Được minh oan vào tháng 10.2019 sau gần 40 năm oan khuất mang thân phận bị can, vì tuổi cao sức yếu, hầu hết nạn nhân trong vụ oan sai xuyên thế kỷ chấp nhận mức bồi thường Viện KSND tỉnh Tây Ninh đưa ra với mong muốn nhận được chút tiền an ủi để chữa bệnh lúc tuổi già. Thế nhưng, đã gần 7 tháng qua, tiền bồi thường vẫn chưa có, trong khi một người đã trút hơi thở cuối vì đau yếu...
Nạn nhân đó là ông Hồ Long Chánh (68 tuổi, ngụ Tây Ninh), qua đời hôm qua, 6.10.
Nước mắt hấp hối
Như Thanh Niên đã thông tin ở loạt bài Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất, 8 nạn nhân trong vụ oan sai thế kỷ đều là người trong một “đại gia đình” quê Tây Ninh, gồm cụ Nguyễn Thành Nghị (sinh năm 1918, đã mất trước khi được minh oan) và vợ Võ Thị Thương (95 tuổi) cùng con trai Nguyễn Văn Dũng (Dũng “nhỏ”, 59 tuổi), ông Nguyễn Văn Chiến và vợ Nguyễn Thị Lan (cùng 67 tuổi), ông Hồ Long Chánh (68 tuổi) và vợ Nguyễn Thị Ngọc Lan (74 tuổi), ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”). Do tuổi cao, cụ Thương, hai bà Lan và ông Chánh, ông Chiến thường xuyên phải nhập viện vì bệnh tật nên sau khi được minh oan vào tháng 10.2019, những người này chấp nhận mức bồi thường thiệt hại hơn 1 tỉ đồng/người mà Viện KSND tỉnh Tây Ninh đưa ra, bằng khoảng 1/10 mức yêu cầu, với mong muốn có chút tiền chữa bệnh, trang trải nợ nần bấy lâu nay. Riêng ông Dũng “nhỏ” cho rằng mức bồi thường này quá thấp nên chưa đồng ý.
Thế nhưng, kể từ khi thỏa thuận bồi thường xong ngày 11.3.2020, tới nay đã gần 7 tháng trôi qua, các nạn nhân vẫn chưa nhận được tiền. Sau thời gian mòn mỏi chờ đợi, ông Chánh đã trút hơi thở cuối cùng vào rạng sáng 6.10. “Gần 40 năm sống với thân phận bị can và hơn 3 năm 9 tháng ở tù, bị đánh đập, bị hành hạ tới thừa sống thiếu chết, bị khinh khi, phỉ báng thì hơn 1 tỉ đồng không thể nói là công bằng, nhưng tôi đành chấp nhận để cuối đời có một chút gọi là an ủi”, ông Chánh từng nói khi chấp nhận mức bồi thường, nhưng đến nay “chút an ủi” đó ông cũng không được toại nguyện.
Trong cơn hấp hối, ông gọi mãi tên bà Ngọc Lan và đứa con gái mà bà sinh non ở trong tù là Tuyết chỉ mới vừa được ông và bà Lan nhận lại gần một năm trước (chị Tuyết được gửi cho một cặp vợ chồng là cán bộ Công an H.Trảng Bàng nhận nuôi từ khi vợ chồng ông Chánh ở tù oan tới nay - PV). Khi bà Lan tới bên, ông cố siết chặt tay người vợ cũ (ông Chánh và bà Lan ly dị do những hiểu lầm trong quá trình bị bắt oan - PV), nước mắt ứa ra cùng những cái nấc không thành lời. Người phụ nữ ở tuổi gần đất xa trời chẳng biết nói gì hơn, nắm chặt bàn tay người từng là bạn đời, cố an ủi: “Mọi chuyện qua rồi”. Bà nói mà như cố an ủi cho chính mình, bởi tình cảnh sức khỏe của bà mấy năm nay còn bi đát hơn, bệnh tật khiến bà đi lại không vững...
|
Không biết khi nào nhận được tiền bồi thường
Chứng kiến cảnh tang tóc trùm lên gia đình khốn khổ, chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Văn Dựa, Phó viện trưởng VKS Tây Ninh, để hỏi về việc giải quyết bồi thường oan sai. Ông Dựa thông tin toàn bộ dự toán đề xuất về việc chi trả tiền bồi thường cho các nạn nhân oan sai mặc dù đã được hoàn tất và Viện KSND tối cao cũng đã có văn bản chấp thuận, nhưng phải chờ ý kiến của Bộ Tài chính nên chưa thể biết khi nào sẽ chi trả tiền bồi thường cho các nạn nhân.
Nghe thông tin này, ông Dũng “nhỏ” bật khóc tức tưởi. Ông bảo không chỉ khóc cho bản thân, mà nhìn tình cảnh ông Chánh lại nhớ đến người cha đã mất khi chưa được minh oan và người mẹ nay 95 tuổi mòn mỏi đợi tiền bồi thường. “Phải mất bao nhiêu thời gian để hiện thực hóa lời xin lỗi. Tính từ khi xin lỗi tới nay đã gần một năm trời mà họ vẫn thản nhiên bảo chờ...”, ông Dũng “nhỏ” đau đớn nhìn sang mẹ.
Trong khi đó, cụ Võ Thị Thương hoang mang: “Thằng Dũng “lớn” sau khi được xin lỗi thì nhận tiền liền mà sao tôi được xin lỗi đã một năm mà chưa thấy tiền bồi thường đâu? Tôi già rồi, không biết sống được tới khi nào, chỉ mong nhận được tiền bồi thường để lo cho con cháu rồi nhắm mắt cho yên lòng”. Cụ bảo điều đau đáu nhất bây giờ là người con trai út bị tâm thần. Số tiền được bồi thường oan sai, cụ tính sẽ gửi gắm những người con khác lo cho con út khi cụ không còn nữa. Nay chứng kiến tình cảnh của ông Chánh, cụ nói trong hơi thở nặng nhọc: “Có khi nào tôi cũng như thằng Chánh. Tới chết chưa thể nhắm mắt vì chút tiền bồi thường an ủi vẫn chưa thể nhận...”.
Vào đêm 26.7.1979, chỉ vì tin báo có vụ cướp vàng xảy ra tại nhà máy xay xát lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) do ông Nguyễn Văn Đơ làm chủ, 8 người trong “đại gia đình” đang sống cuộc đời yên ấm bỗng nhiên bị bắt. Sau đó là những ngày các nạn nhân bị tra khảo, ép cung buộc phải nhận tội. Những người này đã bị tù oan hơn 3 năm 9 tháng, đến năm 1983 mới được tha. Tuy nhiên, chỉ ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) do khi bị bắt đang là quân nhân tình nguyện Campuchia về phép thăm nhà nên nhận được quyết định đình chỉ điều tra, sau đó được bồi thường oan sai.
7 người còn lại mang thân phận bị can gần 40 năm dù họ đi gõ cửa đủ nơi để minh oan; trong đó bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và Nguyễn Thị Lan khi bị bắt, người có con mới 2 tháng rưỡi, người mang bầu 5 tháng...
Sau khi Báo Thanh Niên có loạt bài Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất, điều tra, phản ánh về vụ việc, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, xác minh; Viện KSND tối cao yêu cầu làm rõ... Kết quả, ngày 31.10.2019, Viện KSND tỉnh Tây Ninh tổ chức buổi xin lỗi công khai 7 nạn nhân còn lại tại UBND xã Đôn Thuận - địa phương xảy ra vụ án oan sai.
|
Bình luận (0)