Anh Hứa Văn Hậu (31 tuổi, ở Khu H, phòng 303), cho biết hồi còn ở P.Tam Thuận (Q.Thanh Khê) bị mất hết giấy tờ. Năm 2001, anh cùng gia đình chuyển đến khu chung cư Hòa Minh. Không được học hành, lại không có CMND nên hiện tại chỉ làm bốc vác qua ngày kiếm sống.
Anh chia sẻ: “Tôi không nghĩ đến chuyện lấy vợ, vì không có “thẻ thông hành” vào đời, có ai biết tôi là ai đâu, chưa được công nhận thì chuyện đèo bòng vợ con, nào dám nghĩ đến”.
Cùng khu với anh có ông Trần Xuân Pháp (47 tuổi), đã hơn nửa cuộc đời nhưng chưa có CMND. Trước đây, gia đình ông sống ở P.Xuân Hà (Q.Thanh Khê), sau gia đình đi làm kinh tế mới ở Long Khánh (Đồng Nai) thì bị mất giấy tờ.
Nhà đông anh em cực khổ nên lúc đó không ai nghĩ chuyện làm lại giấy tờ liên quan. Sau về lại TP.Đà Nẵng để cưới vợ, tuy vậy anh vẫn làm được giấy kết hôn ở P.Xuân Hà. Hiện 6 anh em vẫn chưa ai có bất kỳ giấy tờ gì để lận lưng. Ông ngậm ngùi: “Tôi lớn tuổi rồi, chữ nghĩa có biết đâu, đi làm giấy tờ lại nhiều lần nhưng trên chỉ xuống dưới, dưới chỉ lên trên, nên tôi thả buông. Giờ chỉ mong muốn cuối đời có được giấy tờ tùy thân làm “bửu bối” và để biết mình là ai thôi”.
Vợ là người “quyền lực” nhất
Hầu hết với những người đã có tổ ấm ở KCC này, không có giấy tờ tùy thân nên hay tiếu táo rằng vợ là người có nhiều “quyền lực” nhất.
“Tính ra như tôi cù bơ cù bất, không giấy tờ tùy thân nên vợ đứng tên mọi tại sản. Con cái nhập học hay xin việc đều vợ lo nhập khẩu về phía ngoại, vay tiền hay bất cứ việc gì… không có vợ, tôi không làm được gì hơn”, ông Phát cho biết. Bà Trương Thị Tình (43 tuổi, khu F, tổ 108) gốc Huế, vào Đà Nẵng lập nghiệp từ năm 15 tuổi và bén duyên với ông Trần Xuân Đạt (48 tuổi). Ông lênh đênh trên biển cả bao năm nay, còn bà Tình tảo tần mọi việc.
Tuy không có CMND nhưng vợ chồng vẫn làm được giấy kết hôn. Cái trở ngại nhất là từ việc nhỏ đến việc lớn trong nhà như liên quan đến giấy tờ, học hành của con cái, rồi vay mượn ngân hàng, bà phải về Huế để lo. Bà Tình nói: “Tôi phải nhập khẩu các con về phía ngoại, để học hành, đau ốm được bảo hiểm giải quyết. Chứ như ba nó, có ốm đau cũng tự bỏ tiền ra, không có CMND cơ quan nào chịu... giúp!”.
Trao đổi với Trưởng công an P.Hòa Minh, ông Nguyên Đắc Mười lý giải: “Do phần lớn các hộ chuyển nhượng, giấy tờ sang tên, không có sở hữu gì hết. Nhiều người không có giấy tờ gốc chúng tôi không thể gia hạn tạm trú, nên không đăng ký CMND được. Hơn nữa, họ không thanh toán hợp đồng thuê nhà. Đã nhiều lần vận động dân đóng phí nhà ở, để đủ điều kiện hưởng quyền lợi như bao công dân khác, nhưng dân còn khó khăn. Hướng giải quyết chỉ khi nào chuyển khu chung cư mới thì Công ty quản lý nhà ký mới hợp đồng, chúng tôi mới có cơ sở xem xét để hoàn thiện lại hồ sơ.”
Ông Nguyễn Bá Sơn (Chủ tịch Hội Luật gia TP.Đà Nẵng) cho rằng: “Đó là hai việc khác nhau và được quy đinh bởi các quy đinh khác nhau. Cấp CMND là quyền hợp pháp được Hiến pháp quy định. Việc kết hợp giữa Công ty quản lý nhà và Công an phường như vậy là không đúng. Quan hệ nào thì giải quyết theo quan hệ đó. Nếu người dân không nộp phí hợp đồng nhà thì giải quyết theo dân sự, còn CMND thì giải quyết theo luật hộ tịch và nó không bị cản trở bởi quan hệ dân sự kia.”
|
Bình luận (0)