Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 4: Nợ những câu trả lời thỏa đáng

28/10/2018 08:29 GMT+7

Gần 40 năm qua, họ vẫn sống với thân phận bị can mà không cách nào chứng minh mình vô tội hay đòi xin lỗi, bồi thường.

8 người cùng bị bắt giam oan sai, bị nhục hình phải nhận tội, nhưng chỉ duy nhất ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) khi ra tù có được quyết định đình chỉ điều tra. Những người còn lại nỗi hàm oan cứ ám lấy cuộc đời họ, ập đến bao nhiêu giông tố, đắng cay... dù mấy mươi năm qua họ đã đi gõ cửa biết bao nơi để mong tìm lại quyền công dân.
Quyết định đình chỉ điều tra ở đâu ?
Bà Hồ Thị Tiến (56 tuổi), vợ ông Dũng, nhớ lần gặp đầu tiên chồng mình thời điểm mới ra tù. Khi đó bà mới 21 tuổi, gặp dịp ông Dũng theo người cháu họ ghé nhà chơi. “Sau khi quen, cứ vài bữa anh Dũng lại tới thăm. Lúc thân thiết rồi, ảnh mới kể thật mới ở tù mấy năm ra. Nghe xong tôi hỏi anh làm gì mà bị tù vậy, anh nói bị bắt oan rồi lấy trong túi áo tờ quyết định đình chỉ điều tra cho tôi xem, kể lại vụ việc và những tháng ngày cơ cực trong tù. Tôi nghe xong, nghĩ anh bị bắt oan thật rồi thương anh lúc nào không biết”, bà Tiến kể.
Quen nhau được chừng 3 tháng, hai người tính đến chuyện lập gia đình. Vốn nhanh nhẹn, đảm đang nên ngày ngày bà Tiến nấu sữa, làm bánh da heo, nấu hủ tiếu đưa ra chợ bán, còn ông Dũng phụ giúp vợ, hết việc thì chạy xe ôm, ai thuê gì làm nấy.
Ông Dũng hồi tưởng: Ngày 11.5.1983, ông cùng với 7 người thân liên quan vụ án được ra tù. Từ một thanh niên mới 25 tuổi, một quân nhân với bao ấp ủ, dự tính tươi đẹp của cuộc đời, dường như ông Dũng mất hết tất cả: cuộc sống, tương lai, nhân phẩm, danh dự... “Khi đó tôi chỉ nghĩ nếu không chứng minh được mình không phải đào ngũ, không phải đi ăn cướp mà bị bắt oan thì có lẽ đến chết tôi không bao giờ nhắm mắt được vì nhục nhã, ê chề”, ông Dũng nói.
Cho nên sau khi ra tù, việc đầu tiên là ông đề nghị cơ quan liên quan phải cung cấp giấy quyết định đình chỉ điều tra để ông lên làm việc với đơn vị là Trung đoàn 774, Sư đoàn 317. Ông Dũng muốn chỉ ra sự sai sót khi bắt tạm giam một quân nhân làm nhiệm vụ quốc tế nhưng cơ quan tố tụng Tây Ninh không liên hệ với đơn vị chủ quản của ông để xác minh, không liên hệ với cơ quan tố tụng quân đội để phối hợp điều tra. Ngày 25.5.1983, ông Dũng trở lại đơn vị để trình báo sự việc đồng thời xin được phục hồi chế độ như những quân nhân khác. Tuy nhiên, đơn vị từ chối giải quyết với lý do không biết ông bị bắt oan nên đã cắt quân số, thông báo về địa phương là ông đào ngũ. Suốt nhiều năm ông Dũng gửi đơn khiếu nại tới những cơ quan địa phương, trung ương, quân đội nhưng kết quả không được giải quyết.
Đến năm 2000, ông trực tiếp ra Hà Nội khiếu nại tới các cơ quan trung ương như Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ... Lộ phí đi kêu oan lấy từ số tiền ít ỏi chạy xe ôm, bán kem dạo hay tiền chợ tích cóp của vợ. Ba vợ của ông thương con rể thiệt thà, chịu thương chịu khó nên mấy bận bán bò, bán ruộng, còn đích thân đưa ông ra Hà Nội tìm đến cơ quan chức năng cầu cứu. Ở nhà bà Tiến thành hậu phương vững chắc một mình chăm sóc bốn con nhỏ cho chồng yên tâm đi khiếu nại.
Sau khi rời khỏi trại giam, ngoài ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) thì 7 bị can còn lại bị bắt trong vụ cướp vàng không nhận được quyết định đình chỉ vụ án. Do vậy, gần 40 năm qua, họ vẫn sống với thân phận bị can mà không cách nào chứng minh mình vô tội hay đòi xin lỗi, bồi thường.
Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 4: Nợ những câu trả lời thỏa đáng1
Bà Nguyễn Thị Lan (trái) dìu chị chồng Nguyễn Thị Ngọc Lan trên bước đường đi tìm công lý Ảnh: Lam Ngọc
Bao giờ hết là bị can ?
Sở dĩ ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) nhận được quyết định đình chỉ điều tra vì lúc đi tù ông đang ở trong quân ngũ; khi được tha, ông yêu cầu phải có quyết định đình chỉ vụ án để về đơn vị chứng minh mình bị bắt oan và không đào ngũ. “Từ khi ra tù, do mỗi người ly tán mỗi nơi nên tôi không hề biết những người còn lại có nhận được quyết định đình chỉ điều tra hay không”, ông Dũng nói.
Ám ảnh tới khi nhắm mắt
Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) nói không thể quên về những ngày tháng cuối đời ba ông là Nguyễn Thành Nghị vẫn luôn đau đáu việc tìm cách để được giải oan. Một tháng trước khi chết, ba ông không còn đủ tỉnh táo nhưng trong lúc mơ màng vẫn thường hét lên “tôi không ăn cướp”. Mỗi lần nghe thế, ông Dũng và anh, chị em của mình lại vỗ về: “Dạ, ba không phải là cướp” và ba ông nước mắt cứ lăn dài. Thời gian đó, duy nhất một lần ba ông tỉnh táo, cứ siết chặt tay ông Dũng nói: “Ba chết nhưng con không được quên đi tìm những người đã gây ra oan sai, đòi họ giải oan cho ba. Nếu con không đủ sức thì nhờ anh Dũng (Dũng lớn) giúp sức. Hai anh em con phải làm cho bằng được mới thôi. Nếu không, xuống dưới đó ba cũng không thể nhắm mắt”. Trăng trối xong, vài tiếng sau thì ba ông mất.
Ông Nghị qua đời đến nay đã gần chục năm nhưng tâm nguyện của ông vẫn chưa thực hiện được. Giờ tới ông Chiến, bà Ngọc Lan sức cũng đã gần tàn, không biết họ sẽ kiên nhẫn chờ thêm được bao lâu để được minh oan?
Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) nhớ lại: “Chiều hôm ra tù, cán bộ trại giam mở cửa cho từng người và dặn về địa phương trình báo. Họ nói giấy tờ sẽ chuyển về địa phương”. Tin vậy nên những người được tha về UBND xã trình báo. Ở đây, họ gặp lại ông Phùng Văn Tiết (tên thường gọi là Tư Tiết) chính là điều tra viên Công an H.Trảng Bàng, phụ trách việc điều tra vụ cướp năm 1979. Ông Tiết dặn những người này ra tù phải lương thiện làm ăn, đừng nghĩ chuyện trả thù. “Lúc ấy chúng tôi rất sợ vì Tư Tiết là điều tra viên đánh đập chúng tôi thậm tệ nhất nên nhanh chóng về thu dọn đồ đạc bỏ đi thật xa. Từ đó chúng tôi không quay lại xã lần nào và chưa một lần nhìn thấy quyết định đình chỉ điều tra”, ông Dũng cho hay.
Về sau, trước sự miệt thị của người đời, họ mới nghĩ tới việc tìm giấy tờ chứng minh mình bị oan. Họ tới một số cơ quan liên quan để nhờ trích lục hồ sơ, cấp lại quyết định nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) làm đơn gửi tới Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh để xin trích lục hồ sơ nhưng nơi đây trả lời chưa tìm thấy. “Chúng tôi đã gửi không biết bao nhiêu đơn tới các cơ quan từ tỉnh đến trung ương với nội dung cầu cứu, đòi được minh oan nhưng không một hồi âm. Nếu đơn không tới nơi thì phải được trả về. Hoặc đơn không phù hợp thì họ cũng gửi cho chúng tôi thông báo... Vậy mà bặt vô âm tín. Chúng tôi chỉ biết gửi đi và ngóng chờ một tia hy vọng, một tiếng nói từ cơ quan công quyền để được thừa nhận là công dân. Vậy mà họ làm ngơ trước nỗi đau của cả dòng tộc tôi”, ông Dũng gạt nước mắt.
Chứng kiến những người dân chân lấm, tay bùn lam lũ khó nhọc tuyệt vọng trên con đường đi tìm lời giải cho cuộc đời mình, chúng tôi đã tìm gặp những người có thể biết về quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can. Gần 40 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Phước Lần (63 tuổi), ở xã Gia Bình, H.Trảng Bàng, nguyên cán bộ quản giáo trại tạm giam Công an H.Trảng Bàng từ năm 1975 - 1979, vẫn nhớ nhiều chi tiết về vụ trọng án ấy. Trong đời làm quản giáo trại giam, chưa bao giờ ông Lần chứng kiến một gia đình bị bắt đông và 3 thế hệ phải vào tù như thế. Điều ngạc nhiên, suốt một thời gian dài, ông Lần không hề biết những người này được thả nếu như cách đây mấy năm không tình cờ gặp ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) đi bán kem dạo, được nghe kể lại sự tình. Về quyết định đình chỉ điều tra, ông Lần cho hay sau năm 1980 được điều về làm ở Công an H.Trảng Bàng nhưng chưa bao giờ ông nghe thông tin vụ án bị đình chỉ điều tra.
Những ngày ở Tây Ninh, chúng tôi lần mò hết những manh mối có liên quan vụ án ở 2 huyện Trảng Bàng, Gò Dầu nhưng thông tin thu được chỉ là những cái lắc đầu. Ông Ba Trợn (86 tuổi), nguyên Trưởng công an xã Đôn Thuận, là người trực tiếp tham gia vụ bắt giữ người trong đêm 26.7.1979, nhớ ra ngay vụ việc nhưng đi vào chi tiết thì lúc nhớ lúc quên. Ông chỉ khẳng định đó là chuyên án lớn và đối tượng tình nghi đều bị bắt nóng, sau đó giao cho công an huyện và tỉnh giải quyết. Công tác ở UBND xã Đôn Thuận đến những năm 1990 nhưng ông Ba Trợn cũng không nghe vụ án bị đình chỉ và giấy đình chỉ được gửi về địa phương.
Ông Hai Mầm (63 tuổi), thời điểm xảy ra vụ án là người được phân công làm thư ký ghi chép vụ việc, khi được hỏi cũng không nhớ cụ thể. Ông Mầm cho hay sau đó ông làm Phó trưởng công an xã Đôn Thuận và năm 1983 làm Phó chủ tịch UBND xã Đôn Thuận, nhưng chưa bao giờ thấy giấy đình chỉ vụ án được gửi về xã. Chỉ duy nhất khoảng những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước có người về tìm hiểu vụ việc, giống như phúc tra vụ án nhưng vì xã không còn lưu giấy tờ, hồ sơ vụ việc nên không giúp gì được. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.