Mối lo vi mạch gián điệp từ Trung Quốc

12/10/2018 06:30 GMT+7

Thông tin vi mạch gián điệp đang làm rúng động trung tâm dữ liệu toàn cầu cũng như các tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử.


Các trung tâm dữ liệu toàn cầu đang trong tình trạng báo động về khả năng bảo mật sau thông tin vi mạch có kích thước siêu nhỏ (microchip) của Trung Quốc có thể đã được lén đưa vào phần cứng nhiều bảng mạch điện tử của ít nhất 30 công ty và cơ quan tại Mỹ, theo Nikkei Asian Review. Dù Hãng công nghệ Apple và dịch vụ thương mại điện tử Amazon đã bác bỏ thông tin cho rằng trung tâm dữ liệu đặt ở Công ty Super Micro Computer bị cài vi mạch gián điệp, nhưng vẫn chưa thể trấn an thị trường vi mạch điện tử và lưu trữ dữ liệu.
Theo thông tin được đăng trên Bloomberg Businessweek, các vi mạch nhỏ như hạt gạo đã được bí mật cài vào phần cứng các máy chủ để tiếp cận trung tâm dữ liệu của nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhằm tìm kiếm thông tin thương mại bí mật, nhạy cảm và dữ liệu an ninh quốc gia. Bài báo dựa trên điều tra kéo dài hơn 1 năm với trên 100 cuộc phỏng vấn, trong đó có nhiều quan chức an ninh cấp cao đương chức, về hưu cùng nhân viên Apple và Amazon. Ít nhất 17 người xác nhận có việc lén đặt vi mạch vào phần cứng của Super Micro Computer, công ty có trụ sở tại California (Mỹ) chuyên sản xuất và cung cấp linh kiện máy chủ cho các dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên mạng.
Theo CNBC, cổ phiếu Super Micro Computer giảm đến 41% chỉ 1 ngày sau bài báo về vi mạch gián điệp đăng trên Bloomberg hôm 4.10. Nhiều nhà cung ứng của Apple ở châu Á cũng lao dốc tương tự.
Cổ phiếu Hãng sản xuất linh kiện điện tử TDK hạ 4,46% trong khi cổ phiếu của nhà cung ứng linh kiện Murata Manufacturing giảm 3,09% tại Nhật Bản. Theo Nikkei Asian Review, thông tin cũng khiến nhiều công ty đang chịu áp lực từ căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh cân nhắc rời khỏi Trung Quốc. Hãng Wistron cho biết đang cân nhắc dời nhà máy sản xuất bảng mạch máy chủ sang Philippines. Quanta Computer, đối thủ cạnh tranh với Super Micro Computer trong lĩnh vực điện toán đám mây, cũng đã bắt đầu tăng sản xuất tại các nhà máy ở Mỹ và châu Âu.
Theo nguồn tin tại Mỹ, gián điệp từ một đơn vị của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã đưa vi mạch vào phần cứng trong quá trình sản xuất của Super Micro Computer. Công ty này thành lập năm 1993, làm việc với nhiều nhà thầu Trung Quốc và có hơn 900 khách hàng ở 100 nước, tính đến năm 2015, thời điểm việc lén cài đặt vi mạch được thực hiện. Nguồn tin nội bộ tiết lộ Amazon và Apple đã phát hiện ra vụ việc. Bên cạnh đó, các vi mạch gián điệp có thể còn được cung cấp cho Bộ Quốc phòng Mỹ và Cục Tình báo Trung ương (CIA).
Trong số các bên ký hợp đồng với Super Micro Computer có Universal Scientific Industrial trực thuộc Tập đoàn công nghiệp Đài Loan ASE, chuyên lắp ráp, thử nghiệm và cung cấp vi mạch lớn nhất thế giới. Nikkei Asian Review dẫn lời một đại diện tập đoàn cho biết ASE vẫn đang xem xét liệu sản phẩm của công ty có liên quan đến nghi vấn vi mạch gián điệp hay không.
Trong khi đó, một lãnh đạo của Quanta Computer - công ty Đài Loan cung cấp máy chủ lưu trữ dữ liệu cho Google, Facebook và Amazon - cảnh báo quy trình sản xuất bảng mạch phức tạp cũng tạo ra nguy cơ. “Các bảng mạch cần hàng ngàn thành phần ghép lại. Dễ có sai sót nếu việc quản lý không được giám sát chặt chẽ”, theo vị này.
Nhận định về tác động của thông tin “vi mạch gián điệp”, Tổng giám đốc Bob Hung của Công ty an ninh mạng Trend Micro (trụ sở ở Đài Loan và Hồng Kông) cho biết giới lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch và điện tử rất lo ngại về khả năng bị tấn công phần cứng.
Theo các chuyên gia, việc tấn công phần mềm có thể được giải quyết bằng các bản nâng cấp. Trong khi đó, việc tấn công bằng thiết bị đặt trong phần cứng như vi mạch gián điệp sẽ rất khó phát hiện và việc thay thế cũng khó khăn, tốn kém hơn rất nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.