thực tế với nhiều yếu tố khác nhau như phản ứng của Mỹ, quan hệ giữa Bắc Kinh với một số bên trong khu vực. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây từng tuyên bố Trung Quốc sẽ gánh chịu hậu quả dài hạn lẫn ngắn hạn khi có hành động gây rối trên Biển Đông. Nhưng thực tế Washington chưa có phản ứng đủ mạnh để buộc Bắc Kinh phải thay đổi kế hoạch”.
|
Tương tự, TS Satoru Nagao, chuyên gia về châu Á tại Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ), đánh giá Bắc Kinh đang tận dụng cơ hội từ tình hình bán đảo Triều Tiên để đẩy mạnh triển khai khí tài trên Biển Đông. Theo vị chuyên gia này, Mỹ gần đây cần sự phối hợp với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên - vốn đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Thừa cơ, Bắc Kinh âm thầm đưa tên lửa đến Trường Sa.
Sẽ còn leo thang
Từ những thực tế trên, bà Glaser lo lắng Bắc Kinh sẽ tiếp tục leo thang bằng việc điều động chiến đấu cơ đồn trú luân phiên ở Trường Sa.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Harry J.Kazianis, Tổng biên tập The National Interest - Giám đốc nghiên cứu quốc phòng của Trung tâm lợi ích quốc gia Mỹ, đánh giá: “Sắp tới, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ triển khai cả chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-20, chiến đấu cơ Su-35 đồn trú ở các thực thể trên Biển Đông. Thậm chí, nhằm tăng cường khả năng kiểm soát bầu trời, sẽ chẳng quá bất ngờ nếu Bắc Kinh đưa cả hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 ra Biển Đông. Khi đó, họ sẽ nâng năng lực phong tỏa, chống tiếp cận của mình tại đây lên một mức độ mới đáng quan ngại”.
Lo lắng của ông Kazianis không hề quá lời. TS Koh Swee Lean Collin, chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), cũng phân tích với Thanh Niên rằng đường băng trên đá Xu Bi đủ sức chứa máy bay vận tải hạng nặng Y-20. Đây là loại máy bay vận tải hạng nặng, đủ để chở theo các hệ thống tên lửa lớn. Rồi tờ South China Morning Post ngày 11.5 cho biết chiến đấu cơ tàng hình J-20 của nước này vừa thực hiện đợt huấn luyện trên biển đầu tiên, qua đó giới phân tích ở chính Trung Quốc dự đoán PLA sẽ triển khai J-20 xuống Biển Đông trong tương lai.
Cần nỗ lực quốc tế
Từ những mối lo ngại vừa nêu, ông Kazianis cho rằng Mỹ phải có trách nhiệm đối với sự ổn định của vùng biển này, nên Washington cần tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực nhằm ngăn cản chiến lược độc chiếm của Bắc Kinh.
Tương tự, TS Patrick Cronin, Giám đốc cấp cao Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh nước Mỹ mới (có trụ sở tại Washington), đánh giá: Song hành cùng việc phô diễn hình ảnh kinh tế trỗi dậy, Bắc Kinh đồng thời cũng đang tạo nên bất ổn lớn ở Biển Đông. Các nước có chủ quyền trong khu vực rõ ràng cần phối hợp với nhau để chia sẻ lợi ích chung là duy trì các quy tắc dựa trên luật pháp quốc tế.
Sự dối trá của Bắc Kinh
Bao lâu nay, mỗi khi dư luận quốc tế chỉ trích việc Trung Quốc liên tục xây dựng và triển khai khí tài ở các thực thể đảo trên Biển Đông, thì Bắc Kinh lại lên tiếng biện minh rằng họ không hề quân sự hóa. Thế nhưng, đến nay thì thực tế cho thấy Bắc Kinh đã dối trá.
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh dối trá với thế giới. Trong quá khứ, Trung Quốc cho người đi mua lại hàng không mẫu hạm cũ từ Ukraine với lý do hoán cải thành sòng bài nổi. Nhưng cuối cùng thì đến nay, chiếc tàu này đã trở thành hàng không mẫu hạm Liêu Ninh hoạt động đầy đủ tính năng tác chiến. Nếu Bắc Kinh điều động tàu sân bay Liêu Ninh đến Biển Đông để phối hợp với lực lượng chiến đấu cơ, tên lửa ở khu vực này thì sẽ hình thành một sức mạnh quân sự rất lớn.
Đó là chưa kể nguy cơ Bắc Kinh triển khai cả tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân xuống khu vực này nhằm “dằn mặt” Mỹ, đồng thời chặn kế hoạch Hướng Đông của Ấn Độ và gây khó cho tứ giác an ninh Ấn - Mỹ - Nhật - Úc. Điều đó sẽ gây ra nhiều bất ổn cho tình hình khu vực.
TS Satoru Nagao
(chuyên gia về châu Á tại Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) |
Bình luận (0)