Mỏi mòn chờ hỗ trợ sửa nhà sau thiên tai: ‘Đã phân bổ kinh phí từ lâu’?

06/02/2021 16:03 GMT+7

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên - Huế tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin mà Thanh Niên phản ánh trong bài viết Mòn mỏi chờ hỗ trợ sửa nhà sau thiên tai, vì... tỉnh đã phân bổ kinh phí từ lâu.

Sau khi Thanh Niên ngày 4.2 có bài phản ánh “Mỏi mòn chờ hỗ trợ sửa nhà sau thiên tai”, ông Phan Quý Phương, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỏ ra ngạc nhiên vì tỉnh đã chi kinh phí.

Cận Tết, hàng trăm hộ dân ở Thừa Thiên – Huế vẫn mỏi mòn chờ sửa nhà

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phương tỏ ra ngạc nhiên về tiến độ cũng như việc bố trí kinh phí hỗ trợ, nhất là đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 165 của Chính phủ hỗ trợ đồng bào bị sập, trôi, hư nhà nặng do thiên tai mà có huyện đến nay vẫn chưa hỗ trợ người dân.
Ông Phương khẳng định tỉnh đã chi hỗ trợ, xử lý, phân bổ cho các huyện, các địa phương từ lâu; đã xử lý hết cho tất cả các địa phương kinh phí từ T.Ư hỗ trợ cho tỉnh theo Nghị quyết 165 (quy định về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10.2020 trên địa bàn miền Trung và Tây nguyên). Đợt kinh phí phân bổ gần đây nhất là để xử lý cho đê kè, hạ tầng...

Người dân huyện miền núi Nam Đông, Thừa Thiên - Huế lợp lại nhà sau bão số 13 năm 2020

ẢNH: ĐÌNH TOÀN

“Hiện không còn nhà người nào hư hại nhà cửa nữa đâu. Các huyện đã báo cáo lên đây là đã khắc phục cho bà con hết rồi. Tỉnh cũng đã gửi báo cáo ra T.Ư rồi. Công tác an sinh xã hội cho người dân là đã giải quyết rồi, bây giờ chỉ còn việc khắc phục hạ tầng nữa mà thôi”, ông Phương nói.
Đối với nhà cửa hư hại, ông Phương cũng cho biết đã lo cho người dân từ đợt đầu ngay sau lũ bão. “Chưa có nguồn của T.Ư thì tỉnh ứng, cấp và xử lý ngay cho người dân liền, chứ làm gì có chuyện để cho người dân bây giờ không có chỗ ở nữa? Đối với nhà cửa của người dân mà hư, sập, tỉnh chủ động xử lý ngay tức khắc. Không bao giờ để cho người dân không có chỗ ở. Cái đấy là chỉ đạo xuyên suốt chứ có phải chờ T.Ư đâu”, ông Phương nói thêm.
Tuy nhiên, thông tin ông Phương nêu được dư luận đánh giá là khá mâu thuẫn với thực tế về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, an sinh xã hội sau các đợt thiên tai cuối năm 2020 tại Thừa Thiên-Huế. Đồng thời đặt ra nghi vấn là những huyện chưa chi hỗ trợ cho người dân thiệt hại (đúng đối tượng) đã sử dụng danh sách nào báo cáo lên trên?

Người dân thị trấn Phú Lộc, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế tự gom góp vật lực để lợp lại nhà bão số 13 trong khi chờ hỗ trợ kinh phí

- ẢNH: ĐÌNH TOÀN


Như Thanh Niên đã thông tin, rất nhiều hộ dân và UBND nhiều xã tại Thừa Thiên-Huế đang mỏi mòn chờ ngân sách hỗ trợ sửa chữa nhà bị hư nặng do thiên tai, hư nặng, sập trong bão lũ tháng 10.2020 nhưng đến nay chưa được hỗ trợ. Tại H.Phú Lộc, 100% chưa chi kinh phí cho người dân có nhà hư nặng, nhà sập; H.Phong Điền cũng trong tình cảnh tương tự. Trong khi đó, H.Phú Lộc giải thích chậm chi là do khó khăn để xác định hộ nghèo, cận nghèo bị hư nhà, sập nhà; còn H.Phong Điền giải thích còn phải đánh giá mức độ thiệt hại, tổng hợp danh sách…
Đáng chú ý, Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó xác định hộ nghèo, cận nghèo có nhà hư hại, sập do thiên tai được xét hỗ trợ; nhưng Nghị quyết 165 của Chính phủ ban hành mới đây thì không bắt buộc người dân hư nhà nặng, có nhà sập do thiên tai trong tháng 10.2020 phải là hộ nghèo, cận nghèo mới được hỗ trợ mà chỉ căn cứ mức độ thiệt hại để chi hỗ trợ. Thế nhưng, H.Phú Lộc lại không áp dụng.
Trong khi đó, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết chỉ tính riêng những hộ dân thuộc đối tượng hỗ trợ của Nghị quyết 165, trên địa bàn tỉnh hầu như huyện, thị nào cũng có đối tượng cần hỗ trợ. Cụ thể, có 70 hộ dân có nhà sập, đổ, trôi hoàn toàn hoặc phải di dời khẩn cấp; nhà hư hỏng trên 70% có 70 hộ; số nhà bị hư hỏng nặng có 297 hộ. Tổng nhu cầu đề nghị T.Ư hỗ trợ là 5,7 tỉ đồng.
“Nguyên tắc là khi có 2 chính sách mà cùng nhau thì ưu tiên cho chính sách cao nhất. Cái này là xuyên suốt trong các chính sách thực hiện việc hỗ trợ cho người dân. Chẳng hạn một đối tượng mà hưởng 2 chính sách được quy định ở 2 văn bản là Nghị định 136 và Nghị quyết 165, thì Nghị quyết 165 định mức cao hơn và cố gắng hỗ trợ cho bà con ở định mức cao hơn trong trường hợp này”, ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên-Huế, giải thích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.