Mỏi mòn đòi tiền bị 'bốc hơi' ở Eximbank

16/03/2018 05:24 GMT+7

Trong khi vụ 245 tỉ đồng của khách hàng Chu Thị Bình gửi tiết kiệm ở Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) bị mất kéo dài cả năm chưa giải quyết được thì lại thêm một vụ mất hơn 50 tỉ đồng của 6 khách hàng cũng tại ngân hàng này.

6 khách hàng mất hơn 50 tỉ đồng
Theo kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra (tháng 8.2017), từ năm 2012 đến tháng 8.2016, Nguyễn Thị Lam (nhân viên ngân quỹ Phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương, Nghệ An) đã có hành vi lừa dối để khách hàng ký vào lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, cũng như một số chứng từ Lam giả mạo chữ ký khách hàng, lừa dối nhân viên ngân hàng (NH) để rút khỏi hệ thống số tiền hơn 50 tỉ đồng trong số tiền gửi tiết kiệm của 6 khách hàng tại Eximbank. Lam còn nhận 570 triệu đồng của một khách hàng để mở sổ tiết kiệm nhưng chiếm đoạt luôn. Đáng nói, dù đã chấm dứt hợp đồng lao động với Eximbank từ 7.4.2016 nhưng Lam vẫn lập được các hồ sơ thủ tục chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại Eximbank đến hơn 34,2 tỉ đồng.
Ngày 21.9.2016, Lam đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An tự thú. Số tiền chiếm đoạt, Lam khai dùng chi trả cho những sổ tiết kiệm của khách hàng khác gửi tại NH, dùng để mua đất, đầu tư, cho vay lãi suất cao, làm nhà...
Vụ án được khởi tố vào năm 2016, đến tháng 8.2017 cơ quan cảnh sát điều tra đưa ra kết luận. Theo đó, nhân viên kiểm soát viên, giao dịch viên, thủ quỹ Phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương và nhân viên Phòng Giao dịch khách hàng Eximbank chi nhánh Vinh đã có lỗi cố ý làm trái những quy định rút và gửi tiền của NHNN và Eximbank nên Lam đã rút tiền tiết kiệm trong hệ thống Eximbank của 6 khách hàng (sổ tiết kiệm chưa được tất toán). Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An đề nghị Eximbank giải quyết yêu cầu của 6 khách hàng là trả gốc và lãi, buộc bà Lam bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho Eximbank. Thế nhưng đến nay 6 khách hàng vẫn đợi chờ trong vô vọng.
Trước đó, vụ mất 245 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank liên quan đến bà Chu Thị Bình được thông tin rộng rãi và gây sốc cho dư luận. Vụ việc này được phát hiện cách đây 1 năm. Đến đầu tháng 2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) đã có công văn xác định Eximbank là người bị hại trong vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM) lập chứng từ giả mạo liên quan đến các tài khoản tiết kiệm của bà Bình để chiếm đoạt hơn 245 tỉ đồng của Eximbank.
Eximbank không tự nguyện trả tiền
Về pháp lý, lẽ ra sau khi có kết luận của cơ quan điều tra như nói trên, Eximbank phải trả tiền cho khách hàng. Tuy nhiên, ở cả 2 vụ việc, Eximbank đều muốn khách hàng chờ phán quyết của tòa. Đây là nguyên nhân khiến vụ việc càng thêm kéo dài thời gian, gây bức xúc cho người gửi tiền.
Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, Văn phòng luật sư Tuổi Trẻ (đại diện đòi quyền lợi cho 2 khách hàng có số tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank hơn 40 tỉ đồng), cho biết: Khách hàng không thể chờ đợi được nữa, họ yêu cầu Eximbank phải trả tiền ngay trước lúc xét xử vì cáo trạng, kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra đã quá rõ ràng về trách nhiệm phải trả tiền của Eximbank.
“Trong buổi làm việc đầu tuần này, phía Eximbank vẫn tiếp tục thương lượng chờ phán quyết của tòa án”, luật sư Liêm nói và cho biết đã yêu cầu Eximbank trả lời rõ chờ phán quyết của phiên tòa nào. Vì theo quy trình tố tụng sẽ qua các bước sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì biết đến lúc nào khách hàng mới lấy lại được tiền. “Chúng tôi chờ công văn trả lời chính thức từ Eximbank trong tuần này rồi mới có những bước tiếp theo”, ông Liêm cho hay.
Đại diện cho bà Chu Thị Bình là luật sư Đinh Ánh Tuyết (Văn phòng luật sư IDVN) cũng cho biết: “Vụ việc được phát hiện từ tháng 3.2017 đến nay, đại diện của Eximbank yêu cầu bà Bình phải tiếp tục theo đuổi thủ tục kiện tụng tại tòa án thì mới được trả lại tiền gửi. Tức là khi cơ quan có thẩm quyền buộc Eximbank phải thực hiện nghĩa vụ, thay vì tự nguyện thực hiện”.
Không chỉ gây bức xúc cho người mất tiền, cách giải quyết của Eximbank đang khiến nhiều người gửi tiền hoang mang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.