Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất: Chậm trả tiền bồi thường cho 7 nạn nhân

19/12/2019 07:27 GMT+7

Đến nay, 7 nạn nhân trong vụ Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.

Chiều 18.12, trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Dựa, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh, cho biết thời gian qua đơn vị này liên tục có văn bản báo cáo Viện KSND tối cao về việc chi trả tiền tạm ứng cho 7 nạn nhân trong vụ Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất (Báo Thanh Niên có nhiều bài phản ánh) nhưng đến nay đề xuất trên chưa được đáp ứng.
Theo ông Dựa, lần gửi văn bản gần nhất vào ngày 16.12, Viện KSND tỉnh Tây Ninh có công văn gửi Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7) và Cục Kế hoạch - Tài chính (Cục 3) của Viện KSND tối cao để đốc thúc việc chi trả tạm ứng bồi thường oan sai.
Trước đó, ngày 8.10 (trước buổi xin lỗi oan sai 7 nạn nhân vào ngày 31.10 - PV), Viện KSND tỉnh Tây Ninh có văn bản đề nghị hai cơ quan nói trên chi trả tiền tạm ứng bồi thường theo đúng luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017. Số tiền tạm ứng đề xuất bằng 50% tổng số tiền bồi thường mà Viện KSND tỉnh Tây Ninh tạm tính.
Cụ thể, số tiền tạm ứng cho ông Hồ Long Chánh (67 tuổi) là 522 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Chiến (67 tuổi) 413 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (75 tuổi) 522 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Dũng (58 tuổi) 522 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Lan (66 tuổi) 425 triệu đồng; cụ Võ Thị Thương (94 tuổi) 425 triệu đồng; cụ Nguyễn Thành Nghị (chồng cụ Thương, sinh năm 1918, đã mất) 422 triệu đồng. Tổng số tiền tạm ứng hơn 3,25 tỉ đồng.
Ông Dựa cho biết thêm hiện nay việc thương lượng bồi thường giữa 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung. Trước đó các nạn nhân đòi bồi thường từ 5 - 12 tỉ đồng nhưng Viện KSND tỉnh Tây Ninh dự tính mỗi người chỉ được nhận số tiền khoảng 800 triệu đến hơn 1 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Công Trung, đại diện ủy quyền của các nạn nhân, cho hay có hai khó khăn chưa thể thống nhất trong quá trình thương lượng bồi thường. Thứ nhất là các nạn nhân yêu cầu phải bồi thường thời gian oan sai 40 năm, tức từ khi họ bị bắt vào ngày 26.7.1979 đến ngày 4.4.2019 (tổng cộng 14.495 ngày) được trao quyết định đình chỉ vụ án, trong khi Viện KSND tỉnh Tây Ninh chỉ đồng ý bồi thường từ thời điểm bị bắt đến lúc ra tù ngày 11.5.1983 (1.383 ngày).
Thứ hai là Viện KSND tỉnh Tây Ninh không đồng ý bồi thường nhà đất mà một số nạn nhân yêu cầu. Nạn nhân phản ánh thời điểm bị bắt họ có nhà đất, nhưng sau gần 4 năm ở tù nhà đất bị mất vì bị lấn chiếm. Thời điểm đó nhà đất ở quê không có giấy tờ và sau khi ra tù do mặc cảm nên phần lớn nạn nhân không dám trở về quê mà đi biệt xứ tới nơi khác sinh sống.
Ông Trung cho hay số tiền bồi thường oan sai nhiều hay ít còn phụ thuộc vào quá trình thương lượng. Điều mà 7 nạn nhân mong muốn là sớm nhận được số tiền tạm ứng bồi thường để chi trả cho cuộc sống hằng ngày. Bởi cả 7 nạn nhân đều có cuộc sống khó khăn, thường xuyên bệnh tật, trong đó đáng chú ý là cụ Thương năm nay 94 tuổi.
Theo điều 44 luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, mức tạm ứng oan sai không được dưới 50% giá trị các thiệt hại. Ngay sau khi thụ lý hồ sơ, trong thời hạn 5 ngày, cơ quan giải quyết bồi thường phải hoàn thành việc tạm ứng kinh phí cho người yêu cầu bồi thường. Trong trường hợp dự toán bồi thường đã hết, trong vòng 2 ngày (làm việc), cơ quan giải quyết bồi thường phải đề xuất bổ sung kinh phí tạm ứng. Trong vòng 7 ngày (làm việc) kể từ khi nhận được yêu cầu, cơ quan tài chính phải có trách nhiệm cấp kinh phí cho cơ quan giải quyết bồi thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.